Dòng sự kiện:

Nhật ký của người mẹ viết cho con tự kỷ

17:41 17/12/2016
'Cô giáo chủ nhiệm lớp bảo: 'Cô nhiều lúc quên bẵng là con thuộc diện cần phải chăm sóc đặc biệt'. Câu nói rất đỗi bình thường của cô nhưng đã gieo vào lòng mẹ niềm hạnh phúc khó tả', chị Hoàng Na (Q.Long Biên, Hà Nội), người mẹ có con tự kỷ, chia sẻ.

Dưới đây là những chia sẻ của chị Hoàng Na về hành trình cùng con vượt qua chứng tự kỷ: 

Hơn 4 năm trước, mẹ hoang mang, hoảng hốt cả trong giấc ngủ khi phát hiện những biểu hiện không bình thường của con.

Mẹ sinh con ra, lanh lợi, gương mặt sáng, con học nhanh lắm mọi thứ xung quanh. Con có sở thích rất đặc biệt, đam mê những chương trình tiếng Anh khi chưa đầy tuổi. Được 1 tuổi rưỡi, con không ào ra đón mẹ như mọi ngày nhưng con có thể đọc hết bảng chữ cái bằng tiếng Anh, số đếm và nhiều từ ngữ bằng tiếng Anh, phát âm chuẩn, trong khi con quên bẵng tiếng Việt.

Con cũng không có nhu cầu giao tiếp với ai. Dù cố gắng dành thời gian chơi với con mỗi tối để tách con khỏi màn hình, nhưng chẳng thấm vào đâu với 7-8 giờ mỗi ngày mẹ vắng nhà. Mẹ “xin phép” cả nhà, phải đưa con đi lớp, nhưng không ai đồng ý. Vì lý do nhà có người, con lại chưa đầy 2 tuổi. Mẹ bị mắng vì thiếu tin tưởng người trong gia đình. Linh cảm thúc đẩy mẹ tìm các tài liệu nghiên cứu những biểu hiện của con. Mẹ không phải nhà tâm lý, cũng chẳng phải bác sỹ, nên nói về triệu chứng của con với gia đình, không ai tin mẹ. Con đang bình thường, sao gán cho con bị tự kỷ?

Cứ đến cuối tuần, nói dối cả nhà là cho con đi chơi, mẹ âm thầm bế con đến các trung tâm để kiểm tra xem con ở mức độ nào. Gặp nhiều bố mẹ đưa con đến khám, điều trị hội chứng tự kỷ với nỗi buồn hoang hoải. Con thấy người lạ, nơi mới, đều bỏ chạy, gào thét đòi về. 

Có hôm trời mưa, con nhoài người xuống đường đẫm bùn nước, người hai mẹ con lấm lem. Mẹ đưa con đến nhiều nơi khám để xác định chính xác “bệnh” của con, xem kết quả có giống nhau không? Kết luận của bác sỹ, con bị rối loạn ngôn ngữ. Chuyên gia nói, chưa thể can thiệp ngay được, mẹ cần đưa con đi học lớp mầm non bình thường ít nhất 3 tháng, để con làm quen với môi trường ngoài gia đình.

Nghe như “bệnh” của con khó chữa lắm. Ôm con về, mẹ thấy bất lực, tủi thân. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh gay gắt khi mẹ đưa con đi lớp bằng được.Mỗi ngày, mẹ dành ít nhất 1 giờ cao điểm để theo dõi camera, các hành động của con ở lớp. 

Nhiều đêm cả nhà đã ngủ, mẹ vào mạng tìm cách chữa trị bệnh cho con. Danh sách trung tâm tư vấn, cách can thiệp cho con mỗi ngày dài hơn. Cùng lúc, gia đình mình xảy ra quá nhiều biến cố lớn. Có lúc mẹ hoảng loạn, rối bời, căng mình ra để chống đỡ cả mấy việc cùng lúc. Mẹ không phải người đa tài, nên việc gì làm nửa vời cũng hỏng, mẹ đành phải chọn việc ưu tiên nhất, là can thiệp cho con.

Cũng giống như bao người, mẹ không muốn nói với ai về “bệnh” của con, chỉ có thể trao đổi với nhà trường, với cô giáo thật kỹ, để mong các cô giúp đỡ con. Không thể đợi được 3 tháng như chuyên gia tâm lý nói, khi con đi lớp được 3 tuần, đồng thời mẹ cũng bế con 1 tuần 3 tối đến học với cô giáo để con sớm bật lại ngôn ngữ. Hôm nào cũng gần 10 giờ đêm, hai mẹ con mới về đến nhà.

Những ngày đầu, con học can thiệp ở chỗ cô Linh, thời gian quy định là 1 giờ, nhưng có buổi cô trò chỉ hợp tác với nhau được 5-10 phút, có hôm được 15 phút. Mẹ cười thông cảm với cô, nhưng lòng mẹ đau. May là mẹ đã chọn đúng trường mầm non để gửi con vào học. Trường rộng rãi, thoáng đãng, từ cô hiệu trưởng đến các cô dạy ở lớp con như cô Xuyên, cô Xuân, rồi cô Lan, cô Bình... và các chú bảo vệ đều tận tình giúp đỡ con.

Cô Liên hiệu trưởng là người có kinh nghiệm và hiểu rõ mong mỏi của mẹ, đã nhanh chóng mở lớp chuyên biệt tại trường. Hồi đầu, những buổi học can thiệp theo giờ của cô Thanh, cô Quyên đều có buổi học phải khóc cùng con, vì con không chịu hợp tác. Mẹ buồn lặng đi, nhưng vẫn không thôi hy vọng.

Con đi học lớp 1 được gần 1 kỳ, nhìn lại cả qúa trình phấn đấu nỗ lực của con, giờ mẹ đã có thể tự hào về con trai của mẹ. Dẫu rằng con vẫn đang trên đà cập nhật liên tục rất nhiều kiến thức để đuổi kịp các bạn, vẫn cần thêm một chặng nước rút, nhưng lúc này, mọi lo lắng của mẹ đã dần tan. Mỗi ngày mẹ đi làm về đến cửa, con chạy ra: “Con chào mẹ, con yêu mẹ!”, rồi ôm chặt mẹ, hít hà quần áo mẹ như thể lâu lắm rồi mẹ con mới gặp lại nhau.

Rất nhiều người thân, bạn bè, không hiểu hết những việc mẹ đã làm, cũng không hiểu vì sao tâm lý mẹ nhiều lúc bất ổn, nhưng dù biết ít hay không biết con là đứa trẻ khác biệt, mỗi người vẫn động viên mẹ bằng các cách khác nhau, để mẹ có thêm nghị lực, tiếp sức cho con phấn đấu mỗi ngày. 

Mẹ biết, chọn việc ưu tiên chữa trị cho con là đúng, nhưng vì mẹ không có thời gian, nên cũng đánh mất nhiều thứ quý giá của cả mẹ và con. Mẹ hy vọng, 2 chị em con sẽ hiểu mẹ. Bởi nếu là người mẹ, chắc chắn, ai cũng sẽ lựa chọn cách của mẹ. Những việc mà mẹ làm là vì con, con yêu của mẹ. Vì mẹ mãi là mẹ của con.

PNVN

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG