Dòng sự kiện:

Nhọc nhằn… “moi” tiền chồng (1): Nản vì chồng không chịu “góp gạo”

Gia đình và Xã hội
07:49 17/08/2017
Không ít ông chồng hiện nay mắc phải một suy nghĩ thiển cận rằng “chi tiêu gia đình là việc nhỏ” nên họ vô tư “nhường” gánh nặng đó cho người vợ. Họ không hiểu rằng mình đã trở thành kẻ vô tình, ích kỷ trước nỗi nhọc nhằn của vợ và sự túng thiếu của gia đình.

Kiệt sức vì một mình lo gánh nặng chi tiêu gia đình

Chị Nguyên Hạnh ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, chồng chị làm việc cho 3 công ty nhưng mỗi tháng chỉ đưa cho vợ được 5 triệu đồng để đóng tiền thuê nhà. Còn lại, mọi chi tiêu khác trong gia đình một mình chị phải tự xoay xở. Chị Hạnh đã ngọt nhạt đủ đường bảo anh Toàn (chồng chị) phải có trách nhiệm với gia đình, nhưng sau mỗi lần đề cập đến chuyện tiền nong là vợ chồng lại cãi nhau.

Chị Hạnh cho rằng, chồng vô trách nhiệm. Còn anh Toàn lại bảo chị là người “ăn cháo đá bát” phủi hết công lao của anh ta. Rằng mỗi năm anh ta đã chi gần cả trăm triệu để đóng tiền nhà mà vẫn cứ ỉ ôi trách móc.

Nhận thấy trong suy nghĩ của chồng mình khoản tiền đưa vợ mỗi tháng 5 triệu là to nên chị Hạnh đã quyết tâm làm cho ra lẽ. Để chứng minh, chị Hạnh đã ghi chép tất cả mọi khoản chi tiêu vào sổ rồi đưa cho chồng xem nhưng anh Toàn không thèm đoái hoài. Kết cục là anh Toàn vẫn ung dung cho rằng, mỗi tháng mình lo được khoản tiền nhà là coi như xong trách nhiệm. Còn chị Hạnh, lương mỗi tháng 7 triệu phải trang trải hết vào tiền ăn, tiền bỉm sữa, tiền điện nước, quần áo, thuốc men… Có những tháng phát sinh hiếu hỉ là y như rằng chị Hạnh rơi vào tình cảnh thiếu trước hụt sau, phải vay mượn đồng nghiệp, hàng xóm…

Tương tự trường hợp của chị Hạnh, chị Hà Linh ở Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng vợ chồng “mặn nhạt” với nhau bởi sự thiếu trách nhiệm trong vấn đề “góp gạo” thổi cơm chung. Anh Huân, chồng chị Hà công tác tại một cơ quan ngang Bộ ở Hà Nội. Chị Hà làm nhân viên văn phòng. Ngày lấy nhau, anh Huân nói với chị Hà: “Trong nhà mọi việc lớn để anh ấy lo, còn em chỉ cần lo việc nhà cửa, con cái cho ổn là được”.

Do chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình nên nghe chồng nói vậy, chị Hà lấy làm sung sướng hạnh phúc. Những ngày đầu hôn nhân, việc đi làm về ghé chợ mua thức ăn làm cơm cho hai vợ chồng ăn, chị Hà không thấy vấn đề gì. Nhưng khi sinh con, 1 đứa rồi 2 đứa, hàng trăm thứ chi tiêu đều trông hết vào khoản tiền lương ít ỏi của mình đã khiến cho chị thấy căng thẳng, mệt mỏi. Lúc này chị mới nhận ra rằng, mình đã quá khờ khạo vì không lường hết được gánh nặng phải lo “nồi cơm” cho gia đình nó khủng khiếp đến mức nào. Anh Huân, mặc dù nhận trách nhiệm “lo việc lớn” nhưng cho đến giờ, sau gần 10 năm chung sống anh vẫn chưa mua được nhà. Ngay cả khi chị Hà đổi xe thì chị cũng phải vay đồng nghiệp rồi lấy tiền lương trả dần hàng tháng chứ chồng không lo cho được đồng nào.

Rút kinh nghiệm xương máu bao nhiêu năm phải một mình lo cho gia đình, chị Hà đã bỏ hết mọi sĩ diện tự ái tìm mọi cách lấy bằng được khoản tiền lương của chồng. Mặc cho anh Huân tỏ vẻ khó chịu, thậm chí mắng mỏ chị cũng mặc. Chị Hà bảo chồng: “Em chẳng cần anh lo chuyện lớn nữa. Giờ em chỉ cần anh lo cái nồi cơm của mấy đứa nhỏ là được. Còn nhà cửa ở thuê cũng không sao, vì em đã kiệt sức!”.

Bức xúc vì chồng không đưa tiền chi tiêu

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty Tư vấn An Việt Sơn) cho rằng, việc các ông chồng không chịu đưa tiền chi tiêu cho vợ là tình trạng khá phổ biến làm cho nhiều bà vợ rất bức xúc. Ông Nguyễn An Chất đã tiếp rất nhiều khách hàng xin được tư vấn về vấn đề này. Không chỉ những người chồng không kiếm ra tiền mà ngay cả những người kiếm được rất nhiều tiền vẫn không chịu đưa tiền cho vợ. Các bà vợ khi đến gặp chuyên gia đều rơi vào tâm trạng vô cùng bức xúc, tình cảm có nhiều sứt mẻ. Nhiều người có ý định ly hôn nhưng không đủ dũng cảm vì “không còn một xu dính túi” bởi có bao nhiêu đã phải nai lưng ra lo hết chuyện chi tiêu gia đình. Thực tế không ít cặp vợ chồng đã dẫn nhau ra tòa bởi nguyên nhân chồng không có trách nhiệm về tài chính. Ở Việt Nam hiện nay, dường như chưa có một thống kê rõ ràng nào cho thấy nguyên nhân này, nhưng dựa vào các cuộc tư vấn thì ông Nguyễn An Chất nhận thấy rằng, vấn đề khiến các bà vợ bức xúc nhất hiện nay là sự thiếu trách nhiệm trong vấn đề tài chính gia đình.

Người Việt thường nói đùa với nhau rằng: “Vợ chồng là góp gạo thổi cơm chung” là vì vậy. Thơ nhạc thường thi vị đời sống hôn nhân, cho rằng hôn nhân là lâu đài tình ái. Nhưng thực tế lại rất đúng với câu nói tếu trong dân gian, đó là “vợ chồng thực ra là góp gạo thổi cơm chung”. Nếu hiểu đúng như câu nói này, khi bước vào hôn nhân, cả hai nên thấy rõ trách nhiệm “góp gạo” đó. Gạo ở đây không chỉ là bữa ăn mà là tất cả các khoản chi tiêu của gia đình. Bởi nhu cầu của con người ngày nay không chỉ có bữa ăn mà rất nhiều thứ khác. Chi tiêu của gia đình cũng không chỉ là “nồi cơm” mà còn hàng trăm thứ tốn kém hơn rất nhiều. Các ông chồng, nhất là các ông chồng Việt do không trực tiếp phải lo chuyện gia đình nên họ không hiểu hết sự tốn kém đó, dẫn đến việc vô tư chi tiêu cho riêng mình, khiến người vợ phải “khóc dở mếu dở” với gánh nặng chi tiêu gia đình.

(Còn nữa...)