Dòng sự kiện:

Những câu nói của cha mẹ sẽ giúp con hạn chế nói dối

Theo Thegioitre.vn
07:12 02/09/2018
Là cha mẹ chắc chẳng ai thích con mình nói dối, nhất là khi con vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, việc khắc phục được tình trạng này nhiều khi không dễ.

Vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Nguyễn Thanh Hải đã chia sẻ những tình huống và kinh nghiệm xử lý khi con nói dối rất hiệu quả.

Theo chị, là cha mẹ chắc chẳng ai thích con mình nói dối, nhất là khi con vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, việc khắc phục được tình trạng này nhiều khi không dễ. Mình cũng thế. Mới đầu thấy khá là “ban căng”, nhưng sau một thời gian chỉ tập trung vào một số câu nói sau đây với con mà đã đem lại kết quả rõ rệt, không chỉ ở việc con trở nên trung thực mà tính cách, lối sống của con cũng trở nên tốt hơn.

1. “Mẹ có thể không phát hiện ra việc con nói dối, nhưng con sẽ không thể tránh được hậu quả của việc làm đó”.

Bạn nhà mình ngày trước nói dối siêu lắm, khiến mẹ không phát hiện ra. Có lần cậu ta giả vờ nghe lời, tắt đèn đi ngủ sớm, nhưng thực ra là bật đèn điện thoại trong bóng tối để thực hiện niềm yêu thích của mình là đọc sách. Kết quả là mắt bị nhìn kém hơn.

Biết vậy, mình đã nói câu trên và phân tích rằng mỗi người dù sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ nhận những kết quả do hành động của họ mang lại. Nếu đó là việc làm, suy nghĩ tích cực thì kết quả sẽ tốt đẹp, còn nếu không thì sẽ ngược lại. Cũng như việc mặc dù con nói dối được mẹ là con đã đi ngủ, nhưng con sẽ không thể tránh được việc thị lực kém do nhìn trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm.

Đây là cách làm mà mình thấy khá hiệu quả đối với con. Nó còn giúp con có cái nhìn xa hơn và biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

2. “Người thanh niên trưởng thành thì cần phải trung thực”

Đến tuổi dậy thì, nhìn chung các bạn đều muốn mình trở nên chững chạc. Vì vậy, cha mẹ nên tận dụng đặc điểm này để khích lệ con có lối sống tốt.

Mình vẫn nói với con rằng nếu con trung thực, “dám làm dám chịu”, biết nhìn thẳng vào những hạn chế của mình thì con mới có thể sửa chữa những điều đó hoặc mọi người mới có thể giúp con được. Rồi mình nêu ví dụ, nếu con bị khó khăn gì ở trường và nói với mẹ thì mẹ mới biết để tìm cách giúp con khắc phục.

Ngoài ra, muốn người khác tin mình thì con cần chứng minh mình là người đáng tin cậy và nếu thế thì con không được nói dối. Đó cũng là điều quan trọng để giúp con có được nguời bạn đúng nghĩa.

3. “Niềm vui thực sự không đến từ sự nói dối”

Bạn nhà mình rất yêu và thương mẹ, nên có những khi con nói dối hoặc nói tránh để mẹ được vui và khỏe. Mình đã bảo con câu nói đó và nêu ví dụ như: con nói dối được điểm cao thì có thể khiến mẹ vui lúc đó, nhưng kết quả thi cuối năm của con sẽ thấp và khi biết được mẹ sẽ rất buồn. Vì vậy, nếu muốn mẹ vui thì con hãy học tập và sống một cách trung thực.

4. “Dù thế nào thì mẹ vẫn yêu quý và ở bên con”
Câu nói này sẽ có tác dụng trong trường hợp con nói dối vì mắc lỗi, sợ bị bố mẹ phạt.

5. “Những điều mẹ yêu cầu chỉ là tốt cho con”

Con của mình nhiều khi thấy các quy định của mẹ là nghiêm khắc nên con “lách luật” để được thoải mái hơn. Nhưng khi được mẹ giải thích rằng tại sao lại có các quy định đó, nó sẽ tốt cho con như thế nào thì con đã vui vẻ hợp tác.

Chị Hải cũng chia sẻ thêm, nếu tập trung vào việc làm “chuyên gia phân tích hành vi”, “chuyên gia tâm lý” để phát hiện ra khi nào con nói dối thì bố mẹ sẽ rất đau đầu, mất thời gian.

Thậm chí sẽ nhận được sự chống đối theo kiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” của con và có khi bố mẹ dùng đủ mọi cách vẫn khó phát hiện ra con nói dối. Mình đã thiên về các cách trên, đó là việc tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho con và giúp con hiểu hơn về tấm lòng của mẹ.

Kết quả là con đã trở nên thay đổi nhiều, ngay cả những việc dễ bị mẹ phiền lòng thì con vẫn nói thật. Điều làm mình vui hơn cả có lẽ là việc thấy con còn trở nên cư xử chững chạc trong cuộc sống cũng như học tập, con sống có trách nhiệm hơn và yêu thương mẹ lắm.

Ngoài ra, trong trường hợp con còn nhỏ, chưa đến tuổi dậy thì thì bố mẹ có thể tham khảo các cách trên và "biến tấu" cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi con.

Nguồn: Gia đình Việt Nam