Dòng sự kiện:

Những chuyện ngược đời giữa hành xử của con cái và cha mẹ

Ths - Bs Lan Hải
08:00 21/02/2017
Nhiều bậc phụ huynh vẫn phê bình nhà trường dạy đạo đức cho học sinh không tốt và đổ lỗi việc con mình kém ngoan là do nhà trường. Nhưng nhà trường chỉ “dạy được” học sinh, chứ đâu có “được dạy” phụ huynh?

Học sinh cá biệt là con của phụ huynh… cá biệt

Chuyện kể rằng: Một người bố đón con trai đi học lớp Một về, hỏi con hôm nay học hành thế nào. Cậu bé đáp: "Hôm nay con bị cô giáo phạt cho 0 điểm". Bố quát: “Con làm gì để cô phạt?”. Thằng bé thưa: "Cô gọi con lên bảng hỏi hai cộng hai bằng mấy, con đáp: dạ bằng bốn”. Bố gật gù: “Con làm đúng rồi còn gì nữa!”. Cậu bé khai tiếp: "Cô lại hỏi: Thế hai nhân hai bằng mấy?"

Bố buột miệng: “Đ.M thì cũng như nhau”. Cậu con đáp: "Con cũng trả lời giống y như bố và bị cô phê là láo quá!" (nguồn: haivl)

Có một thực tế là trẻ con bậc Mầm non và Tiểu học lễ phép và kỷ luật ở lớp, chứng tỏ nhà trường dạy khá kỹ trong khi chính đứa trẻ ấy lúc ở nhà hoặc đi chỗ khác lại không làm được như vậy. Phải chăng ở môi trường khác, các em không được “văn ôn võ luyện” và đang dần học theo cái xấu của người lớn? Xin dẫn ra những tình huống “mắt thấy tai nghe”:

1. Một bạn của tôi lên vùng cao thấy học sinh khi đi học về, gặp người lớn đều chào rất lễ phép nhưng khi cùng cha mẹ đi thăm nhà ai đó hoặc đi chơi đâu về thì lại không chào. Hỏi ra mới biết, ở trường thầy cô dạy: Khi đi học về nhà gặp người lớn là phải khoanh tay nói: “Con chào bố mẹ con đi học về” hoặc: “Cháu chào bác (chú, cô, dì,...) cháu đi học về”, nên các em thực hiện rất “bài bản”. Còn ở nhà hoặc đi đâu chẳng thấy bố mẹ nói gì nên thôi không làm.

2. Một phụ huynh kể, hôm ấy trời tối nhập nhoạng rét mướt, chị đi đón con thì thấy một bé gái đứng co ro cạnh cổng trường vắng vẻ. Thương bé, mẹ con chị ở lại đợi cùng vì không đành lòng về trước. Gần 20 phút sau mẹ cháu phóng xe đến, miệng gầm rít vì bố quên đón. Con bé sợ mẹ thin thít leo lên xe, chỉ dám ngoái đầu lại lí nhí cảm ơn còn bà mẹ phóng xe đi thẳng, vừa đi vừa chửi chồng.

Một phụ huynh khác kể trên mạng xã hội: Sáng thứ bảy đón con ở lớp học thêm, trong lúc đứng chờ trước cổng trường thì một cháu học sinh đến: "Chú ơi cho con gọi nhờ điện thoại báo bố con đến đón với". Coi con người cũng như con mình nên anh ấy gọi giùm luôn. Đổ chuông được 2 hồi thì bên kia ngắt. Chờ vài phút gọi lại, kết quả vẫn thế. Cháu bé tần ngần: "Cho con gọi mẹ con vậy". Anh ấy lại bấm số. Cũng lại hai hồi chuông thì báo "User Busy". Thằng bé cứ ngẩn ra lẩm bẩm: "Sao lại thế nhỉ!?". Anh ấy đành nhắn một cái tin cho bố cháu để biết đường đến đón con, kẻo lại thấy số máy lạ không biết ai gọi gì. Đứng một lúc lâu thì bố cháu đến đón. Thằng bé chạy đi mấy bước còn quay lại: "Con cám ơn chú!" trong khi ông bố lầm lì rồ ga phóng thẳng, không nói một lời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

3. Các em ăn kẹo cao su biết giữ lại giấy gói, sau đó bọc bã kẹo vào cẩn thận rồi chạy đi tìm thùng rác để bỏ vào. Chuốt bút chì không tìm thấy chỗ bỏ rác liền cầm trong lòng bàn tay (có bé cho vào túi quần) để lát nữa bỏ đúng chỗ. Trong khi khá nhiều người lớn vứt rác ra đường, vứt sang nhà hàng xóm mà vẫn hô hào bảo vệ môi trường. Đi chơi công viên thấy vỏ lon bia, con định cúi xuống nhặt thì bố tiện chân đá văng đi cho rộng đường, con hỏi sao mình không lượm bỏ thùng rác thì bố bảo: “Việc ấy là của công nhân vệ sinh môi trường”.

Một thầy giáo đang chạy xe trên đường ngay sau cặp vợ chồng chở đứa con mặc đồng phục học sinh, bỗng nghe “Bịch! Bịch! Bịch!” và 3 ly chè ăn xong được bà mẹ quăng xuống đường. Thầy chạy lên nhắc: “Sao chị không bỏ vào thùng rác ngay kia ạ?” thì ông chồng quay qua nói lớn: “Mẹ, uống xong không vứt thì cầm làm đếch gì?”, bà vợ phụ họa: “Đàn ông mà nhiều 'chiện' thấy ớn”. Thầy hơi bị choáng với câu trả lời của hai "đấng sinh thành" trước mặt đứa con của mình. Trên đường về, thầy cứ nghĩ mãi: bố mẹ như thế, ở nhà họ dạy con cái giữ gìn vệ sinh chung thế nào?

4. Các bé xếp hàng vào lớp khá trật tự, dù xưa nay ai cũng nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng các bố các mẹ thì vượt đèn đỏ siêu hạng. Đừng nói đèn vàng, ngay cả khi đèn đỏ đã bật lên vài giây thì bố mẹ vẫn thản nhiên chạy cố để thoát sang bên kia ngã tư. Nếu kẹt xe, bố mẹ sẵn sàng chở con leo lên vỉa hè như một làn đường dự phòng! Các bé lúc đầu còn mắc cỡ, ngại ngùng nhắc bố mẹ nhưng sau khi nghe giải thích: “sợ trễ giờ học, muộn giờ làm” thì từ đó trẻ còn reo hò thúc giục bố mẹ như trong cuộc đua kỳ thú.

Cha mẹ đạp lên các luật lệ giao thông miễn được việc! Mà biết đâu, trong các phụ huynh đó có người đang hô hào trên mạng xã hội: "Ở nước ngoài người ta chạy xe rất lịch sự, không như ở ta chẳng có phép tắc gì cả" và kêu gọi Việt Nam cần xây dựng "văn hóa giao thông”.

5. Các con đến lớp khoanh tay chào hỏi từ bác bảo vệ, chú trông xe đến cô giáo, cô bảo mẫu, nói chuyện trong giờ ra chơi xưng tên, gọi bạn rất thân ái. Còn phụ huynh chen nhau đứng chờ con ở cổng trường chẳng may giẫm vào chân nhau hay va quẹt xe (chuyện xảy ra như cơm bữa) thì: “Đi cái kiểu gì thế? Mù à?”, “Có mày mù thì có!”, “Im mẹ mồm đi!”.

Có người còn kể: bé trai kia đi học muộn cứ thập thò ngoài cửa, không dám vào. Cô giáo bảo: “Đằng nào cũng trễ rồi, em cứ vào lớp đi cô không mắng đâu” nhưng thằng bé vẫn nấp ở cửa. Cô phải giục: “Em đừng ngại, cứ nhớ lại bố em đi vào nhà trông đĩnh đạc đường hoàng thế nào thì em cứ bắt chước bố, đàn ông con trai đừng có nhát thế”. Bé trai “vâng ạ” dõng dạc rồi đi vào lớp rất phong độ, quát to: “Chúng mày đâu, ra đây ông bảo!”…

6. Các bé từ mẫu giáo trở lên hầu như đã có đồng phục gắn phù hiệu trường, không phân biệt trẻ giàu nghèo. Còn nhỏ thì cô bảo mẫu giúp làm vệ sinh, thay quần áo. Lớn lên một chút thì cô hướng dẫn cho trẻ tự làm. Bước vào cổng trường luôn có sự kiểm tra nhắc nhở của giáo viên và các bạn trong ban tự quản.

Trong khi có khá nhiều mẹ đưa đón con cứ “vô tư” mặc đồ bộ nhàu nát, nhiều khi “quên” không mặc “phụ tùng” bên trong. Có bố khá “tự nhiên” thoải mái mặc quần dài cởi trần “cho nó mát” hoặc tranh thủ áo thun ba lỗ với quần đùi chạy đến trường. Họ còn khạc nhổ, hút thuốc, nói to, dùng “động từ mạnh” không... ngại miệng.

7. Trẻ con vốn thật thà, không nói dối và không “nghĩ một đằng nói một nẻo”, nếu có tính ấy là học được từ người lớn. Một bà giáo già phúc hậu muốn luyện học sinh viết chữ đẹp nên nhắc các em về xin cha mẹ mua lọ mực và bút sắt. Trước 1 tuần bà nhắc, trước vài ngày lại nhắc và trước 1 ngày nhắc lần cuối. Vậy mà vẫn có 4 học trò mải chơi quên không mang lọ mực và bút sắt đến lớp, bà khẻ tay từng đứa cho nhớ, riêng 1 đứa thưa: “Dạ, sáng nay mẹ con vội quá quên không mang ạ” nên được cô giáo tha (vì là lỗi của mẹ). Cả nhà biết chuyện khen thằng bé tấm tắc, ra điều con mình khôn hơn các bạn.

Có ông bố không muốn tiếp đoàn vận động ủng hộ bão lụt, sai con ra từ chối khéo. Thằng bé thật thà ra nói: “Bố cháu bảo cháu ra nói với các bác là bố đi vắng ạ” quay vào liền bị bố chửi là "đồ ngu". Trẻ sẽ học được gì từ sự dối trá?

Còn nhiều câu chuyện ngược đời giữa hành xử của con cái đang độ tuổi Mầm non và Tiểu học với cha mẹ của mình. Vậy mà nhiều bậc phụ huynh vẫn phê bình nhà trường dạy đạo đức cho học sinh không tốt và đổ lỗi việc con mình kém ngoan là do nhà trường. Nhưng nhà trường chỉ “dạy được” học sinh, chứ đâu có “được dạy” phụ huynh?

Tuần báo "Công giáo và Dân tộc"

Nguồn: Gia đình Việt Nam