Dòng sự kiện:

Những dấu hiệu cảnh báo bé bị rối loạn ngôn ngữ

22:12 16/07/2015
Nhiều trẻ ngôn ngữ không phát triển bình thường như những trẻ khác nhưng đôi khi chính cha mẹ lại không nhận ra.

Theo ước tính thì có khoảng 3 đến 5% trẻ em có rối loạn về tiếp thu ngôn ngữ, hoặc bày tỏ ngôn ngữ, hoặc cả hai.

Rối loạn ngôn ngữ nói ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ. Về sau, các rối loạn này gây ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ viết, việc tiếp nhận kiến thức ở trường và cả đời sống xã hội của trẻ.

Từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi

Bé bé không phản ứng với tiếng động. Cần xem bé có nghe rõ không; hoặc nhìn ánh mắt bé để xem có phải bé không tìm cách giao tiếp với bạn.

Bé 18 tháng

Sự phát triển ngôn ngữ của bé có dấu hiệu ngưng đột ngột hoặc bị thoái lui thay vì tiến bộ hơn.

Bé 2 tuổi

Ngoài tiếng “ba, mẹ”, bé chỉ hiểu được vài từ khác. Bé chưa biết phối hợp 2 từ để cấu thành những câu nhỏ.

Bé 4 tuổi

Bé không biết cách hoàn thành một câu hoàn chỉnh gồm 3 từ trở lên. Bé cũng thường xuyên lẫn lộn khi sử dụng các đại từ nhân xưng.

Bé 5 tuổi

Bé không phân biệt được các trạng từ đơn giản như bên trên, bên dưới, phía trước, phía sau… Bé không nhớ được đầy đủ họ tên mình. Bé cũng ít tỏ ra hứng thú hoặc thích kể chuyện ở lớp mẫu giáo với bạn. Thậm chí, bạn hỏi gì bé mới trả lời.

Cha mẹ phải làm gì?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình. 

Bạn cần nói một cách êm ái và nồng nàn với bé. Luôn luôn cười và trò chuyện với bé, giải thích những tiếng động mà trẻ nghe thấy, gọi tên các đồ vật trong nhà.

Thường xuyên cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác. Bạn có thể tổ chức để các bé cùng hát, múa, cười đùa… Ở độ tuổi này, bạn nên cho bé đến trường mẫu giáo để bé có cơ hội hòa nhập với bạn bè.

Nói chuyện với bé bình thường bằng những từ đơn giản nhưng không được đơn giản quá. Cho bé xem những cuốn sách bằng bìa cứng, tạp chí có hình khối, màu sắc sinh động. Kể chuyện cho bé nghe.

Nên làm giàu từ vựng của bé qua các tình huống giao tiếp, giải thích những từ bé chưa hiểu. Nếu bé phát âm không đúng, bạn hãy phát âm đúng nhưng không bắt con lặp lại.

Ngoài ra, để giúp con phát triển tốt về tâm lý, cần cho ăn uống đầy đủ các chất hợp lý theo lứa tuổi và theo sở thích của trẻ.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa tâm lý nếu phát hiện trẻ không thể thực hiện được các yêu cầu trong giao tiếp (vỗ tay, đi đến cửa, ngồi xuống, biết so sánh), khi vận động (đứng được một chân trong 5 giây, vẽ được hình chữ thập, vuông, tam giác theo mẫu), không biết phân biệt màu sắc, tự phục vụ trong ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo, tự nói họ tên, tuổi, giới tính...

Tường Vi (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin