Dòng sự kiện:

Những điều “bất di, bất dịch” cha mẹ cần nhớ khi cho trẻ đi ô tô cùng

16:33 14/07/2015
Thời gian gần đây có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong khi đi ô tô do sự bất cẩn của cha mẹ. Chính vì vậy khi cho trẻ đi ô tô cha mẹ cần phải có những lưu ý bất di bất dịch sau đây.

 

 

 

Cần có ghế riêng

Hầu hết người Việt chưa chú ý đến điều này. Ghế trên ôtô được thiết kế dành cho người lớn, do đó tầm vóc của trẻ sẽ lọt thỏm trong lòng ghế, khiến trẻ dễ bị dịch chuyển, lắc lư và dây an toàn không thể thắt gọn.


Do đó, theo các chuyên gia, tùy vào thể hình phát triển của trẻ, nhưng trẻ em khoảng 12 tuổi trở xuống nên có ghế riêng, cài đặt thêm. Những ghế này với hệ thống dây an toàn riêng sẽ thắt gọn gàng vào người trẻ, đảm bảo an toàn và không khiến trẻ bị xê dịch khi xe chạy qua đường xấu, vào cua.

Không để trẻ em chơi đùa trên xe

Trẻ em chơi đùa trên xe thường bị cuốn theo trò chơi, không làm chủ được hành động, không thể ngồi yên tại chỗ, nên dễ bị ngã va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng.

Luôn khóa cửa mỗi khi ra khỏi xe

Nguyên tắc an toàn là tài xế phải là người ra ngoài cuối cùng, bấm khóa, chốt tất cả các cửa, cốp xe và giữ chìa khóa. Không đưa chìa khóa cho trẻ chơi hoặc để cửa mở, các bé có thể leo lên xe, đóng kín cửa, khi đó bố mẹ quên không để ý tới, trẻ rất dễ bị ngất do ngạt khí.

Thắt dây an toàn

Dù trẻ ngồi ghế riêng hay có thể ngồi cùng ghế người lớn thì phụ huynh cũng phải tập thói quen thắt dây an toàn cho trẻ. Đây là hành động cơ bản, bắt buộc đầu tiên để hình thành thói quen cho trẻ khi bước vào xe hơi.


Không để trẻ ngồi hàng ghế trước, ở bậu tỳ tay

Nhiều gia đình do nuông chiều con hoặc để có cảm giác bố mẹ gần gũi con cái, nên thường để trẻ ngồi cùng ở hàng ghế trước hoặc ngồi ngay trên bậu tỳ tay giữa xe. Đây là những vị trí rất nguy hiểu nếu chẳng may phanh gấp, quán tính khiến trẻ lao vào kính lái hoặc bảng tap-lô.

Ngoài ra, để trẻ ngồi vào lòng khi lái xe cũng là điều cần tránh. Nhà sản xuất có khuyến cáo, túi khí bung có thể gây sát thương lớn cho trẻ. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ em là ở hàng ghế sau, ghế ngồi riêng của trẻ nên đặt so cho mắt trẻ có thể quan sát không gian bên ngoài để tránh mệt mỏi, say xe.

Khóa cố định các cửa

Tính tò mò của trẻ khiến các bé có thể thử mở bất cứ thứ gì trong tầm tay, tầm mắt. Do đó, các tài xế là phụ huynh khi lên xe cần chắc chắn các cửa đã khóa an toàn trước khi cho xe lăn bánh. Nếu cẩn thận hơn, có thể khóa cố định cửa từ bên trong ở chế độ khóa trẻ em.

Không để đồ nguy hiểm gần tầm tay trẻ

Các vật gây sát thương như dao kéo, vật dụng tạo lửa như bật lửa, diêm hay các vật dụng xịt tạo khí như nước hoa... cần cất cẩn thận vào hộc có khóa nếu cần mang theo trên xe. Những vật dụng trên sẽ gây tổn thương cho trẻ như cứa vào tay, xịt nước hoa vào mắt, miệng hay bật lửa đốt cháy quần áo.

Bí quyết để bé chịu ngồi yên trong xe:

Với các bé dưới 1 tuổi:

 Đưa cho bé một chiếc xúc xắc hay đồ chơi có âm thanh để bé chơi.

Treo một chiếc điện thoại di động trên chỗ ngồi của bé.

Bạn nên mang theo một số đồ chơi mềm và để bé nhìn thấy trên xe.

Buộc vài đồ chơi yêu thích vào chỗ ngồi của con bằng một dải ruy băng để bé có thể lấy lại nếu làm rơi. Bạn cần đảm bảo rằng ruy băng không dài tới mức có thể quấn quanh cổ bé.

Hát khi lái xe hay ngồi cạnh con.

 Với trẻ nhỏ:

Có vài đồ chơi và sách trong tầm với của trẻ.

Dành cho con vài thứ để ăn và uống trên đường.

Mở vài bản nhạc trẻ con và hát theo hay nghe một đĩa CD kể chuyện.

Chỉ cho con thấy những thứ thú vị nơi bạn đi qua, chẳng hạn "Nhìn kìa, con có thể đoàn tàu không. Con nghĩ xem nó sẽ đi đến đâu?".

 Nếu một chuyến đi dài, nên có các chặng nghỉ và để bé chạy nhảy xung quanh một chút.

Trẻ mẫu giáo và trẻ lớn:

Xem một bản đồ cùng con trước khi lên đường và trên xe, theo dõi đường đi của cả nhà với bút chì hay ngón tay của bạn. Bạn cũng có thể dùng internet để tìm kiếm thông tin về điểm vừa đi qua và những nơi con quan tâm, với bé lớn.

Đếm những chiếc ô tô, ngựa, cầu hay những thứ khác trên đường đi. Đoán xem có bao nhiêu thứ tương tự sẽ thấy trước khi đến thành phố tiếp theo.

Hát vài ca khúc yêu thích. Bạn thậm chí có thể đặt lời mới cho những bài này.

Chơi chò đố - đoán, chẳng hạn "Mẹ đang nghĩ về một loài vật rất lớn và có màu xám, con thử đoán xem con gì".

Nếu di chuyển bằng xe hơi lâu, cần chuẩn bị trước khi dừng xe tại khu vui chơi hay công viên trên đường.

Có vài đồ chơi, sách, sách dán và CD kể chuyện trong tầm với của trẻ.

Thật khó để tránh cho anh chị em trong nhà không cãi nhau nếu chúng phải ngồi trong xe cùng nhau trong một thời gian dài. Vì thế, có thể mang theo một chiếc gối hay chăn mềm để làm "tường" ngăn giữa trẻ khi cần.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL