Dòng sự kiện:

Những điều cần biết về mâm ngũ quả ngày Tết để bày cho đúng

15:21 25/01/2017
Văn hóa phương Đông luôn kính thờ ông bà tiên tổ, mâm ngũ quả mỗi dịp Tết đến là một phần cho sự hiếu đạo của con cháu.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết nguyên đán

Theo văn hóa phương Đông, mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, theo quan niệm của thuyết ngũ hành: Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ tương ứng với các màu trắng- xanh- đen- đỏ- vàng.

Các màu này sẽ được phối hợp hài hòa trên mâm ngũ quả rồi được đặt lên bàn thờ gia tiên với mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình an.

Từ bao đời nay, người Việt Nam luôn tín ngưỡng Thần Phật, luôn luôn coi trọng Đất Trời, nên đều hết lòng tôn kính dâng lên các Ngài những trái cây ngọt ngào, thơm ngon. Đây là một nét văn hóa mang cả tính thẩm mỹ của con người mãi được gìn giữ và lưu truyền.

Mâm ngũ quả 3 miền Bắc – Trung - Nam

Mâm  ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt (hoặc quất)

Cách trình bày truyền thống là: Chuối nằm dưới cùng, có nhiệm vụ đỡ tất cả các loại quả bên dưới. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ màu vàng. Các loại quả bày xung quanh và những chỗ trống còn lại cài xen kẽ quýt vàng hoặc quất, táo xanh hay quả ớt chín đỏ.

Mâm ngũ quả giờ đây không phải chỉ có ngũ quả nữa mà giờ đã thành bát quả, cửu quả hay thập quả do trái cây càng ngày càng đa dạng. Nhưng dù sao theo truyền thống, cái tên “mâm ngũ quả” vẫn được giữ  nguyên.

Mâm ngũ quả Miền Trung: So với hai miền Nam- Bắc, khúc ruột miền Trung khốn khó hơn, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn sỏi đá. Vùng đất mà được gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đó người còn phải vật lộn để mà sống thì cây cối sao không…? Vì thế cũng chẳng có hoa quả nhiều mà dư giả nên người miền Trung cũng không hề câu nệ thái quá về hình thức, có gì dùng nấy, miễn là thành tâm dâng kính ông bà tổ tiên.

Các loại hoa quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Mâm ngũ quả miền Nam không có nải chuối xanh như miền Bắc, vì tên của nó có âm giống “chúi” thể hiện sự khốn khó. Cũng như “quýt làm cam chịu” hay “lê lết, dễ đổ bể”  nên người Nam cũng không sử dụng quả cam, lê táo trong mâm ngũ quả.

Hoa quả mà họ thường dùng là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung… với mong cầu luôn ‘sài đủ, sài sung’

Ý nghĩa một số loại trái cây thường được dùng trên mâm ngũ quả

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Phật thủ: Bàn tay Phật che chở cho gia đình.

Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt

Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Thanh long: Rồng, mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả  trứng gà: Lộc trời cho.

Sung: Sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống ‘xài’): cầu mong cho việc tiêu xài đủ đầy.

Những loại quả không nên chọn bày trên mâm ngũ quả

- Những loại quả đã chín rất nhanh hỏng sẽ bị ruồi muỗi, bọ lui tới làm ổ từ đó làm ô uế bàn thờ

- Quả có gai nhọn: mít, sầu riêng, chôm chôm.

- Quả có mùi quá hắc hoặc có vị cay, đắng: sầu riêng, ớt cay, tiêu.

- Quả thuộc hệ rau: cà chua, chua me, thanh trà…

- Quả mọc sát đất, mọc gần nơi ô uế hoặc quả dại

Những lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

- Nên đặt trái cây ở nơi thoáng mát, tuyệt đối không phơi nắng. Sau đó dùng khăn khô, sạch để lau hết lượng nước, độ ẩm thừa. Sau mới bày lên mâm ngũ quả. Không chưng, sắp xếp mâm ngũ quả khi trái cây vẫn còn ướt vì nếu cuống hoặc chỗ hai quả tiếp xúc với nhau, chỗ quả tiếp xúc với mâm đựng bị đọng nước sẽ khiến trái cây mau bị úng, hư.

- Bạn nên chọn loại trái cây sắp chín hoặc chưa chín để chưng trên mâm ngũ quả, như vậy thì trong quá trình chưng, trái cây sẽ chín từ từ, mang đến trạng thái tươi tắn, luôn tràn đầy sức sống. Không nên chọn loại quả quá chín, chín vì chúng sẽ chóng héo, lõm vỏ, dập, trông không còn đẹp mắt.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam