Dòng sự kiện:

Những điều nên làm trong đêm Giao thừa Tết Đinh Dậu để cả năm may mắn

13:30 27/01/2017
Người Việt tin rằng, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng, mọi hoạt động của mình đều ảnh hưởng tới sự may mắn, tài lộc và sức khỏe trong năm mới.

Giao thừa là thời khắc cuối cùng của năm cũ, bắt đầu sự chuyển giao sang năm mới. Đây được coi là thời điểm quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.

Những điều bạn nên làm trong đêm Giao thừa Tết Đinh Dậu

1. Dọn nhà cửa: Nếu cẩn thận, bạn có thể mua vôi rắc 4 góc nhà để xua đuổi tà ma, chào đón năm mới.

2. Quên hết buồn phiền năm cũ trước giao thừa: Quên hết những gì không vui của năm cũ, bởi Tết đến là lúc bạn nên vui cười chào đón một năm mới với những điều tốt đẹp.

3. Thanh toán nợ nần của năm cũ: Mọi người quan niệm, mọi nợ nần của năm cũ đều phải được giải quyết trước thềm năm mới. Như vậy, khi bước sang năm mới họ sẽ không phải gánh trên vai gánh nặng nợ nần, công việc làm ăn sẽ suôn sẻ hơn.

4. Lập kế hoạch chi tiết cho năm mới: Để có một năm mới tốt đẹp như những gì bạn mong muốn, tốt nhất bạn nên lập cho mình một kế hoạch chi tiết về những việc làm trong năm Đinh Dậu này.

5. Luôn giữ tiền trong túi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới và rải những đồng xu xung quanh nhà. Điều này mang ý nghĩa rằng bạn luôn duy trì dòng chảy của tiền trong suốt cả năm.

6. Dọn dẹp nhà cửa trước giao thừa: Dọn dẹp nhà cửa có nghĩa là tẩy rửa, xóa sạch đi những tồn đọng của năm cũ để nghênh đón những điều may mắn trong năm mới. Vào đêm Giao Thừa và mùng 1 thì chổi quét nhà phải được giấu kỹ. Người ta cũng kiêng quét nhà vào ngày đầu năm để tránh việc may mắn vào nhà lại bị quét trôi đi.

7. Tài khoản trong điện thoại của bạn luôn còn tiền. Mặc dù gọi điện cho người thân, bạn bè để chúc Tết nhưng luôn nhớ phải giữ lại tiền trong tài khoản, điều này tượng trưng cho dòng chảy tiền bạc sẽ đến trong năm mới.

8. Chúc Tết và mừng tuổi: Ngay sau thời khắc giao thừa, hãy cùng gia đình nâng ly chúc mừng năm mới và mừng tuổi ông bà, con, cháu. Đồng thời trao cho họ cái ôm hôn đầy yêu thương, đây là một hành động biểu tượng cho tình cảm và sự gần gũi với hy vọng sẽ kéo dài trong cả năm, mang lại may mắn trong các mối quan hệ của bạn.

9. Đi chùa và hái lộc đêm Giao thừa: Lễ giao thừa ở nhà xong, bạn nên đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Nhân dịp này bạn có thể xin quẻ đầu năm.

10.  Mua muối và mía đêm giao thừa. "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là tục lệ truyền thống từ bao đời nay của người Việt.

Theo sự lý giải của các nhà sử học, mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về cho cả năm với mong muốn thuận lợi và bình an. Nếu mua những cây mía ngọt đầu năm dựng bên ban thờ gia tiên sẽ mang đến cho gia đình nhiều tài lộc. Thường mỗi gia đình mua 2 cây mía lộc dựng hai bên ban thờ.

11. Những quan niệm khác: Nhiều người cho rằng nếu bạn xách một chiếc va li mở đi bộ vài bước ra khỏi nhà thì năm mới bạn sẽ được đi du lịch nhiều. Mặc đồ lót màu đỏ nếu mong muốn năm mới có tình yêu, màu xanh lá cây nếu năm mới muốn nhiều tiền, màu vàng biểu trưng cho thịnh vượng. Ngoài ra, đặt chổi ra ngoài vào đúng thời khắc giao thừa biểu thị những năng lượng tiêu cực, những điều xui xẻo sẽ bị xua đuổi ra khỏi nhà.

Những điều kiêng kỵ trong đêm Giao thừa

Vào đêm giao thừa, mọi người thường căn dặn nhau khi nói chuyện phải “giữ mồm miệng”, chỉ nói lời hay ý đẹp, tránh nói những từ mang điềm xấu như “phá”, “bại”, “thua”, “bệnh”, “chết” … Nếu vô ý nói phạm vào điều kỵ gì đó thì bạn có thể hóa giải bằng cách nói “Lời trẻ con không có lỗi gì, không có vấn đề gì!”… Không được tranh cãi ầm ĩ, xung đột, càng không được phép mắng chửi người khác. Ngoài ra, đừng làm vỡ đồ vật trong đêm Giao thừa hay làm đổ dầu đèn ra nền nhà.

Tiểu Vũ (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam