Dòng sự kiện:

Những đứa trẻ bị tước quyền trưởng thành...

FB Nguyễn Ngọc Thạch
18:44 20/04/2017
Tôi sang nhà bạn chơi, nhà có cô con gái năm nay mười bốn tuổi, lớp tám, nghe nói chăm học lắm, học cũng giỏi lắm. Và anh chị bạn rất tự hào vì "chả dám cho nó làm gì đâu em ạ, chỉ để nó học thôi."

Điển hình cho cái sự chỉ để nó học đó, tôi đã có dịp chứng kiến.

Con nhỏ đi chơi về, quăng cái áo cái quần ngay trên giường trong phòng, chị mẹ đi làm về lại lui cui vô lấy xong quăng vào giỏ đồ dơ để dành chờ giặt.

Con bé đang lứa dậy thì, mặt nổi mụn, tất cả sự quan tâm của nó chỉ còn là cái gương với gương mặt mình trong đó, thế giới bên ngoài, nó bỏ mặc.

Con nhỏ suốt ngày trên phòng, cả ngày chả nói chuyện với anh chị được năm câu, mặc kệ cho chị mẹ, anh ba làm cơm làm nước, xong gọi hai ba tiếng thì kéo cái người xuống đất ngồi phịch xuống bàn ăn, chả biết mời mở họng mời ai một câu, có khi cô chú nhắc thì bảo cháu nó còn nhỏ, từ từ dạy.

Tôi chả hiểu là mười bốn tuổi còn nhỏ thì không biết khi nào mới được gọi là lớn trong mắt anh chị.

Chị mẹ chăm con, nhìn thấy sợ, ngồi ăn chung mà cứ phải nhắc chừng con ăn cái này, ăn cái kia đi, đừng nhìn điện thoại nữa, uống nước đi, coi chừng ăn nhanh quá nghẹn. Thật đúng là trong mắt anh chị, con nhỏ mới tầm bốn tuổi chứ không phải mười bốn tuổi.

Dĩ nhiên tôi biết thế hệ ông bà cha mẹ của nhiều người đã đủ khổ đau, bấp bênh vì chiến tranh, nghèo đói, nên cái tư tưởng thương con, thương cháu, không muốn nó khổ như mình thì cũng đúng, nhưng các cụ các anh chị quên rằng, thời nay, giữ con khư khư trong lòng mới là hại con.

Anh chị nghĩ đi, con anh chị làm sao mà ngày hôm trước còn nằm trong vòng tay của anh chị, để ngày hôm sau lao ra đường làm người thành công? Ngày hôm trước còn hỏi mẹ ơi, chiều nay có cái gì để ăn cơm thì ngày sau lãnh đạo một nhóm làm việc.

Ngày hôm trước còn chưa biết dọn cái chỗ ở, chỗ nằm, chưa biết bỏ quần áo vô cái máy giặt nhấn nút thì làm sao ngày mai ra đời sáng tạo ra thứ máy móc này nọ kia.

Các anh chị đừng cho rằng đó là việc nhà, đó không cần làm vì có các anh chị làm rồi, con các anh chị chỉ cần ăn học để làm ông này bà nọ là đủ.

Không đâu anh chị, tôi chưa thấy người thành công nào mà chưa từng trải qua hàng tấn áp lực, hàng đống thất bại, hàng tỷ khổ đau... Vậy thì đứa nhỏ bị anh chị tước quyền trưởng thành, làm sao chúng có thể đối mặt với cuộc đời ngoài kia?

Yêu con kiểu đấy, bằng mười hại con.

Đừng làm giùm con trẻ việc nhà, dạy chúng lao động từ những điều nhỏ nhặt, đó không phải hành hạ chúng, mà là tập cho chúng sống có trách nhiệm với gia đình của mình.

Với cả gia đình mà còn không có được trách nhiệm, thì làm gì có trách nhiệm nỗi với xã hội, với đời?

Bỏ chúng ra đi, những đứa trẻ bị tước quyền trưởng thành.

Nguồn: Gia đình Việt Nam