Dòng sự kiện:

Những khi mua bánh kẹo ngoại khi Tết đến

Theo PNVN
19:10 25/12/2017
Tại các cửa hàng bánh kẹo hoặc siêu thị, số lượng bánh kẹo nhập khẩu luôn chiếm từ 40 - 50% số lượng được bày bán. Sản phẩm xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia…

Hương vị hấp dẫn, hình thức bắt mắt

Các loại bánh kẹo ngoại nhập thông thường có giá dao động từ 30.000 - 500.000đ tùy sản phẩm, trọng lượng. Trong đó, nhiều mặt hàng có giá mềm như bánh LU mang hương vị cổ truyền của bánh quy Pháp giá 73.000đ/gói, bánh bake vị kem phô mai béo ngậy của Nhật giá 65.000đ/hộp, bánh yến mạch Hàn Quốc 49.000đ/gói 400gr, kẹo trái cây không đường giá 35.000đ/vỉ, kẹo dẻo trái cây của Mỹ 44.000đ/gói,…Năm nay, thị trường bánh kẹo xuất hiện thêm những loại bánh, sữa, nước trái cây mới thu hút nhiều khách hàng như mì cay SamYam Hàn Quốc 26.000đ, bánh bông lan Ông Già 32.000đ, sữa gạo Hàn Quốc, nước óc chó 18.000đ, sữa chuối 18.000đ,…

Bắt mắt trên các kệ hàng là các loại bánh kẹo như Chocolate Eichetti, một nhãn hiệu socola nổi tiếng của Đức, có 2 loại Chocolate Eichetti là Chocolate Eichetti Hạnh Nhân và Chocolate Eichetti vị Cafe & Bạc Hà. Lọ socola được đựng trong lọ thủy tinh rất đẹp với giá 218.900đ/lọ; Bánh quy nướng hạnh nhân Silang Hàn Quốc mang hương vị thơm đặc trưng của bánh quy truyền thống kết hợp cùng hạnh nhân, mè trắng, mè đen, đậu phộng, hạt dưa giá 220.000đ/hộp; Bánh khoai tây Đài Loan vị rong biển khá giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe giá 85.000đ/gói; Bánh nam việt quất & yến mạch Malysia giá 30.000đ/hộp 130gr. Điều dễ nhận thấy là thay vì thiết kế kiểu hộp vuông truyền thống, các loại bánh nhập có đủ loại hình thù từ ống nhỏ, ống dài, hình tròn với màu sắc bắt mắt. Các loại bánh kẹo dành cho trẻ em được phủ màu, có vị ngọt ngon khá hấp dẫn.

Các loại kẹo mềm có màu săc và mùi vị hấp dẫn.

Tương tự, tại cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), bánh BOURBON, Mochi, RITZ Nhật Bản, Crackers, Petit Beurre, Bánh rán Nhật, Lu Napolitain L’Original...Bánh mì Harrys Brioche Pháp thơm lừng hương Hoa cúc và vị mật ong dẻo mềm, Kitkat Phô mai, trà xanh cực ngon và lạ miệng. Kẹo dẻo Welch's, Ice Breaker, Morigana, Kẹo sâm Hàn Quốc...Bắp rang bơ Uncle Jax của Mỹ cũng được giới thiệu rất nhiều.

Chị Mai Lan (Q.3) đang mua hàng cho biết: “Ngoài hàng bình dân thì hàng xịn nhập từ Mỹ, Nhật giá đôi khi có mắc hơn chút xíu nhưng vị ngon đặc trưng, không quá ngọt, quá béo nên cũng dễ ăn hơn so với một số loại bánh kẹo trong nước”.

Đặc điểm nổi bật của bánh kẹo, chocolate nhập ngoại là hương vị và hình thức rất hấp dẫn, bắt mắt lại phong phú về chủng loại. Chỉ riêng một nhãn hiệu cũng có vô số loại như bánh, kẹo, chocolate,…dành cho người lớn, trẻ em, người tiểu đường,…Một số nhãn hiệu bánh được nhiều người ưa chuộng như Lotte, Lu Petit Beurre, Peperridge, Gottenna,…Trên các shop online, diễn đàn mạng xã hội cũng luôn rộn ràng những chia sẻ các loại bánh kẹo chuyên dành cho trẻ nhỏ. Các loại bánh ăn dặm, kẹo tăng cường canxi, kẹo chống sâu răng… cũng được các shop quảng cáo hàng nhập khẩu từ nhiều nước.

Trẻ em thường thích các loại kẹo nhiều màu sắc hoặc chocolate.

Anh Nguyên Trần, chủ cửa hàn bánh kẹo trên đường Tân Mỹ, Q,7 cho biết :”Mặc dù hàng trong nước cũng rất đa dạng chủng loại, mẫu mã cũng được cải tiến nhưng điểm hạn chế của bánh kẹo Tết trong nước là nhấn mạnh yếu tố truyền thống trong khi người tiêu dùng mới lại hướng đến sự mới mẻ, hiện đại. Nếu dung hòa được điều này, cơ hội cho bánh kẹo Tết trong nước vẫn rất lớn”.

Cẩn thận với hàng nhãn mác không rõ ràng

Tại một số cửa hàng bán đồ cho trẻ, rất nhiều sản phẩm bánh kẹo, thức ăn khô, thức ăn sẵn không có nhãn phụ. Công dụng, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm này như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lời quảng cáo, giới thiệu của người bán. Điều đáng chú ý là có nhiều loại bánh kẹo được quảng cáo là bổ sung canxi, vitamin…được bán với giá không hề rẻ nhưng lại thu hút được rất nhiều khách hàng là các bà mẹ có con nhỏ.

Khi mua hàng nhập khẩu nên nhìn mã vạch để biết chính xác xuất xứ.

Có trường hợp, các dòng bánh cao cấp công bố là hàng nhập khẩu châu Âu, nhưng thực chất là sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam. Hay trong trường hợp khác, một số loại bánh cao cấp ngoại nhập đã quá hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng nhưng vẫn được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, “gia hạn” sử dụng và bán với giá rẻ hơn 20 - 40% giá sản phẩm mới. Không chỉ không có nhãn phụ, nhiều loại bánh kẹo nhập cũng không rõ ràng trong việc chỉ dẫn về ngày sản xuất, hạn sử dụng sản phẩm. Việc in mờ, in thiếu thậm chí không in ngày hết hạn sử dụng cũng khiến cho nhiều người tiêu dùng rất khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm. Thậm chí có thể mua phải sản phẩm “hết date” mà không hề hay biết.

Vì thể khi mua hàng hóa nhập khẩu người tiêu dùng nên nhìn vào mã vạch để biết được chính xác xuất xứ. Mã vạch sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là 893, Mỹ 000-019, Pháp 300-379, Nhật Bản 450-459 & 490-499, Hong Kong 489, Úc 930-939, Hàn Quốc 880, Trung Quốc 690-695,… Đối với sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, khách hàng nên đến những siêu thị, trung tâm thương mại hoặc tìm mua sản phẩm của những nhãn hiệu lớn có uy tín để đảm bảo sức khỏe cũng như tránh mua nhầm hàng nhái, hàng hết hạn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam