Dòng sự kiện:

Những loại thuốc nhất định phải có trong nhà vào dịp Tết

16:24 07/02/2016
Để có một cái Tết an toàn, khỏe mạnh, trong gia đình mỗi người luôn cần dự trữ sẵn một số loại thuốc như thuốc trị tiêu chảy, táo bón, cảm sốt, giảm đau hạ sốt, thuốc say tàu xe...
Thuốc trị tiêu chảy: Trong tủ thuốc của gia đình, cần dự phòng nhiều gói oresol để đề phòng trong nhà có người cùng bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất bằng oresol. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc. Trước khi dùng thuốc, cần lưu ý đến hạn sử dụng.

Thuốc trị bệnh đường tiêu hóa: Việc ăn uống không đúng giờ và ăn quá nhiều loại thức ăn trong ngày Tết, có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy, tất cả các nhà đều nên dự trữ một ít thuốc trị chứng đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc gia đình đề phòng những tình hống do ăn uống.

Thuốc chống say tàu xe: Chuẩn bị vài viên thuốc chống say hoặc một số cao dán... vào dịp Tết để ngăn ngừa tình trạng say xe khi phải di chuyển.

Thuốc cảm: Cảm cúm là căn bệnh diễn ra trong tất cả thời điểm của năm, nhất là vào dịp Tết là khoảng thời gian mọi người di chuyển, đi lại nhiều. Kèm theo đó là thời tiết nắng, mưa, lạnh, thời tiết thay đổi đều nên mọi người rất dễ bị cảm cúm. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của các dược sĩ ở tiệm thuốc khi mua loại thuốc này.

Thuốc hạ sốt: Đây là loại thuốc không thể thiếu trong gia đình, đặc biệt nếu gia đình bạn có trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo nên mua loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt an toàn cho trẻ.

Thuốc giải rượu: Nếu bị say nhẹ, uống 3 gói Polynu pha trong 100 ml nước sôi còn ấm, hoặc uống 100 ml nước thổ phục linh (sắc từ 20 g thuốc). Cũng có thể lấy 100-200 g lá hoặc cuống lá dong giã nát, hòa với 100 ml nước, gạn uống.

Thuốc dị ứng: Trong ngày Tết, bạn có dịp ăn những món ăn ngon và lạ, nhiều khi do quá vui bạn quên đi mình bị dị ứng với một số loại thức ăn mà ăn một cách vô tư thì dị ứng thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy mà bạn đừng quên mua thuốc dị ứng về để sẵn ở nhà trong những ngày tết. Một số loại thuốc dị ứng dành cho trẻ là: Chlopheniramin, polaramin.

Thuốc trị vết thương ngoài da: Nên trữ nước oxy già (eau oxygénée), Povidine để rửa và sát trùng vết thương do chấn thương nhẹ. Nếu không có sẵn, có thể dùng nước muối (một muỗng canh muối gạt bằng pha trong 1 lít nước) để rửa sạch vết thương. Nên có bông băng vô trùng, đặc biệt là băng dán cá nhân (Bandaid, Urgo) để dán lên vết thương trầy xước da, chảy máu ít.

Thuốc huyết áp: Với người có bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch thì trong những ngày Tết cũng nên chuẩn bị thuốc giảm huyết áp một cách đầy đủ, nếu thiếu thuốc sẽ làm cho huyết áp tăng đột biến, thậm chí xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp tính có thể đưa đến đột quỵ, tai biến mạch máu não.

Thuốc làm giảm huyết áp cần chuẩn bị đủ các thuốc đã được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và đang dùng hằng ngày. Đồng thời, những người mắc bệnh huyết áp cần dùng các thuốc chống huyết áp này vào 1 giờ nhất định.

Ngoài ra, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng, povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy già, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi...

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]OQwmyTGq6A[/mecloud]