Dòng sự kiện:

Những lời nói không nên dành cho trẻ con

Trẻ em có nhiều nỗi sợ, nhưng sợ nhất là phải xa lìa cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ lấy điều ấy làm thích thú, thường dọa con để trêu đùa, biết đâu được làm như vậy là khiến tâm hồn con tổn thương…

Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi sống ở Sơn La. Không hiểu sao mỗi lần muốn trêu tôi - đương nhiên là tôi cứ tưởng thật - bố mẹ lại nói tôi không phải là con đẻ của họ, mà là con ông Hàn (ông Hàn là người Dao đỏ, nhà ở tận trên Khau Pùm – đến tận bây giờ tôi vẫn không biết cái địa danh ấy nằm ở đâu). Tôi cũng chưa bao giờ gặp ông Hàn, nhưng tên ông là một nỗi ám ảnh khủng khiếp của tuổi thơ tôi.

Tôi còn nhớ rõ cảm giác sợ hãi đến choáng cả người, tim thắt lại khi có ai đó bỗng nhiên kêu lên “Ông Hàn đến đón cái Lợi kìa” – các anh chị tôi cũng thích thú hùa nhau tham gia vào cái trò trêu đùa ấy, thường xuyên đột ngột chỉ tay ra cổng và kêu lên như vậy, cứ như ông Hàn đang lù lù xuất hiện, sẵn sàng giơ tay ra bắt lấy tôi và mang đi đến một nơi xa xôi tít mù, khổ sở tối tăm, núi non mịt mùng, nơi vĩnh viễn tôi không còn được thấy bố mẹ và các anh chị của tôi nữa.

Người lớn thường vô tình trêu đùa trẻ con bằng những câu nói làm trẻ tổn thương

Rồi mỗi lần bị bố mẹ mắng, tôi lại nghĩ mình là đứa con nuôi chứ không phải con đẻ nên bố mẹ hắt hủi, không thương. Tôi thấy tuyệt vọng quá, tôi chỉ là đứa con rơi không ai thương, không ai bênh vực, không ai là người ruột thịt, lại có một nguồn gốc mù mờ, đáng ghét, không sung sướng như các anh chị của tôi.

Nước mắt tôi dâng lên chan chứa rồi chảy ròng ròng, tôi thường trốn vào một xó tối ngồi khóc âm thầm một mình và ước sao mình chết ngay đi, chứ không muốn sống nữa. Nếu ngày ấy thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay thuốc ngủ dễ mua như bây giờ, có thể tôi đã tự tử trong tâm trạng tuyệt vọng và đau khổ ấy. Đến bây giờ tôi vẫn còn rất nhạy cảm và hay tủi thân, có lẽ là ảnh hưởng của những năm tháng tuổi thơ sống trong những câu đùa vô tình của người thân.

Thế mới biết những lời nói vô tình của người lớn có thể làm tổn thương trẻ em ghê gớm như thế nào. Người lớn, để đùa vui, hoặc để xem thử phản ứng của trẻ em xem trẻ có thái độ ra sao, thường thích thú với những câu nói làm đau lòng trẻ em kiểu như: mày là con rơi, con nhặt, con xin, bố mẹ nhặt mày ở chợ, chứ có phải là con đẻ đâu; Rồi mẹ sẽ bỏ đi luôn, không nuôi con nữa, con về ở với nội đi; Ít bữa nữa mẹ sinh em bé, có em là con ra rìa, mẹ không thương con nữa…

Cũng có lúc, những lời nói làm trẻ tổn thương đau đớn nhất lại là những câu lạnh nhạt, dửng dưng, thờ ơ của bố mẹ: Thôi đi ra ngoài đi, đừng có quẩn quanh ở đây; Mày muốn làm gì thì làm, tao không quan tâm; Tao không cần biết mày làm gì, từ nay đừng có hỏi han tao làm gì nữa…

Có khi, vì bực dọc cáu kỉnh vì trẻ mắc lỗi, có khi vì cha mẹ giận nhau, rồi giận cá chém thớt, chính cha mẹ lại nói những câu hắt hủi phũ phàng: Mày cút đi cho khuất mắt tao, đừng có sống với tao nữa; Tao không có đứa con như mày; Mày đi đâu thì đi, từ nay tao không coi mày là con nữa…

Trẻ em có tâm hồn hết sức nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú, những nỗi sợ hãi thường được thổi phồng lên, trở nên ghê gớm đến mức không chịu nổi

Những câu nói ấy làm trẻ sợ hãi, cảm thấy tuyệt vọng, bơ vơ, cảm thấy không có ai thương, không nơi nương tựa. Nỗi sợ hãi lớn nhất của đời người là nỗi sợ phải sống lạnh lùng, không tình thương yêu giữa những người xa lạ, ngay cả người lớn cũng sợ cảnh sống ấy, thì chúng ta vô tình lại đẩy con em vào tâm trạng hoảng sợ như vậy.

Trẻ em có tâm hồn hết sức nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú, những nỗi sợ hãi thường được thổi phồng lên, trở nên ghê gớm đến mức không chịu nổi. Và những tâm hồn non nớt ấy cứ phập phồng mãi, ám ảnh mãi không thôi, nỗi đau khổ âm thầm sẽ đi cùng trẻ suốt những năm tháng thơ ngây đầu đời.

Không chỉ vậy, cái kiểu đùa cợt vô tình ấy khiến trẻ tổn thương, và vết thương lòng ám ảnh mãi không nguôi. Nhiều trẻ, bị những tổn thương ấy làm ảnh hưởng đến nhân cách khi lớn lên, trở nên đa nghi, hay sợ hãi, nhạy cảm thái quá, dễ chạnh lòng, thiếu tự tin.

Nhiều trẻ có xu hướng co mình lại, không cảm nhận được lòng yêu thương từ người khác và cũng không biết cách biểu lộ lòng yêu thương. Chúng sống dửng dưng lạnh nhạt, thờ ơ, gần như vô cảm. Những khiếm khuyết ấy có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của trẻ, khiến cho trẻ khó khăn hơn trên con đường đi tìm hạnh phúc sau này.

Những tổn thương ấy làm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ mãi mãi về sau này

Cha mẹ nào chẳng thương con, ấy vậy mà nhiều khi vì vô tình, vì ích kỷ, vì không hiểu tâm lý của trẻ, chính cha mẹ lại làm con đau đớn. Mỗi lời nói kiểu ấy, tưởng như vô hại, lại là một nhát dao cứa vào lòng con, một kiểu bạo hành tinh thần, để lại những vết sẹo sâu hoắm, mãi mãi không lành.

Thương con thì phải hiểu con. Yêu con thì phải biết cách bảo vệ con. Là cha mẹ, đừng bao giờ nói những lời làm trẻ sợ, trẻ đau, làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ. Cha mẹ hãy là những bậc cha mẹ hiểu biết, thông minh, có tri thức để có thể yêu thương con, bảo vệ con, giúp trí tuệ và tâm hồn của con phát triển lành mạnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam