Dòng sự kiện:

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhiều người đi xin lộc đầu năm

09:15 28/01/2017
Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng như chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính... là nơi vào mỗi dịp Tết đến xuân về đông nghịt khách thập phương. Họ đi lễ chùa cầu mong một năm mới bình an, may mắn cũng như để du xuân vãn cảnh.

Suối Yến chùa Hương tấp nập du khách vào mỗi mùa hội (Ảnh: I.T).

Chùa Hương - Hà Nội

Một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Việt Nam đông nghịt vào mỗi dịp Tết đến xuân về là chùa Hương, thuộc ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một khu quần thể chùa chiền nằm rải rác từ chân núi Hương Tích cho đến tận đỉnh núi. Mùa lễ hội chùa Hương kéo dài từ sau tết Nguyên đán đến tháng ba âm lịch nhưng đây là nơi du khách có thể hành hương đến chiêm bái quanh năm.

Ngôi chùa nổi tiếng với pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn với dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú. Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m. Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh núi cao rừng thẳm, suối dài được kết hợp hài hoà giữa một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi. Việc di chuyển bằng đò trên suối Yến từ lâu đã làm nên nét hấp dẫn của khu di tích này.

Ngày hội diễn ra trong 3 tháng, từ 6.1 đến tháng 3 âm lịch, đỉnh cao từ rằm tháng giêng tới 18.2 âm lịch. Hàng năm, chùa Hương đón hàng triệu lượt du khách tới tham quan và cầu lộc, cầu may.

Yên Tử - Quảng Ninh

Yên Tử được coi là nơi cội nguồn của Phật giáo Việt Nam. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trải dài khoảng 20 km, dọc lộ trình của vua Trần Nhân Tông về Yên Sơn tu hành rồi hiển Phật. Hàng năm, chùa Yên Tử là một trong số những ngôi chùa có lượng khách viếng thăm lớn nhất cả nước.

Đền Trình là nơi mọi người dừng chân đầu tiên trong hành trình hành hương Yên Tử (Ảnh: I.T).

Điểm đầu tiên du khách dừng chân là ngôi đền Trình nằm bên dòng suối nhỏ, nước chảy róc rách qua những khe đá. Tương truyền rằng khi xưa, vua Trần Nhân Tông qua đây đã xuống suối tắm với ý định rũ sạch bụi trần và thắp hương trong đền trước khi vào đất Phật. Từ đó con suối được mang tên là Suối Tắm và ai qua đây cũng vào "trình" tại ngôi đền.

Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử (Ảnh: I.T).

Ở trên đỉnh núi Yên Tử là ngôi chùa Đồng, nằm ở độ cao nằm ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển được xây dựng từ thời Lê (980-1009). Chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc Tự, đây chỉ là một am nhỏ bằng đồng hình giống ngôi chùa, một người vào không vừa làm chỗ để Phật tử thập phương thắp hương khi lên đến chốn bồng lai này.

>> Đi lễ chùa đầu năm mới Đinh Dậu cần lưu ý để không phạm điều kiêng kỵ

Chùa Bái Đính - Ninh Bình

Toàn cảnh chùa Bái Đính (Ảnh: I.T).

Nằm ở tỉnh Ninh Bình và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của vùng đất cố đô. Chùa Bái Đính chính là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với 500 tượng La Hán được tạc bằng đá trắng nguyên khối tinh xảo, sống động.

Khuôn viên cả khu chùa Bái Đính có diện tích 107 ha, tại ngôi chùa này có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á nặng 100 tấn và ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn…

Ngay trên đường lên chùa, du khách đã gặp hai tháp chuông. Tháp lớn có 3 tầng, 24 mái, đặt quả chuông đồng nặng 36 tấn. Nét độc đáo là trên thân chuông có khắc bài kinh Đại Bi Bát Nhã bằng chữ Hán cùng nhiều hoa văn theo chủ đề Thiền học và Phật học.

Đền Trần - Nam Định

Đền Trần ở phía đông chùa Phổ Minh, thuộc xã Lộc Vượng, Nam Định, được xây trên phần đất của cung điện Trùng Quang nhà Trần. Trong quần thể Đền Trần có đền Thiên Trường được xây dựng từ thời hậu Lê, thờ 14 vị vua Trần.

Hàng năm, người dân chen lấn, xô đẩy nhau để xoa tiền vào kiếm thần, cướp hoa trên bàn sau lễ khai ấn đền Trần (Ảnh: VNE).

Hàng năm vào dịp đêm 14, mở đầu ngày 15 tháng Giêng âm lịch, lễ khai ấn được tổ chức tại Khu di tích đền Trần. Ngày lễ là tập tục từ thế kỷ XIII ở triều đại nhà Trần, do vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho các vị quan có công. Ngay từ trước khi lễ khai ấn diễn ra, hàng ngàn người đã đổ về đây, mong xin được ấn tín vào thời khắc linh thiêng.

Phủ Tây Hồ - Hà Nội

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của truyền thuyết Việt Nam. Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Hà thành.

Nhiều người không vào được bên trong nên phải đứng ngoài vái vọng (Ảnh: I.T).

Hàng năm, vào thời khắc giao thừa và thời điểm đầu xuân, khách hành hương về phủ rất đông, vừa đi lễ Mẫu cầu mọi điều an lành, may mắn, vừa để thưởng ngoạn vẻ đẹp quyến rũ của hồ Tây vào mỗi dịp xuân về.

Đền Bà chúa Kho - Bắc Ninh

Đền Bà chúa Kho nổi tiếng cả nước là nơi để mọi người cầu xin cho việc làm ăn được thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Hàng năm, cứ đến ngày đầu xuân, rất đông người dân, đặc biệt là những người làm kinh doanh đều đến đây để xin “lộc rơi lộc vãi”.

Dân Việt

Nguồn: Gia đình Việt Nam