Dòng sự kiện:

Những sai lầm thường gặp khi dùng điều hòa vào mùa đông

16:06 21/12/2016
Trong mùa đông, dùng điều hòa để tăng nhiệt độ phòng vẫn cần những chú ý cơ bản để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Vừa chuyển về nhà mới được gần 2 tháng, gia đình chị Thúy (Thanh Xuân) mua ngay điều hòa 2 chiều để tránh rét cho con trai gần 1 tuổi. Ngoài những lúc bé đi học mầm non, mỗi khi ở nhà đều ngồi trong phòng kín có điều hòa nóng. Chị Thúy cho rằng, điều này giúp bé được ủ ấm không phải lo lắng về những cơn gió mùa lạnh.

Không chỉ dùng điều hòa ban ngày, chị Thúy cũng thường xuyên mở điều hòa nhiệt độ 27-28 độ C vào ban đêm. Căn phòng ấm áp và con trai không mè nheo khi ngủ khiến vợ chồng chị yên tâm. Tuy nhiên, chị Thúy còn mặc cho con rất nhiều quần áo kèm theo để ủ ấm.

dùng điều hòa mùa đông

(Ảnh minh họa)

Ban đêm do ngủ quên, chị Thúy không biết điều hòa nhiệt độ cao kèm với quần áo mùa đông chật chội khiến cho em bé đổ mồ hôi nhiều. Sau 2 đêm như vậy, con trai chị Thúy bị viêm phổi phải nhập viện.

"Tôi quá thờ ơ nên đã cho con mặc quần áo chật khi ngủ điều hòa để nhiệt độ cao. Lẽ ra tôi nên mở điều hòa một lúc cho ấm phòng rồi tắt, sau đó đắp chăn cho bé sẽ không lo bị lạnh. Tôi không lường được việc này đã vô tình hại con, may là cháu điều trị mấy ngày cũng đã đỡ nhiều", chị Thúy nói.

Cũng dùng điều hòa nóng nhưng nhà bà Lành (Đống Đa, Hà Nội) chỉ có 2 vợ chồng già nên chỉ mở khi trời rét dưới 15 độ C. Trong đợt rét mới đây, bà Lành ở nhà một mình. Sau giấc ngủ buổi trưa, bà bước ra ngoài để đi chợ chiều. Do vội vàng nên bà bước ra bên ngoài luôn, trong khi nhiệt độ điều hòa đang là 28 độ C còn nhiệt độ bên ngoài 14 độ C khiến bà Lành loạng choáng.

"Tôi chưa ra đến chợ thì phải ngồi bên vỉa hè. Người đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt...Tôi phải gọi chồng đang ở bên nhà con về gấp đưa đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết, do tôi ra ngoài đột ngột, nhiệt độ chênh lệch nên mới có hiện tượng trên", bà Lành cho hay.

Chú ý gì khi dùng điều hòa mùa đông?

Điều hòa nóng đang dần phổ biến khi đời sống ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên dùng điều hòa như thế nào không phải ai cũng biết được.

Bác sĩ đa khoa Văn Giàu (Chuyên Tai - Mũi - Họng) chỉ rõ, với người lớn và trẻ em, nếu đã mở điều hòa nhiệt độ cao phải mặc quần áo thoải mái, chọn chất liệu cotton. Không nên mặc áo len, áo khoác dày khi ngủ làm đổ mồ hôi gây viêm phổi, viêm phế quản và cảm cúm.

"Nhiệt độ hợp lý là từ 25 -28 độ C. Tuy nhiên, tốt nhất có thể mở điều hòa cho ấm phòng rồi tắt để vừa tiết kiệm điện và không làm cho cơ thể quá phụ thuộc vào điều hòa", bác sĩ Giàu nói.

Với người già, nguy cơ thấy rõ là ở trong phòng điều hòa nóng đi ra bên ngoài trời lạnh rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, nặng là đột quỵ, nguy hiểm tính mạng. Do đó, người già nói riêng và mọi người nói chung trước khi ra khỏi phòng có điều hòa nóng vào ngày lạnh phải từ từ, tốt nhất ở trong phòng không có điều hòa một lúc giúp cơ thể thích nghi với mức nhiệt độ thông thường.

Còn anh Đức Nghĩa (Kỹ sư điện lạnh) khuyến cáo, dùng điều hòa phải đóng kín cửa nhưng nhiều gia đình lại không chú ý đến yếu tố thông gió. "Cụ thể là nên mở cửa phòng ngủ hoặc trang bị hệ thống thông gió. Nếu không sẽ làm cho bạn và gia đình cảm thấy khó thở, thiếu oxy dẫn đến ngột ngạt", anh Nghĩa cho hay.

Cũng theo kỹ sư Đức Nghĩa, trong thực tế có nhiều người chủ quan do nghĩ mùa đông điều hòa không hoạt động quá nhiều như mùa hè nên không chú ý vệ sinh hay bảo dưỡng.

"Sau một mùa hè hoạt động hết công suất, điều hòa vẫn cần bảo dưỡng, thay gas. Đặc biệt kiểm tra và vệ sinh dàn nóng, lưới lọc... khử bụi nhằm giúp trao đổi nhiệt được nhanh hơn. Kiểm tra các yếu tố dây điện tránh bị giật hay chập cháy", anh Nghĩa nói.

Theo Emdep

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG