Dòng sự kiện:

Những thói quen giúp trẻ gặt hái thành công trong tương lai

Theo Dân Việt
13:41 25/07/2017
Từ trước đến nay giáo dục tài chính không phải là yêu cầu cơ bản của hầu hết các bậc cha mẹ đối với con trẻ. Quan niệm này đến nay đã lỗi thời, việc giúp trẻ có những khái niệm cơ bản về tài chính, quan tâm đến việc tiêu tiền và kiếm tiền một cách thông minh là hoàn toàn đúng đắn bên cạnh việc xây dựng cho trẻ một cơ thể khỏe mạnh, đạo đức sáng ngời.

Dưới đây là một số liệu thống kê từ nghiên cứu nhiều năm của các chuyên gia về thói quen hàng ngày tách biệt giữa những người giàu có và người nghèo.

1. 63% các triệu phú tự thân được cha mẹ yêu cầu phải đọc hai cuốn sách trong mỗi tháng, chỉ có 3% người nghèo theo thói quen này.

2. 6% người giàu có chơi xổ số so với 77% người nghèo.

3. Chỉ có 16% người giàu thường đánh bạc so với 52% người nghèo.

4. 82% các triệu phú tự thân luôn theo đuổi một giấc mơ so với 3% người nghèo biết mơ ước.

5. 63% người giàu nghe đọc sách trong thời gian đến công sở so với 5% người nghèo.

6. 73% người giàu có chi tiêu ít hơn thu nhập trong suốt cuộc đời làm việc của họ so với 5% người nghèo.

7. 92% người giàu có tin rằng họ đã tạo ra may mắn của mình thông qua công việc khó khăn và sự kiên trì. 79% người nghèo tin rằng người giàu có là người hưởng lợi từ sự may mắn ngẫu nhiên.

8. 79% người giàu có tin rằng họ chịu trách nhiệm về hoàn cảnh tài chính của họ. 82% người nghèo tin rằng nếu bạn sinh ra nghèo, bạn không thể thay đổi hoàn cảnh tài chính của bạn.

9. 78% các triệu phú tự thân hầu như rất ít ăn vặt mỗi ngày. 97% người nghèo thường ăn vặt mỗi ngày.

10. 63% người giàu luôn có thái độ tích cực, lạc quan. 94% người nghèo có thái độ tiêu cực, bi quan.

Thực tế là, người nghèo ngày càng nghèo bởi có khá nhiều khuynh hướng trông chờ vào người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cha mẹ, chính phủ và ông trời trong khi hầu hết họ ít tạo ra những thói quen tốt dẫn đến thành công cho bản thân hay cho con cái. Dưới đây là một số thói quen cha mẹ nên hướng dẫn các con để tạo ra sự thành công nhất định, hoặc ít nhất là tính cách lạc quan cho con trẻ.

1.Hạn chế xem truyền hình, phương tiện truyền thông xã hội, trò chơi điện tử và sử dụng điện thoại di động không quá một giờ trong ngày.

2. Yêu cầu trẻ đọc một cuốn sách không phải tiểu thuyết mỗi tuần và viết một bản tóm tắt một trang về những gì họ đã đọc được.

3. Yêu cầu trẻ tập aerobic 20-30 phút mỗi ngày.

4. Hạn chế thức ăn vặt không quá 300 calo một ngày.

5. Dạy trẻ ước mơ và theo đuổi ước mơ của mình. Yêu cầu trẻ viết một kịch bản về cuộc sống lý tưởng trong tương lai.

6. Yêu cầu trẻ đặt mục tiêu.

7. Khuyến khích trẻ tham gia công tác tình nguyện.

8. Yêu cầu trẻ tiết kiệm ít nhất 25% tiền tiêu vặt, hoặc tiền thưởng của các bé.

9. Dạy cho trẻ em tầm quan trọng của việc gọi điện cho gia đình, bạn bè, giáo viên… vào ngày sinh nhật của họ.

10. Dạy cho trẻ biết gửi thiệp cảm ơn mỗi khi ai đó làm điều gì đó tốt đẹp cho họ.

11. Hãy trấn an trẻ rằng đôi khi những sai lầm và thất bại chưa hẳn đã xấu và có khi còn là điều tốt. Trẻ em cần phải hiểu rằng nền tảng của sự thành công được xây dựng dựa trên những bài học chúng ta học được từ những sai lầm hay thất bại của mình.

12. Dạy cho trẻ cách giữ bình tĩnh và giảng giải để các bé hiểu được hậu quả của việc mất kiểm soát. Tức giận là cảm xúc “tốn kém” nhất. Nó khiến người ta bị sa thải, gây tổn hại cho các mối quan hệ có giá trị và thậm chí còn có thể dẫn đến phải vào tù.

13. Dạy cho trẻ rằng việc theo đuổi sự thành công về mặt tài chính là một điều tốt. Và giàu có không phải là một điều xấu.

14. Trẻ cần phải học cách quản lý tiền. Để trẻ tự tiết kiệm tiền và buộc họ sử dụng tiền tiết kiệm để mua những thứ chúng muốn. Điều này dạy trẻ phải làm việc cho những điều chúng muốn trong cuộc sống, như điện thoại di động, máy tính, quần áo thời trang, trò chơi điện tử, v.v ...

15. Cha mẹ và con cái cần dành ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày để nói chuyện với nhau. Không phải trên Facebook, không phải trên điện thoại di động, mà là mặt đối mặt.

16. Dạy trẻ cách quản lý thời gian. Dạy chúng làm thế nào để tạo ra một "list việc để làm" hàng ngày. Chúng có thể đặt danh sách "việc cần làm" ở cửa phòng ngủ để các bậc cha mẹ có thể kiểm tra nó mỗi ngày.

Nguồn: Gia đình Việt Nam