Dòng sự kiện:

Những 'truyền thuyết' về kiêng cữ sau sinh đừng dại mà tin

02:28 28/10/2016
Nhiều quan niệm kiêng cữ sau sinh như không tắm, không ra gió, không đánh răng... có thể phù hợp với điều kiện ngày xưa nhưng không còn phù hợp với hiện tại.

1. Không được tắm trong thời gian ở cữ

Trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể mẹ giữ lượng nước lớn và nhanh chóng đào thải ra ngoài sau khi sinh. Vì vậy mẹ mới sinh xong có đặc điểm hay đổ mồ hôi. Nếu sinh xong không tắm, gội hoặc chỉ lau người, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến nhiễm trùng sau sinh. Hơn nữa cảm giác cơ thể không sạch sẽ, khó chịu cũng ảnh hưởng đến tâm lý, gây bất lợi cho việc phục hồi sau sinh.

Người xưa cho rằng sau sinh nếu tắm gội ngay khi về già dễ bị nổi gân, đau lưng, bị lạnh người. Quan niệm này trước đây hợp lý nhưng hiện tại không còn phù hợp nữa. Ngày xưa, muốn dùng nước nóng phải đun nước sôi, phòng tắm cũng không kín gió, dễ bị nhiễm lạnh. Trong khi đó, ngày nay hầu như gia đình nào cũng trang bị đầy đủ bình nóng lạnh, đèn sưởi nhà tắm, vì thế trong giai đoạn ở cữ, sản phụ vẫn có thể tắm gội.

uy nhiên, sản phụ vẫn cần phải lưu ý một số nguyên tắc. Thông thường, nếu sinh thường, nên đợi 3 ngày sau mới tắm, còn những mẹ đẻ mổ phải tùy tình hình vết thương. Nếu vết mổ đã lành miệng, 1 tuần sau có thể tắm, nhưng chú ý không chà xát mạnh gần khu vực vết mổ. Khi tắm gội các mẹ phải chú ý nhiệt độ nước và nhiệt độ môi trường xung quanh. Đầu tóc phải đảm bảo sấy khô sau đó, không được để bị lạnh.

2. Không được mở cửa sổ, bật điều hòa

Theo quan điểm của người xưa, sản phụ cần phải kiêng gió. Ngay cả khi sinh vào mùa hè nóng nực, cũng phải ở trong phòng đóng kín cửa sổ. Ngoài ra sản phụ cần phải mặc quần áo dài, đi tất, trang bị kín mít từ đầu tới chân.

Nhưng thực tế, sản phụ không nên mặc quá kín như vậy, vì dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nếu nơi ở cũng nóng, sẽ khiến cơ thể không kịp thời tản nhiệt, gây rối loạn chức năng điều tiết nhiệt độ, có thể khiến mẹ mới sinh buồn nôn, sốt, bất tỉnh, đột quỵ, nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Vì vậy, trong giai đoạn ở cữ, cần kiểm soát nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ thích hợp là 26-28 độ. Nếu thời tiết nóng có thể mở điều hòa, nhưng tránh không khí, gió thổi thẳng vào người sản phụ. Cũng có thể mở cửa sổ để không gian phòng thông thoáng và giảm thiểu khả năng phát sinh bệnh truyền nhiễm.

3. Không được đánh răng

Trong giai đoạn mang thai, do lượng hormone thay đổi nên mẹ bầu rất dễ dàng bị viêm lợi. Nếu trong giai đoạn ở cữ kiêng đánh răng sẽ tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về răng lợi khác.

Vì vậy, mẹ mới sinh xong càng cần chú ý đến việc vệ sinh răng miệng. Nếu nướu nhạy cảm dễ bị tổn thương, có thể dùng bàn chải lông mềm, nước ấm và kem đánh răng loại cho răng nhạy cảm. Khi đánh răng nên đánh nhẹ nhàng và chậm rãi. Ngoài ra việc thiếu canxi cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến răng lợi, vì vậy giai đoạn cho con bú, bổ sung canxi là điều không thể thiếu.

4. Cấm xuống giường hoạt động

Theo quan niệm truyền thống, sản phụ sau sinh bị tổn hao nhiều nguyên khí. Vì vậy cơ thể rất yếu, trong thời gian ở cữ cần ở yên tĩnh dưỡng, nằm nhiều, ít hoạt động, thậm chí 3 bữa ăn mỗi ngày đều ăn ngay trên giường. Thực tế, điều này hoàn toàn bất lợi cho quá trình hồi phục sau sinh của các mẹ.

Đầu tiên, việc các mẹ sau sinh ít hoạt động sẽ bất lợi cho việc hồi phục cơ sàn chậu, cũng không có lợi cho việc tiết hết sản dịch, còn gián tiếp gây khó khăn cho việc đại tiểu tiện, dễ gây táo bón. Bên cạnh đó, máu của mẹ mới sinh dễ đông, nếu nằm bất động nhiều trên giường có thể hình thành cục máu đông, khi ngồi dậy bất ngờ, các khối máu này di chuyển đến phổi, có thể gây tắc nghẽn phổi, thậm chí tử vong đột ngột.

Vì vậy, các mẹ nên tùy theo tình trạng của cơ thể mình để vận động nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho cơ thể hồi phục nhanh. Nếu sinh thường, ngay sau sinh đã có thể tự đi vệ sinh với giúp đỡ của người khác. Với trường hợp đẻ mổ, sau khi mổ 24 giờ nên nhẹ nhàng thay đổi tư thế, ngồi dậy. Ngày thứ 2 sau khi tháo ống tiểu có thể tự xuống giường đi vệ sinh và hoạt động nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, các hoạt động của mẹ mới sinh còn rất hạn chế. Sản phụ tránh ngồi, đứng lâu, tránh ngồi xổm hoặc di chuyển vật nặng, để phòng ngừa sa tử cung và các vấn đề khác. Các mẹ đẻ mổ cần chú ý bảo vệ vết mổ, tránh trường hợp bị rách, bung chỉ.

5. Không được ăn muối

Rất nhiều mẹ và bà cho rằng, muối không tốt cho mẹ sau sinh và sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa. Vì vậy bắt các mẹ sau sinh chỉ được ăn nhạt. Nhưng trên thực tế, vào những ngày đầu sau sinh, sản phụ đổ mồ hôi rất nhiều sẽ tiêu hao rất nhiều muối vô cơ.

Nếu như trong thời gian ở cữ hoàn toàn không ăn muối, có thể xuất hiện hiện những trạng thái như hạ huyết áp, chóng mặt buồn nôn, nôn, chán ăn, suy nhược, mệt mỏi. Trong y học gọi là hội chứng hạ natri máu. Vì vậy, trong thời gian ở cữ các mẹ cũng nên bổ sung lượng muối phù hợp.

6. Thời gian ở cữ chỉ ăn cơm với trứng luộc

Nhiều người già cho rằng, trứng rất giàu dinh dưỡng. Vì vậy, sau khi sinh, không ít các mẹ phát ngán khi bữa ăn nào cũng chỉ có trứng và trứng.

Thực tế, trước đây cuộc sống vật chất còn thiếu thốn nên mới như vậy. Điều kiện vật chất ở cuộc sống hiện đại đã tốt hơn nhiều. Sản phụ cần được ăn uống đa dạng để bổ sung dưỡng chất.

Mặc dù trứng gà giàu dinh dưỡng, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ tăng gánh nặng cho gan và thận. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến việc phục hồi thể chất sau sinh cũng như việc cho con bú.

Nguyên tắc ăn uống cho sản phụ sau sinh vẫn là đồ thanh đạm ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa và đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Mẹ có thể ăn cháo, mì, kết hợp các loại rau củ quả phong phú và trứng thịt. Tùy trường hợp có thể bổ sung canxi và sắt theo chỉ định của bác sĩ.

PLXH

Nguồn: Gia đình Việt Nam