Dòng sự kiện:

Nỗi đau sau “sàm sỡ” đền 10 triệu đồng

Theo Dân Việt
09:03 26/02/2017
Một cô giáo dạy tại một trường tiểu học vừa phải đền tiền cho 10 bé gái khi các cháu bị con trai của cô giáo này sàm sỡ. Nhưng đằng sau 10 triệu đồng đền bù cho mỗi cháu bé bị sàm sỡ này là nỗi đau...

Theo thông tin báo chí đã đưa, con trai một cô giáo của một trường tiểu học đã bị tố cáo sàm sỡ 10 bé gái đang học lớp 1 khi các em được bố mẹ gửi ở nhà cô giáo để quản lý sau buổi học. Con trai cô giáo 12 tuổi đã có hành vi sờ mó bộ phận nhạy cảm của các bé gái. Sau khi xác minh sự việc, phòng GD-ĐT đã yêu cầu ban giám hiệu và cô giáo đó đến từng nhà xin lỗi. Cô giáo cũng đã bồi thường mỗi gia đình có bé bị sàm sỡ 10 triệu đồng.

Bà Hoàng Tú Anh trong Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội tháng 11.2016

Tôi đã từng tham gia can thiệp những trường hợp tương tự, khi người xâm hại và nạn nhân đều chỉ là những đứa trẻ. Những trường hợp này rất khó giải quyết và vô cùng đau xót cho cả gia đình có con bị hại lẫn gia đình có con là người xâm hại. Với các bé gái, những tổn thương này có thể ảnh hưởng lâu dài và với cả bé trai mới 12-13 tuổi, mặc cảm tội lỗi, sự dày vò của gia đình, sự đánh giá của xã hội... Tất cả có thể cũng sẽ theo các bé suốt cuộc đời.

Ở vụ việc này, chúng ta chỉ nhìn “kết quả” bồi thường tiền. Và có thể cho rằng, hành vi chưa gây tổn thương (thể xác) nên bồi thường thế là hợp lý. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân sâu xa đằng sau đó thì sẽ còn nhiều những em trai, em gái khác trở thành nạn nhân của những vụ việc tương tự thế này, với mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn rất nhiều.  

Tôi từng tư vấn cho một số bé trai đã từng xâm phạm tình dục em gái nhỏ hơn hoặc bè bạn mình. Có nhiều câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân bắt đầu từ sự thay đổi tuổi dậy thì của bé trai đã không được gia đình để ý. Những bức bối tình dục của bé bị ngăn cấm, chối bỏ. Có ai biết rằng bé cô đơn trong chính căn nhà của mình, bối rối, sợ hãi với những đòi hỏi của cơ thể khi dậy thì mà không biết hỏi ai? Tuy nhiên, có hỏi thì một là thày cô, cha mẹ sẽ mắng át đi, sẽ kết tội các con hư thân mất nết khiến trẻ càng lo lắng. Các em sẽ tự hành động, tự tìm hiểu để thỏa sự tò mò của mình.

Thực tế, kể cả người lớn muốn nói chuyện với các em nhiều khi cũng không đủ kiến thức, kỹ năng để nói với các con về xâm hại tình dục và phòng ngừa xâm hại tình dục. Càng không thể “mách” cho các con cách nào để giải tỏa tình dục khi có nhu cầu.

Có người cha kể, thấy con thủ dâm anh đã bắt con không được ngủ phòng riêng mà ra phòng khách ngủ hoặc không được đóng cửa phòng hoặc đe nẹt, dọa dẫm. Đứa trẻ thấy cô đơn, bị chối bỏ, bị cho rằng nhu cầu tình dục của mình là ghê tởm. Cháu tìm cách giải tỏa bằng xem phim sex, học theo phim sex, có hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ gái khác.

Vừa kể, ông bố đó vừa khóc thương tâm, hối hận rằng sự cấm đoán của mình đã đẩy con đến chỗ phạm tội.

Với các bé gái, những tổn thương do bị xâm hại tình dục thể ảnh hưởng lâu dài và với cả bé trai mới 12-13 tuổi phạm tội xâm hại tình dục, mặc cảm tội lỗi, sự dày vò của gia đình, sự đánh giá của xã hội...có thể cũng sẽ theo bé suốt cuộc đời.

10 triệu đồng có thể giải quyết được gì trong câu chuyện này? Những hình thức kỉ luật nữa - sẽ giúp được gì? Liệu có ai dám chắc rằng sau này những chuyện như thế này không xảy ra nữa, ở trường này hay ở trường khác?

Theo tôi, sẽ tốt hơn biết bao nếu tại những nơi xảy ra sự việc, phòng GD-ĐT, chính quyền địa phương, các đoàn thể cần tổ chức ngay lập tức các buổi giáo dục kĩ năng phòng ngừa xâm hại với thầy cô giáo, phụ huynh và với các học sinh. Các cha mẹ được giới thiệu thông tin hay các lớp học về phát triển giới tính của con và nói chuyện với con. Bé trai gây tội và cha mẹ cũng được tư vấn và học các kĩ năng thay đổi hành vi và phòng tránh con mình tái diễn hành vi này, để cháu cũng không bị suy sụp, tổn thương khi đã có hành vi xấu.

Có như vậy chúng ta mới hạn chế được các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Đây là bài học đắt giá trong việc quản lý và giáo dục con cái, đặc biệt là tâm sinh lý của trẻ.

Hoàng Tú Anh –Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP

Nguồn: Gia đình Việt Nam