Dòng sự kiện:

Nữ thủ khoa kép ngành Ngôn ngữ Anh ở TP HCM

Theo VNE
19:14 19/09/2017
Tốt nghiệp loại xuất sắc, đạt IELTS 8.0, Vũ Phương Thảo không xin việc mà tập trung làm dự án cá nhân về tiếng Anh cho trẻ em.

Là tân đại biểu của chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á năm 2017, Vũ Phương Thảo gây ấn tượng bởi thành tích học tập. Cô là thủ khoa đầu vào đồng thời là thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Sư phạm TP HCM năm 2017.

Sở hữu IELTS 8.0 và TOEFL iBT 111/120, Thảo là đại diện của Việt Nam ở nhiều chương trình quốc tế như Thanh niên ASEAN và doanh nghiệp xã hội, hay Diễn đàn lãnh đạo trẻ châu Á. Cô từng đạt giải ba cuộc thi hùng biện 20 năm quan hệ Việt - Mỹ do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức…

Vũ Phương Thảo là đại diện của Việt Nam tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), không được tiếp xúc nhiều với tiếng Anh nhưng ngay từ nhỏ, Thảo đã yêu thích ngôn ngữ này. Ngoài học ở trường, cô nghe băng cassette mỗi ngày và coi đó là cách luyện tập hiệu quả.

Cuối cấp hai, gia đình chuyển lên TP HCM. Phải thay đổi môi trường học tập nhưng cô gái sinh năm 1995 luôn tự tin ngoại ngữ là thế mạnh. Cô ghi danh thi đội tuyển học sinh giỏi của trường và được chọn thi thành phố. “Trong cuộc thi đó, cả trường có 20 bạn tham dự và chỉ mình tôi không được giải. Tôi đã rất buồn và xấu hổ. Nhưng cũng kể từ đó, tôi chú tâm vào việc học hơn, tự học nhiều hơn với một kế hoạch và mục tiêu cụ thể”, Thảo kể lại.

Thảo dành thời gian tối đa cho việc học tiếng Anh. Các buổi học ở trường, cô đều sử dụng giờ ra chơi để học thêm từ vựng. Sau giờ học, cô ở lại thư viện để luyện thi tiếng Anh trên các phần mềm. Đều đặn mỗi ngày, cả bốn kỹ năng tiếng Anh của cô tăng dần.

Đặc biệt, cô gái Đồng Nai rất thích học tiếng Anh qua thơ. “Thơ có vần điệu, hình ảnh và thông điệp rõ ràng khiến tôi cảm thấy hứng thú, học dễ hơn. Nhờ cách học này, tôi không chỉ biết nhiều từ vựng mới, luyện đọc và nghe tốt hơn mà còn có những cảm nhận phong phú về thế giới xung quanh”, Thảo chia sẻ.

Làm giáo dục không nhất thiết phải dạy trong trường học

Học ngành Ngôn ngữ Anh với định hướng làm biên, phiên dịch, nhưng cơ duyên đã đưa Thảo đến với nghề giáo. Trong một lần hỗ trợ tình nguyện viên quốc tế dạy tiếng Anh ở những mái ấm tình thương, Thảo cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy các em nhỏ hào hứng làm theo hướng dẫn của giáo viên. Từ đó, cô yêu thích hơn công việc giảng dạy, bắt đầu nhận dạy kèm ở một số trung tâm và làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở nhiều chương trình trong và ngoài nước.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Thảo không chọn con đường “vào biên chế để ổn định” như nhiều bạn đồng trang lứa. “Giáo dục cũng là một ngành nghề và nhà giáo cần được đảm bảo nhu cầu cơ bản để cống hiến hết mình. Hơn nữa, làm giáo dục không nhất thiết phải dạy trong trường học”, Thảo nhận định và cho biết nhiều bạn bè của cô dạy trong trường phổ thông vẫn phải nhận dạy thêm ở các trung tâm để đáp ứng mức sống đắt đỏ nơi thành phố.

Vũ Phương Thảo ước mơ trở thành một nhà giáo có khả năng truyền cảm hứng cho học sinh. Ảnh: NVCC

Ước mơ trở thành người thầy truyền cảm hứng, Thảo đi sâu tìm tòi những điều cần thay đổi để giúp trẻ em Việt yêu tiếng Anh hơn và học ngôn ngữ này bằng đam mê thay vì chỉ học một cách dập khuôn, máy móc để thi cử như hiện nay. Cô nảy sinh ý tưởng về những lớp học sáng tạo từ khi còn là sinh viên năm cuối và quyết định xây dựng dự án dựa trên ý tưởng đó.

Nhận được ủng hộ của gia đình và thầy cô, Thảo quyết định không đi xin việc sau khi ra trường mà tập trung cho dự án tiếng Anh sáng tạo cùng một người bạn với hy vọng trẻ yêu tiếng Anh có thể nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và sử dụng nó để viết, kể, sáng tạo những thứ riêng. Hiện tại, dự án trong giai đoạn thử nghiệm với ba lớp học và 30 học viên nhưng nó mang theo giấc mơ lớn của cô sinh viên mới ra trường.

Thảo cho biết khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án là việc thiết kế bài giảng. “Mỗi em đều có tính cách và phương pháp tiếp cận riêng. Việc của tôi là phải tạo ra những bài giảng dung hòa được mọi thứ. Ví dụ trong lớp đang có một bé bị rối loạn tăng động, giảm chú ý. Bé chỉ ngồi yên lại khi vẽ. Thay vì để bé viết, tôi khuyến khích bé kể câu chuyện của mình bằng một bức tranh. Nhưng tôi không thể làm điều đó với tất cả học viên còn lại”, Thảo nói.

Gặp nhiều khó khăn nhưng niềm tin của phụ huynh khiến Thảo quyết tâm thực hiện tốt dự án. Chỉ cần nhìn thấy các em say sưa thuyết trình về “một phát minh mới mà con sẽ chế tạo ra trong tương lai” hay kể “truyện con mới viết” là cô có thể quên mọi khó khăn để tiếp tục truyền tải thông điệp về sự sáng tạo.

Thầy Lê Nguyễn Như Anh, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM, nhận xét Thảo nhiệt huyết, dám theo đuổi đam mê. "Thảo biết điểm mạnh của mình ở đâu, dám nghĩ dám làm. Việc em không xin một công việc ổn định mà theo đuổi dự án cá nhân là minh chứng tuyệt vời cho điều đó", thầy Như Anh đánh giá.

Nói về dự định, Thảo cho biết tiếp tục theo đuổi dự án của mình, tham gia nhiều chương trình quốc tế và các dự án cộng đồng hơn. “Tôi sẽ cố gắng để xin học bổng du học thạc sĩ trước khi về Việt Nam tiếp tục công việc giảng dạy. Tôi luôn tin giáo dục là nền tảng cho mọi tiến bộ và tôi muốn góp phần tạo nên sức mạnh đó của giáo dục”, Thảo nói.

Nguồn: Gia đình Việt Nam