Dòng sự kiện:

Ông bố Hà Nội chỉ nói chuyện với con 3 tuổi bằng tiếng Anh

Theo Ngôi sao
11:15 13/11/2017
Từ khi con chào đời, anh Lâm đã giao tiếp với con bằng tiếng Anh, dành phần dạy tiếng Việt cho mẹ bé.

Tròn ba tuổi, bé Ngọc Nam (tên ở nhà là Dollar), con trai anh Ngọc Lâm, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Bé sử dụng song song hai ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, gặp mẹ nói tiếng Việt, gặp ba "bắn" tiếng Anh. Con trai anh Lâm ít khi nhầm lẫn từ vựng, biết cách dùng các mẫu câu thông dụng của người bản xứ. Bé rất bạo dạn và tự tin lúc trò chuyện với người nước ngoài.

Chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh cho con, anh Lâm kể, lúc Dollar chào đời, anh đón con bằng lời âu yếm: "Hello, my dear" (Xin chào con yêu). Kể từ đó, mọi giao tiếp của anh với con trai đều bằng tiếng Anh. Ông bố Hà Nội tin rằng đây là giai đoạn lý tưởng để kích thích não bộ bé phát triển bằng âm thanh. Anh luôn nhắc mình không lẫn lộn giữa tiếng Anh, tiếng Việt, nhất quán trong ngôn ngữ để tạo thói quen cho Dollar. 

Ông bố 39 tuổi thích nhất được gần con vào buổi tối, đây là thời gian anh kể cho Dollar nghe một ngày của mình diễn ra thế nào. Bằng những câu tiếng Anh đơn giản, anh Lâm thủ thỉ với con trai: "I went to school. I met my students" (Ba đã tới trường, gặp những sinh viên của ba). Dollar thích thú theo dõi những biểu cảm hài hước trên gương mặt anh Lâm. Khi biết phản ứng, bé ê a trả lời.

Buổi sáng, Dollar được ba bế ra ban công chơi. Anh Lâm chỉ vào cái cây, nhắc lại nhiều lần: "Tree, this is a tree" (Cái cây, đây là cái cây). Tương tự với các đồ vật khác, ông bố Hà Nội dạy con theo phương pháp "mưa dầm thấm lâu".

Anh Ngọc Lâm kiên trì "độc thoại" suốt 10 tháng, ngày nào cũng vậy, trừ lúc đi công tác. Phản ứng đầu tiên của Dollar với tiếng Anh là khi anh Lâm hỏi con: "Where are your friend?" (Bạn của con đâu?) - ý nói con búp bê Nga bằng gỗ - bé ngoái lại, đưa mắt kiếm tìm "bạn" búp bê. Tròn 12 tháng tuổi, Dollar bất ngờ phát âm từ "fish" (con cá) khiến anh Lâm hạnh phúc vỡ òa.

Anh Ngọc Lâm hiện là Phó trưởng khoa Tiếng Anh đại cương của Đại học Hà Nội.

Hành trình giúp con trai học tiếng Anh của anh Lâm tiếp tục bằng những mẩu truyện ngắn. Anh bật đi, bật lại cả tháng trời một câu chuyện vỏn vẹn vài câu để tiếng Anh "thấm" vào đầu Dollar. Lúc đầu, bé không hề quan tâm tới câu chuyện nhưng sau đó, cứ nhạc hiệu vang lên là con trai anh Lâm hào hứng kể theo. Tại nơi gia đình Dollar sống có nhiều hộ gia đình là người nước ngoài. Mỗi khi đi làm về, dù sớm hay muộn, anh Lâm vẫn tranh thủ đưa con sang hàng xóm chơi để bé được giao tiếp tiếng Anh thực tế.

Anh Lâm được bà xã khen khéo dạy con bởi có thể khiến Dollar hợp tác cả những việc "khó nhất". Bí quyết của ông bố Hà Nội là tạo ra sân chơi cho con mọi lúc, mọi nơi, trao cho bé quyền lựa chọn. 

Khi mới tập đánh răng, con trai anh Lâm tỏ ra không hào hứng. Anh mua cho con 3 tuýp kem đánh răng có màu sắc và mùi vị khác nhau. Buổi tối, anh nói với Dollar: "It's time to clean your teeth. What color do you like?" (Đã đến giờ đánh răng. Con muốn màu nào?). Bé nhanh nhẹn theo ba vào nhà tắm rồi chỉ vào loại kem đánh răng ưa thích: "This one" (Cái này!).

Tương tự, với việc uống thuốc, anh Lâm luôn hỏi con muốn uống bao nhiêu ml. Bé quên đi áp lực của việc phải uống thuốc, vui vẻ đưa ra lựa chọn: 5 ml, 7 ml hoặc đôi khi chỉ 3 ml.

Ông bố Hà Nội cải thiện thói quen lười đi tiểu của con bằng cách mua về chiếc bô hình con ếch gắn tường. Anh giục Dollar đi tiểu bằng cách nói: "Let's make it move!" (Hãy làm chiếc chong chóng quay đi con!"). Bé đang mải xem phim hoạt hình bỗng đứng dậy, chạy tới chiếc bô, đi tiểu để khiến những chiếc vòng xoay trong bô quay tít.

Trước đây, bố mẹ anh Lâm từng lo lắng việc Dollar được dạy tiếng Anh quá sớm có thể khiến bé không biết nói tiếng Việt. Ba Dollar cải thiện điều này bằng cách cho bé học trường mầm non thuần tiếng Việt. Tới nay, con trai anh có khả năng thay đổi ngôn ngữ linh hoạt, gặp "đối tượng" nào, nói ngôn ngữ đó. Anh Lâm cho biết thêm giai đoạn trẻ từ 0-6 tuổi là thời điểm "vàng" để tiếp nhận ngôn ngữ, không nên bỏ qua cơ hội này để giúp trẻ học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam