Dòng sự kiện:

Phải làm sao khi con tuổi teen giở bài ‘bình thường’ để trốn mẹ?

Phụ nữ Việt Nam
20:04 21/03/2017
Màn đối thoại của mẹ con tôi luôn luôn kết thúc bằng hai tiếng "bình thường" khiến tôi cố khai thác thêm điều gì ở con cũng khó.

Hôm nay sinh nhật con gái 6 tuổi. Khách khứa đến đông đủ, bánh kẹo, hoa quả bày xong xuôi nhưng con trai tôi vẫn bình thản ngồi trong phòng riêng. Tôi vào nhắc đến lần thứ 3 con mới chịu ra. Trong khi bọn trẻ ồn ào vui cười thì tôi để ý thấy con trai vẫn im lặng, không nói câu gì. Con hờ hững lấy một miếng bánh lên cắn rồi chờ cho tàn tiệc để quay vào phòng riêng.

- Con có chuyện gì không vui sao? - Tôi hỏi con khi buổi tiệc sinh nhật kết thúc.

- Bình thường! - vẫn là câu trả lời quen thuộc như mọi khi.

Ảnh minh họa

Con trai tôi đang học lớp 9. Trước đây con là đứa trẻ vui nhộn, hiếu động. Con hào hứng khi mỗi lần được mẹ cho đi chơi nhà họ hàng hoặc nhà bạn bè của bố mẹ. Thỉnh thoảng con vẫn ở lại ngủ và chơi rất hòa đồng với các con của bạn bè bố mẹ. Có những mùa hè con về quê chơi mấy tuần liền và khi lên thành phố có rất nhiều chuyện để kể với cả nhà.

Thế nhưng mấy năm gần đây con bỗng trở nên trầm tính, ít nói, sống khép kín. Sự thay đổi quá nhanh đó khiến ai trong nhà cũng nhận ra và thắc mắc. Nhiều lần tôi gợi chuyện để hỏi con lý do thì con đều trả lời một cách qua quýt, kiểu như:

- Con thích cuối tuần này cả nhà mình đi chơi một chuyến không?

- Bình thường.

....

- Cuốn sách này hay không con?

- Bình thường.
...

- Lên lớp 9 bài tập nhiều không con? Có quá khó không? Con có làm hết được không?

- Bình thường.

- Sao câu gì mẹ hỏi con cũng trả lời bình thường vậy?

- Thì bình thường nên con nói là bình thường thôi.

Màn đối thoại của mẹ con tôi luôn luôn kết thúc bằng hai tiếng “bình thường” như vậy. Tôi cố khai thác thêm điều gì ở con cũng khó. Câu trả lời của con như bức tường ngăn không cho mẹ tiến thêm vào thế giới nội tâm của con. “Có lẽ việc phải học quá nhiều ở lớp, học thêm ở trung tâm đã khiến con mệt mỏi, bị stress và chỉ muốn được thư giãn, yên tĩnh khi về nhà”, tuy tự trấn an mình vậy nhưng lòng tôi vẫn không thôi lo lắng.

Tôi chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm con với mong muốn cô sẽ giúp tôi tìm ra một lời giải. Cô tỏ ra ngạc nhiên về những gì tôi kể. Cô cho tôi biết, ở lớp Duy vẫn sôi nổi, hòa đồng với bạn bè và không có biểu hiện gì khác lạ. Cô còn mở facebook của lớp, chỉ cho tôi những bức ảnh nghịch ngợm bọn trẻ chụp với nhau trong đó có Duy với những biểu hiện hài hước.

Qua lời cô giáo và những hình ảnh trong lớp mà cô ghi lại thì Duy của tôi vẫn là cậu bé vui nhộn như trước kia.

“Vậy là sao? Tại sao khi về đến nhà con trai tôi lại cứ xa cách với mọi người như vậy?”. Trút được gánh nặng về nỗi lo con bị một bệnh tâm lý nào đó nhưng tôi lại thấy buồn vì cảm giác con như đang rời xa mình, không còn yêu gia đình như trước.

- Con trai chị đang ở giai đoạn tuổi dậy thì. Chị đã nhận ra được sự chuyển biến đó. Theo tôi, chị nên khéo léo quan sát con chứ không nên lo lắng quá mức.

- Vâng, tôi hy vọng là vậy! - Tôi trả lời tin nhắn cô giáo chủ nhiệm và làm theo từng gợi ý của cô.

Tôi đã hiểu ra, ở tuổi này, việc con bỗng nhiên trốn bố mẹ và quay sang bạn bè là điều tự nhiên. Bọn trẻ mới lớn có xu hướng cho rằng chỉ có chúng con - những đứa trẻ cùng môi trường hoạt động - mới hiểu nhau. Vì nghĩ rằng chuyện của mình có kể ra chắc gì những người không cùng độ tuổi đã hiểu nên chúng gác lại khi về nhà.

Lý do khiến con trai tôi không kể chuyện hàng ngày của mình cho bố mẹ nghe có thể là vì bị mắng, bị lên án hoặc bị cười nhạo. Dần dà chúng trở nên sống khép kín. Bố mẹ muốn kiểm tra, ép con chia sẻ thì chúng sẽ tìm cách né tránh hoặc đối phó.

Hãy coi con như người bạn, chủ động chia sẻ những suy nghĩ, kế hoạch của mình cùng con mỗi ngày. Khi cảm nhận thấy mình được tin cậy, tự khắc con sẽ mở lòng với bố mẹ. Quan hệ giữa bố mẹ con cái cần được thiếp lập trên cơ sở chia sẻ thông tin và đồng cảm, thay vì kiểm soát - dạy bảo theo cách mà nhiều phụ huynh vẫn đang làm hiện nay.

Nguồn: Gia đình Việt Nam