Dòng sự kiện:

'Đơn xin cho con học dốt'

22:32 07/09/2016
"Nay, tôi viết đơn này, trước hết xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến".

Nguyễn Ngọc Thạch là cái tên “đã quá cũ” đối với những ai mê đọc sách và yêu thích văn học. Với bút danh Jade, anh là tác giả trẻ được cộng đồng mạng quan tâm khi chọn những mảng đề tài gai góc, gây nhiều tranh cãi trong xã hội.

Tác giả trẻ Phạm Ngọc Thạch.

Gần đây, khi học sinh cả nước bắt đầu bước vào một năm học mới với nhiều thách thức, báo chí, dư luận lại có dịp bàn tán tới câu chuyện học thêm, dạy thêm. Và đây cũng là đề tài mà Ngọc Thạch không thể bỏ qua.

Cách đây ít giờ, tâm thư chia sẻ của Ngọc Thạch xây dựng câu chuyện người mẹ viết thư gửi Bộ giáo dục “xin cho con tôi học dốt” nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng bởi ý nghĩa mà nó mang lại quả thực vô cùng sâu sắc.

Bài chia sẻ của Ngọc Thạch.

Nội dung đoạn chia sẻ như sau:

Đơn xin cho con tôi học dốt.

Kính gởi Bộ giáo dục cùng các vị nhiều thâm niên trong lĩnh vực giáo dục.

Tôi viết đơn này, chỉ mong quý nhà trường, quý bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành học sinh dốt trong năm học này.

Tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, thường quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và độc lập, không giống bất kỳ ai... nên tôi vẫn thường so sánh nó với con chú Sáu hàng xóm, con chị Ba tổ trưởng... để khi con tôi được 8 điểm, tôi trách nó là sao không được 10 điểm như con chú Sáu... Nó, con tôi, chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó... thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận.

Con tôi học giỏi từ lớp một đến lớp chín, chỉ khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm. Con tôi không thể giỏi đều mười mấy môn học nhà trường yêu cầu, cháu rất cố gắng học để giỏi toán, hoá, sinh vì thích trở thành bác sĩ dù rằng nghề đó học lâu, chi phí cao và hiểm nguy trùng điệp. Nhưng các môn khác cháu không thể giỏi, cháu chạy chậm do thể lục yếu, cháu viết văn không tốt, lúng túng về diễn đạt, cháu không thuộc được hết ngày nào quân ta thắng quân địch, quân ta chết bao nhiêu, quân địch bể bao nhiêu xe tăng... cháu không thể nhớ, thầy cô ạ... và điểm số của cháu ở những môn không phải thế mạnh chỉ là bốn năm điểm.

Tôi như người điên... nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm... Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp... Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học.

Lịch của cháu là học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy... cốt yếu chỉ để con tôi giỏi lại ở những môn còn lại, đạt trên 6,5 và trở thành học sinh giỏi.

Cháu cố tự tử đêm qua...

Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh, cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm... Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn...

Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã.

Nay, tôi viết đơn này, trước hết xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến. Chắc chắn điều này sẽ làm thành tích thi đua của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng, bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ.

Những đứa trẻ đó, chúng chỉ cần mang hoài bão, ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện hão nào của gia đình hay dòng tộc.

Những đứa trẻ đó, có ưu khuyết, cần được định hướng để lựa chọn thứ phù hợp với bản thân, không cần phải trở thành một siêu nhân để giỏi đều tất cả các môn học. Điều mà tôi tin rằng ngay cả thầy cô cũng không thể làm được.

Những đứa trẻ đó, là con người... không hoàn hảo, nhưng sự không hoàn hảo đó nhắc nhở chúng phải tự hoàn thiện mỗi ngày dài trong đời.

Vì lẽ đó, tôi tha thiết xin cho con mình được thành học sinh dốt.

Kính đơn...”.

Rất nhiều quan điểm được đưa ra xung quanh câu chuyện của Ngọc Thạch:

Một phụ huynh đồng quan điểm với Ngọc Thạch chia sẻ: “Tôi thấy nhiều phụ huynh như vậy, bắt con học thêm đủ thứ, quá kỳ vọng vào con, gây áp lực lớn mà không quan tâm con muốn gì, phụ huynh như vậy thật sai lầm và tội nghiệp những đứa trẻ không thể nào thoát ra khỏi mong muốn tột bậc của cha mẹ”.

Bài viết của anh hay quá. Bản thân em cũng từng bị áp lực từ việc học tập một cách ghê gớm, chẳng phải gia đình tạo ra áp lực cho em một cách trực tiếp mà bản thân em tự gây áp lực cho mình, nếu không đậu đại học thì người ta đánh giá ba mẹ, ba mẹ không vui thì lại đặt sự áp lực lên em. Vậy nên em âm thầm chịu rồi tự dồn nén mọi thứ vào mình còn hay hơn để ba mẹ phải suy nghĩ . Chứng kiến mấy bé nhỏ xíu mà giờ suốt ngày học thêm học bớt, học trên trường, học phụ đạo, rồi trung tâm, rồi học thêm rồi còn gia sư, mới bé tí mà mắt đứa nào cũng cận, thấy mà thương. Bản thân mình là người lớn học như vậy còn thấy mệt mỏi, nhồi nhét như vậy làm sao tiếp thu được huống gì là con nít. Đào tạo thực tế hơn lại không làm cứ nhồi nhét thuộc lòng những điều đâu đâu, chẳng vận dụng được. Nếu sau này có con có cháu, em chỉ muốn nó được làm những điều chúng thích, tạo điều kiện để chúng phát huy sở trường, sống là để hưởng thụ, chứ đâu phải bị ép làm những điều mình không muốn. Điều ước nhỏ nhoi mong người lớn hay bỏ qua áp lực từ xã hội mà thương lấy con em mình. Tội lắm!!

Cá nhân khác lại cho rằng: “Mình thì ủng hộ đi học thêm vì nói trắng ra là học thêm là cách duy nhất để đậu đại học mình mong muốn ở Việt Nam (VN)…".

Chi Chi

Nguồn: Gia đình Việt Nam