Dòng sự kiện:

Phụ nữ và những xét nghiệm quan trọng theo từng độ tuổi

08:02 28/03/2017
Ở từng độ tuổi có những nguy cơ mắc bệnh khác nhau mà chúng ta dẽ dàng bỏ qua. Vì vậy, phụ nữ từng độ tuổi có những loại xét nghiệm cần thiết khác nhau.

Theo bác sĩ Cao Thị Hồng Chi (Trung tâm tư vấn dịch vụ SKSS & SKCĐ) cho biết, ở từng độ tuổi có những nguy cơ mắc bệnh khác nhau mà chúng ta dẽ dàng bỏ qua. Vì vậy, phụ nữ từng độ tuổi có những loại xét nghiệm cần thiết khác nhau.

Độ tuổi 20

Đây là độ tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người, bạn ít khi mệt mỏi hay có biểu hiện bệnh gì trầm trọng và chẳng thấy có lý do gì phải đi bác sĩ cả. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu bạn phớt lờ bởi đây là giai đoạn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại về sau.

Dưới đây là một số xét nghiệm cần thiết đối với phụ nữ độ tuổi 20

1. Khám cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư phổ biến và gây tử vong cho phụ nữ. Do đó, để phòng ngừa nên thực hiện xét nghiệm này bắt đầu ở tuổi 21.

2. Xét nghiệm HPV

HPV là vi rút u nhú ở người. Đây được coi là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, gây ung thư cổ tử cung và các loại ung thư khác. Xét nghiệm HPV thường được thực hiện đồng thời với xét nghiệm phiến đồ âm đạo. Vì HPV khá phổ biến ở những phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng nó chỉ được thực hiện khi kết quả kiểm tra PAP bất thường.

Phụ nữ từ 30 tới 65 tuổi được khuyến nghị thực hiện 5 năm một lần loại xét nghiệm này.

3. Kiểm tra nước tiểu

Nước tiểu là một trong những tấm gương phản ánh sức khoẻ của chúng ta. Dựa vào màu nước tiểu, qúa trình tiểu, lượng protein trong nước tiểu sẽ giúp phát hiện những vấn đề về thận, viêm đường tiết niệu, gan, túi mật hoặc máu. Lượng gluco thông báo cho bạn khả năng bị tiểu đường và một số bệnh viêm nhiễm khác. Khi kiểm tra, để bảo đảm độ chính xác, bạn nên chuẩn bị một cái lọ nhỏ, rửa sạch và dội qua nước sôi để diệt vi khuẩn và nấm. Cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước khi lấy và lấy nước tiểu vào buổi sáng.

4. Kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục

Nếu bạn chuẩn bị kết hôn, đã có quan hệ tình dục hay có triệu trứng lạ ở "vùng kín" hãy đi kiểm tra để có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ thiên chức làm mẹ và vai trò của người vợ.

Độ tuổi 30

1. Đo mức Cholesterol trong máu

Mức LDL cholesterol cao là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ phát triển bện tim và xơ vữa động mạch. Bệnh vẫn có thể phát triển mà không có triệu chứng trong nhiều năm.

Cùng với thời gian, nó có thể dẫn đến đau tim và đột qụy. Cần ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh và trái cây, vận động hợp lý để phòng và ổn định lượng cholesterol trong máu.

2. Kiểm tra máu trong phân

Xét nghiệm này giúp phát hiện ung thư đại-trực tràng - căn bệnh gây tử vong thứ 2 trong số các loại ung thư ở phụ nữ. Hó hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 20% số ca mắc bệnh. Nếu đột ngột sút cân, cơ quan đường ruột thay đổi bất thường, nên đi khám thường xuyên, nhất là nếu bạn hút thuốc lá.

3. Kiểm tra huyết áp

Phụ nữ tuổi càng cao càng dễ bị cao huyết áp, đặc biệt là những người có cuộc sống căng thẳng, áp lực. Do đó, bạn cũng nên kiểm tra. Cách kiểm tra đơn giản là dùng phương pháp huyết áp kế. Bạn có thể đo tại nhà. Bình thường áp lực trong máu là dưới 120/80. Huyết áp 140/90 hoặc cao hơn được coi là huyết áp cao. Khi huyết áp thường xuyên cao, cần đi đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra chính xác và tư vấn thích hợp.

Độ tuổi 40

1. Sa cơ quan vùng chậu

Khoảng 1/3 phụ nữ bị ảnh hưởng của sa cơ quan vùng chậu hoặc một tình trạng tương tự trong đời. Điều đó có nghĩa là có từ một hoặc một vài cơ quan vùng chậu - bàng quang, tử cung, âm đạo, ruột non, trực tràng - hoạt động không đúng chức năng. Bắt đầu từ tuổi 65, phụ nữ nên được sàng lọc hàng năm loại bệnh này.

2. Chụp X - quang vú

Ở tuổi này, sức đề kháng đã giảm nên sức khỏe cũng giảm rõ rệt, do đó sẽ có nguy cơ mắc các bệnh. Một việc cần làm ở tuổi này là kiểm tra các khối u ở vùng ngực. Vì đây là độ tuổi mà bệnh ung thư vú xuất hiện nhiều nhất, nếu phát hiện sớm, khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Phụ nữ 40-50 tuổi cần đi khám mỗi năm một lần, trên 50 tuổi 2 năm/lần. Nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì cần kiểm tra sớm hơn.

3. Kiểm tra mật độ xương

Xét nghiệm này thường được thực hiện đối với phụ nữ trên tuổi 40 để kiểm tra xem họ có nguy cơ loãng xương hay không.

4. Nội soi đại tràng (Colonoscopy)

Xét nghiệm này giúp chẩn đoán bệnh ung thư đại trực tràng ngay cả trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và 90% các trường hợp là có thể chữa được. Vì vậy, khi bước sang tuổi 40 bạn rất nên tiến hành nội soi trực tràng và nếu gia đình bạn có tiền sử ung thư đại trực tràng, bạn nên tiến hành xét nghiệm trước 10 năm so với số tuổi phát hiện bệnh của người thân đã bị bệnh trước đó.

5. Xét nghiệm prolactin

Nồng độ hormone prolactin trong máu cao là biểu hiện của một số căn bệnh như vô sinh, bệnh gan và bệnh nhược tuyến giáp. Vì thế bạn nên thực hiện xét nghiệm này hằng năm khi đã bước vào tuổi 40.

Theo Gia đình Việt Nam