Dòng sự kiện:

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có hợp với trẻ em Việt Nam không?

08:23 11/10/2017
Ăn dặm kiểu Nhật có hợp với trẻ em Việt Nam không khi cách nuôi dạy con của người Nhật được coi là tiên tiến và được nhiều bậc làm cha mẹ ở nhiều nước học tập.

Ăn dặm kiểu Nhật là kiểu ăn dặm như thế nào?

Ăn dặm kiểu Nhật có hợp với trẻ em Việt Nam không? Để trả lời câu hỏi này, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ thế nào là ăn dặm kiểu Nhật.

Ăn dặm kiểu nhật là 1 phương pháp ăn dặm tiến bộ và khoa học vì mục tiêu của ăn dặm kiểu Nhật là tập cho bé ăn uống hợp lý, ăn thô tốt và tìm được niềm vui trong ăn uống. Phương pháp này khuyến khích các mẹ dạy cho tự lập trong việc ăn uống sớm như tự cầm muỗng, nĩa tự xúc thức ăn. Cho bé ăn theo nhu cầu chính là mấu chốt quan trọng của phương pháp ăn dặm này.

Quá trình tập ăn của bé bắt đầu khi bé được 5 tháng tuổi và kết thúc khi bé 15 tháng. Bé được ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần, mỗi bước trong khoảng thời gian không quá dài nên bé không bị chán.

 Ăn dặm kiểu Nhật có hợp với trẻ em Việt Nam không là thắc mắc được nhiều người quan tâm (Ảnh minh họa)

Ăn dặm kiểu Nhật có hợp với trẻ em Việt Nam không?

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam do những ưu điểm hợp lý và có cơ sở khoa học. Một số đặc điểm dễ nhận biết nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đó là:

– Cho bé ăn thô đúng thời điểm: Trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Sau này, độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi. Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.

– Ăn riêng từng loại thức ăn: Khác với  ăn dặm truyền thống, một khay thức ăn của trẻ  ăn dặm kiểu Nhật bao giờ cũng đủ ba nhóm thực phẩm: Tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”. Những loại thực phẩm này được chế biến riêng biệt và không trộn lẫn.

– Để trẻ tập ăn nhạt, ăn dò từng loại thực phẩm từ rau củ đến thịt cá để làm quen dần.

– Tinh thần của  ăn dặm kiểu Nhật: Cho bé ăn trên ghế, không ăn rong, bật tivi. Khi trẻ không ăn nữa, tuyệt đối không thúc ép nhồi nhét.

Theo Th.S Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, về cơ bản phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật có nhiều nét tương đồng. Điểm khác biệt là thời gian bắt đầu cho trẻ ăn thô theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sớm hơn so với phương pháp ăn dặm truyền thống. Theo đó, ăn dặm kiểu Nhật bắt đầu cho trẻ ăn cháo hạt khi bé được 7-8 tháng, ăn cơm khi trên 1 tuổi; ăn dặm truyền thống là ăn cháo hạt trên 1 tuổi, ăn cơm trên 2 tuổi.

Theo Th.S Hải nếu mẹ nào cho trẻ thực hiện theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế không phải cứ muốn là có thể áp dụng phương pháp này. Có những trẻ thích ăn thô sớm, có khi chỉ 10 tháng đã muốn ăn cơm nhưng có những trẻ lại không thích ăn thô, đến hơn 1 tuổi vẫn chỉ chịu ăn các thức ăn xay nhuyễn. Gặp phải những trường hợp này, các bà mẹ không thể cứng nhắc áp dụng theo một phương pháp.

“Tôi đã từng gặp có những bà mẹ tập cho ăn dặm kiểu Nhật hàng tháng trời nhưng bé không chịu hợp tác, bé được 9 tháng nhưng không chịu ăn cháo hạt, ăn vào là nôn, chỉ ăn các thức ăn đã được xay”, Th.S Hải chia sẻ.

Mẹ nên nhớ, có rất nhiều kiểu ăn dặm khác nhau, mỗi bé phù hợp với một loại riêng. Mẹ là người giới thiệu phương pháp ăn cho con nhưng chính con mới là người lựa chọn phương pháp ăn phù hợp cho mình. Mẹ đừng nhất nhất phải theo một phương pháp nào mà hãy chiều theo ý con để bữa ăn bớt áp lực và con có thể hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất.

Nguồn: Gia đình Việt Nam