Dòng sự kiện:

Rèn con tự lập theo cách của mẹ nông thôn

19:15 02/03/2016
Ngay từ khi bé Tâm mới 4 tuổi, bố mẹ đã hướng dẫn và làm cùng con những việc như nhặt rau, vo gạo, quét nhà...

Tin liên quan

  • Dạy con các trò chơi tuyệt vời thời thơ ấu, tại sao không?
  • Những truyện đồng thoại hay mẹ dễ dàng dạy con cách tự bảo vệ bản thân
  • Clip bé 3 tuổi đỡ đẻ cho cừu và cách dạy con đáng suy nghĩ của mẹ Anh
  • 9 quy tắc ứng xử nếu không dạy con sẽ rất thiệt thòi
Cuối tuần, chị Thu Hạnh, một nhân viên văn phòng ở Quận Ba Đình, Hà Nội, cùng gia đình về quê chồng ở Thanh Chương, Nghệ An thăm ông bà nội. Sau chuyến đi, chị đã học được từ chị dâu của mình, chị Thắm - một phụ nữ nông thôn, có 2 con, bé Tâm (9 tuổi) và cu Tèo (3 tuổi) cách dạy con khiến chị cảm thấy nể phục. Những chia sẻ sau của chị Hạnh có thể sẽ có ích cho các mẹ thành phố muốn rèn các bé khỏe mạnh, chăm ngoan và trở thành những đứa trẻ sống có trách nhiệm với gia đình.

Khi bố mẹ dậy sớm để đi làm thì các bé nhà chị Thắm cũng đã thức dậy theo. Không khóc lóc, nhõng nhẽo mẹ như trẻ em thành phố, hai bé tự vào nhà vệ sinh, đánh răng, rửa mặt. Sau đó, con chị, bé Tâm vào bếp lấy cơm nguội, xới cho mỗi chị em một bát. Chị Hạnh kể lại chia sẻ của chị Thắm: "Ngay từ nhỏ, chị đã rèn cho các con tự xúc cháo, tự xúc cơm. Lúc đầu còn vụng về, rơi vãi cháo, cơm, chẳng ăn được bao nhiêu. Nhưng rồi lũ trẻ xúc khéo dần lên và giờ bé Tèo còn dùng được cả đũa một cách thành thạo". Bằng tuổi ấy, con chị Hạnh sống ở thành phố, vẫn phải để mẹ bón cho từng thìa mà có lúc cũng không buồn ăn. Xong bữa sáng, bé Tâm lấy xe đạp đèo em đi nhà trẻ rồi mới đến trường học. "Ở quê, vì trường học khá xa nhà nên trẻ con biết đi xe đạp từ sớm và có thể tự đi đến trường mà không cần bố mẹ đưa đón".


Bé Tâm bắt đầu giúp mẹ làm các công việc nhà từ khi 4 tuổi. Ảnh minh họa: T.P

Nói đến việc rèn con giúp bố mẹ làm các công việc nhà, bé Tâm mặc dù mới 9 tuổi nhưng đã đỡ đần mẹ được nhiều việc. "Nó còn 'sai' thằng em làm cùng cho vui", chị Hạnh kể. Ngay từ khi bé Tâm mới 4 tuổi, bố mẹ đã hướng dẫn và làm cùng con những việc như nhặt rau, vo gạo, quét nhà… Lên đến 7 tuổi, bé đã biết nấu cơm, trông em và rửa bát… Nhiều lúc bố mẹ bận rộn với công việc đồng áng, bé Tâm trông em cả ngày, cho em ăn, bế em đi chơi, ru em ngủ và chơi với em. Khi trong nhà có ông bà, cô bác bị ốm đau, bệnh tật, lũ trẻ luôn ý thức giúp mẹ chăm sóc, thăm hỏi họ hàng.

"Bé Tâm biết đút cháo cho cụ bị liệt, cu Tèo biết đắp chăn cho cụ và kể chuyện cho cụ nghe", chị Hạnh chia sẻ. "Muốn con sống có trách nhiệm với mọi người, không ngại khó, mình cần phải làm tấm gương cho con".

Về việc chơi, việc học của các bé ở quê, theo chị Thanh, trẻ con nông thôn mặc dù không có điều kiện học tập, vui chơi hiện đại như trẻ con thành phố nhưng lại có thuận lợi là được gần gũi với thiên nhiên.

"Lũ trẻ nông thôn không sợ các loại côn trùng, biết phân biệt con trâu và con bò chứ không phải như các bạn thành phố đâu", chị Hạnh vừa nói vừa cười. Các bé cháu chị Hạnh còn hay rủ lũ trẻ trong xóm ra bãi đất trống đầu xóm chơi những trò chơi dân dã như đánh bi, đánh đáo, nhảy dây… và rủ nhau đi bắt dế, mò cua.

"Sau những buổi đi chơi như thế, lũ trẻ trở về thường lấm lem bùn đất, bẩn lắm nhưng đổi lại chúng được khám phá và có những kỷ niệm thú vị", chị Hạnh cho biết. Vì vậy, bố mẹ luôn khuyến khích các con tham gia chơi với bạn và không quên nhắc các con cẩn thận.

Trường hợp này, nếu các mẹ sợ các con bị bẩn thì có thể đã bị "tước mất" quyền được khám phá, thỏa mãn trí tò mò. Hơn nữa, việc cho các con chơi với các bạn sẽ giúp con biết sống hòa đồng, biết phối hợp trong hoạt động chung của tập thể. Ngoài ra, việc chơi này cũng chính là những bài học thực tế bổ ích để các con thêm thích thú với học tập ở trường.

Theo Ngôi sao/VNE