Dòng sự kiện:

Sai lầm của cha mẹ khi lấy cân nặng của bé làm thước đo tài nuôi con

Theo PLXH
19:09 18/04/2017
Chỉ vì tâm lý cho rằng bé mũm mĩm mới khỏe mạnh và đáng yêu, chúng ta đã vô tình lấy cân nặng của bé làm thước đo tài nuôi con của các bà mẹ.

Mẹ áp lực vì cân nặng của con

Và để phấn đấu nuôi con giỏi, khỏe mạnh, nhiều người chăm chút, thúc ép con ăn để tăng cân nhanh. Đặc biệt, nhiều bà mẹ cũng đang phải chịu rất nhiều sức ép từ phía gia đình đặc biệt là mẹ chồng khi con nhẹ cân.

Chị Thủy (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) nói: “Mẹ chồng mình rất thích bé nặng cân. Chỉ cần nhìn tháng nào bé lên cân là bà cảm thấy rất vui. Nếu bé chậm lên cân, mẹ mình sẽ bắt đầu lên kế hoạch cho bé nhà mình ăn thật nhiều, hết phomai lại đến bơ. Mà thực chất, bé nhà mình lại thừa cân quá so với tiêu chuẩn.”

Đồng cảnh ngộ với chị Thủy, chị Minh Anh (Đan Phượng, Hà Nội) tâm sự: “Mình gần như khủng hoảng vì cân nặng của con. Bé nhà mình còi, nhỏ và tăng cân chậm nên suốt ngày bị ông bà nội ngoại mắng vì không biết chăm con. Cứ 1 tuần mình cân cho con một lần đến nỗi ngủ mơ cũng ám ảnh vì cân nặng của con.

Đi ra ngoài đường, thấy bé còi là mọi người bắt đầu đổ xô vào nói, “Sao không biết chăm con!”, “Sao chẳng biết nấu à”, “Sữa mẹ hôi à?” mà để con gầy gò ốm yếu thế này.”

Không ít các bà mẹ cảm thấy căng thẳng vì cân nặng của con. (Ảnh: Dân trí).

Đây là tình trạng chung của không ít các bà mẹ Việt. Họ đang phải gánh chịu cái định kiến nặng nề khi đồng nhất con bụ bẫm xinh xắn với tài nuôi con của mẹ.

Trẻ thừa cân dễ mắc bệnh béo phì

Một chuyên gia dinh dưỡng về nhi chia sẻ: “Không thể lấy cân nặng làm thước đo sức khỏe và trí thông minh của trẻ, vì có rất nhiều bạn nhỏ nhẹ cân lại thông minh và ít ốm yếu. Ngược lại các bạn nhỏ béo phì dễ mắc các bệnh khác”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Châu Âu và Mỹ đã chỉ ra rằng, trẻ thừa cân ngay từ những năm mẫu giáo thì khi bước vào độ tuổi dậy thì sẽ dễ mắc bệnh béo phì với nguy cơ cao gấp 4 lần. Các tế bào chất béo trong cơ thể cũng làm gia tăng hóc-môn leptin – nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ. Thừa cân còn làm tăng áp lực lên xương khớp còn non nớt của bé khiến trẻ dễ đau khớp, bàn chân bẹt (lòng bàn chân phẳng lì) khiến bé dễ bị té ngã và gây và gây Nguy cơ ảnh hưởng đến sự điều tiết lượng insulin (loại hóc-môn điều hòa lượng đường huyết) trong cơ thể nên dễ dẫn đến tiểu đường.

Hãy nuôi con theo lối sống lành mạnh. (Ảnh: Dân việt)

Tiến sĩ Eneli, Đại học Emory, Mỹ và cũng là người chuyên nghiên cứu về các vấn đề béo phì ở trẻ em khuyên rằng: “Điều mà tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng bạn hãy nuôi con theo lối sống lành mạnh, hướng dẫn con có thói quen tốt đối với thức ăn và điều quan trọng mà bạn cần ý thức là không bao giờ là quá sớm để hướng dẫn con bạn ăn uống hợp lý, cân bằng và khỏe mạnh”.

Nếu bạn là người ngưỡng mộ và hay tự hỏi vì sao thế hệ trẻ của người Nhật, Hàn Quốc có vóc dáng đẹp, cân đối thì hãy nhìn vào các trường mẫu giáo, tiểu học của các nước này. Trong các lớp học, trẻ em thường có chiều cao và vóc dáng roi roi như nhau và hiếm khi bạn thấy có bé nào thừa cân hoặc béo phì. Đồng thời, việc nuôi con các bố mẹ Hàn và Nhật cũng chú trọng việc vận động của con chứ không chăm chăm vào chuyện thúc ép con ăn để tăng cân.

Bởi vậy, những người chăm sóc trẻ như các mẹ, các bà … cần có cách nhìn đúng đắn hơn về cân nặng và sự tăng cân của trẻ. Hãy luôn duy trì cho trẻ mức cân nặng hợp lý với chiều cao và độ tuổi, thậm chí khi bé nhỏ người nhưng vẫn năng động, khỏe mạnh thì mẹ hay bà cũng không nên quá lo lắng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam