Dòng sự kiện:

Sản phụ 26 tuổi phải cắt cụt tứ chi sau điều trị áp xe tuyến vú gây tắc tia sữa

10:24 10/01/2019
Niềm vui sinh con đầu lòng chưa bao lâu, sản phụ phải nhập viện do áp xe tuyến vú và buộc phải cắt cụt tứ chi.

Đó là tình cảnh của sản phụ Dương Thị Thắm (26 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước), hiện đang điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo Trí thức trẻ, khi con trai được 15 ngày tuổi, chị bị tắc tuyến sữa. Chị được gia đình đưa vào một bệnh viện ở Bình Dương nhưng ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy do tình trạng áp xe ngực nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết.

Niềm vui lấy chồng sinh con đầu lòng chưa được bao lâu thì tai họa ập đến với chị Thắm. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Bác sĩ Huỳnh Minh Triều, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Dương Thị Thắm nhập viện ngày 3/12/2018 trong tình trạng lơ mơ, đang sốc, tình hình nhiễm trùng rất nặng, bị áp xe vú. Bệnh nhân được thở máy, lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực. Đến ngày điều trị thứ 11 thì tay chân có dấu hiệu bầm tím, hoại tử dần dần. Đến ngày 15, khi tình trạng đã quá nặng, các bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt tứ chi, loại bỏ phần hoại tử, dùng thuốc khống chế tình trạng nhiễm trùng.

Theo anh Trần Văn Tài (26 tuổi, quê Bình Dương), chồng chị Thắm, quá trình mang thai của chị diễn ra bình thường cho đến ngày sinh nở. Anh Tài xót xa: “Người khỏe mạnh cắt một chi đã nguy hiểm, Thắm là sản phụ mới sinh, cắt cả tứ chi khó vượt qua được nên gia đình sợ Thắm bị sốc, chưa dám nói đến việc này.

Ai ngờ sau khi tỉnh dậy, Thắm nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào nói “anh hãy làm thủ tục cắt tứ chi cho em đi””. Theo thông tin mà anh Tài cung cấp, đến nay tiền viện phí của vợ anh đã lên đến hơn 400 triệu đồng, vượt khả năng chi trả của gia đình.

Theo BS Lê Ngọc Diệp (Bệnh viện Từ Dũ), áp xe ngực ở phụ nữ mới sinh xuất phát từ việc tắc tuyến sữa vì khi cho bú, nhiều bà mẹ làm không đúng cách để bảo vệ nguồn sữa.

Nguyên tắc khi cho bú là nếu con bú không hết thì mẹ phải vắt hết sữa ra. Nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm là cứ để sữa lại trong ngực cho lần bú sau. Nếu sữa ứ lại trong bầu vú sẽ lắng cặn, làm tắc tuyến sữa, dẫn đến áp xe vú.

Tuy nhiên thông thường, áp xe chỉ gây đau, không thông được tia sữa, mất nguồn sữa. Nặng hơn thì nhiễm trùng chảy mủ chứ hiếm khi nguy hiểm đến mức chết người hay cắt cụt tứ chi.

BS Dung cũng khuyến cáo, để hạn chế các nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch, chị em phụ nữ phải bảo vệ đôi chân, mang vớ chống giãn tĩnh mạch. Nếu có triệu chứng đau nhức chân phải đi siêu âm ngay.

Ngoài ra, phải tránh nguy cơ nhiễm trùng do những nguyên nhân như vệ sinh vùng kín không tốt, từ vết may tầng sinh môn, từ tuyến vú. Sản phụ phải tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, năng vận động đi lại, không nên nằm than vì có thể gây bỏng da, nhiễm trùng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam