Dòng sự kiện:

Sinh con ở Pháp: Vợ chuyển dạ tại nhà, chồng gọi lính cứu hỏa

19:10 24/02/2017
Thay vì gọi xe cấp cứu đưa vợ đến bệnh viện để sinh nở, anh chồng lại gọi lính cứu hỏa.

Chị Trần Thị Hòa có kỷ niệm sinh đáng nhớ trên đất Pháp. (Ảnh: NVCC)

Vợ chuyển dạ tại nhà, chồng gọi lính cứu hỏa

Chị Trần Thị Hòa (hiện sinh sống tại Paris, Pháp) có kỷ niệm sinh nở đáng nhớ và “chằng giống ai”. Được biết chồng chị mang quốc tịch Pháp và bé nhà anh chị gần tròn 1 tuổi. Chị Hòa sinh sớm khoảng 3 tuần so với ngày dự sinh. Chị kể, 10 giờ tối hôm đó đang bình thường thì bị vỗ ối, nước chảy ra không kiểm soát. Chị vừa lo vừa cuống, trong khi đó anh chồng thì bình tĩnh gọi cấp cứu. Cứ tưởng gọi cấp cứu nghĩa là gọi xe cùng các y bác sĩ sản khoa, nhưng lạ lùng thay, anh chồng lại gọi lính cứu hỏa.

Giải thích về điều lạ lùng này, chị Hòa cho biết: Ở Pháp cấp cứu nhanh nhất là mấy anh lính cứu hoả. Bản thân mình lần đầu cũng rất bất ngờ về điều này. Lính cứu hỏa ở đây ngoài chuyên môn chính thì các vấn đề về cấp cứu các anh cũng có thể làm tất. Chuyện đỡ đẻ các anh cũng hoàn toàn có thể làm được”.

Và quả thật đúng như vậy, lính cứu hỏa có mặt ngay tại nhà chị Hòa chỉ sau 2 phút gọi. Trong khi đó chị Hòa vẫn bị chảy nước ối. Anh lính cứu hỏa lên đo huyết áp, nhịp tim và khám tử cung luôn. Sau 30 phút thì chị Hòa được đưa ra xe cấp cứu và chuyển đến bệnh viện đã đăng ký sinh trước đó – bệnh viện Montsouris.

Chị Hòa vỡ ối ngay tại nhà, chồng chị gọi lính cứu hỏa đến giúp đỡ thay vì gọi xe cấp cứu. (Ảnh: NVCC)

Chị Hòa nói mình may mắn vì có chồng là người Pháp, mọi việc tìm thông tin, tham khảo bệnh viện đều do chồng làm. Không giống như ở Việt Nam, ở Pháp phải chọn bệnh viện sinh từ tháng thứ 3 của thai kỳ. Đăng ký sinh ở viện nào thì khám, siêu âm ở đó và lưu hồ sơ đến lúc sinh luôn. Vợ chồng chị Hòa chọn bệnh viện Montsouris vì bệnh viện này nổi tiếng về sản khoa. Chị Hòa cũng có thắc mắc với chồng việc có được da tiếp da và kẹp dây rốn chậm sau sinh không, thì chồng chị nói ở Pháp bệnh viện nào cũng áp dụng nên cứ yên tâm.

Bác sĩ tạo điều kiện tốt nhất cho sản phụ sinh thường

Chị Hòa vào đến bệnh viện là 11 giờ đêm, sau khi kiểm tra tử cung, bác sĩ cho biết tử cung mới mở 1 cm, rồi chị Hòa được chuyển vào phòng kiểm tra nhịp tim cho cả mẹ và thai nhi. Bác sĩ nói chị Hòa đi lên phòng ngủ, sáng mai ăn sáng rồi xuống kiểm tra. 4 giờ sáng hôm sau tử cung mở được 3cm, 11 giờ trưa là 5cm. Chuẩn bị cho ca vượt cạn, bác sĩ nói nếu lo lắng thì bấm chuông, bác sĩ và y tá sẽ đến ngay. Chị Hòa cho biết “cảm giác chuẩn bị sinh nở không sợ như những gì từng đọc được trên mạng, bác sĩ chờ đợi, túc trực, tạo điều kiện cho mình sinh thường, phòng sinh sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt giường sinh có thể điều khiển để nằm ở mọi tư thế”.

Đến hơn 1 giờ chiều, bác sĩ cho biết chị Hòa chuẩn bị sinh, đến 2h30p thì con chị Hòa chào đời. “Lúc đầu mình nghĩ việc sinh con sẽ cần rất nhiều người, thế nhưng ở ca sinh của mình chỉ có mỗi 2 người mà thôi”.

Chị Hòa trong phòng chuẩn bị chờ sinh. (Ảnh: NVCC)
vuot can o phap vo chuyen da tai nha chong goi linh cuu hoa
Bác sĩ ở Pháp có thể chờ đợi, tạo điều kiện cho sản phụ sinh thường. (Ảnh: NVCC)

Khuyến khích sản phụ nuôi con sữa mẹ

Chị Hòa không chỉ ấn tượng về tác phong làm việc nhanh gọn, chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ sản khoa tại đây mà còn thầm cảm ơn họ đã giúp chị phần nào trong việc nuôi con sữa mẹ thành công. Con chị Hòa vừa chào đời thì được da tiếp da với mẹ luôn, được bú sữa non ngay lập tức và chồng chị được tự tay cắt dây rốn cho con.

Bé được da tiếp da với mẹ, bú mẹ rồi sau đó bác sĩ mới đưa bé đi cân đo và làm các công việc vệ sinh khác. (Ảnh: NVCC)

Chị Hòa nói: “Ở Pháp người ta nói những cái gì thuộc về con thì rất thiêng liêng và bố mẹ phải là người đầu tiên được cảm nhận nó. Nên việc sinh xong cắt rốn cho con, hay cho con ti, bố mẹ ôm con, ngay cả tắm cho con lần đầu thì bố mẹ sẽ là người trực tiếp làm. Thế nên bé nhà mình sinh xong được tiếp da, được mẹ ôm ấp, được bú mẹ mãi rồi bác sĩ mới đến cân bé và vệ sinh cho bé. 2 hôm sau thì có y tá đến hướng dẫn cách tắm cho con và mình là người tắm cho con đầu tiên”.

"Ở Pháp người ta nói những cái gì thuộc về con thì rất thiêng liêng và bố mẹ phải là người đầu tiên được cảm nhận nó". (Ảnh: NVCC)

Về chuyện kiêng cữ sau sinh, chị Hòa cho biết bác sĩ nói sinh xong thì nghỉ ngơi, nếu đứng, đi lại bình thường thì có thể tắm gội bình thường. Đồ ăn cho sản phụ do bệnh viện chuẩn bị và ăn đa dạng các món như khi mang bầu, không kiêng gì cả.

Ở viện thì cứ 2 tiếng bác sĩ sẽ đến kiểm tra nhiệt độ cho mẹ và cho con. Và lúc nào cũng tư vấn cách cho con bú như thế nào. Với những mẹ bị tắc tia sữa thì được bác sĩ cho túi đá lạnh để chườm, mát xa ngực dưới vòi nước ấm.

Bé nhà chị Hòa chào đời khỏe mạnh. (Ảnh: NVCC)

Chị Hòa nói thêm “chi phí sinh con ở Pháp và khám chữa bệnh đều do Nhà nước thanh toán. Riêng đặt phòng sau sinh và yêu cầu dịch vụ gì thêm thì sẽ do mình chi trả. Trước đây mình cũng nghe nói dịch vụ an sinh xã hội và y tế của Pháp rất tốt, nhưng không ngờ khi được trải nghiệm thực sự vẫn thấy ấn tượng đến như vậy”.

 Theo PLXH

Nguồn: Gia đình Việt Nam