Dòng sự kiện:

Tại sao trẻ bị cảm lạnh trong mùa nắng nóng?

18:09 01/07/2015
Không chỉ trong mùa đông, mùa hè cũng là thời điểm trẻ hay bị cảm lạnh. Nguyên nhân sâu xa là do bé bị nhiễm lạnh lâu bởi chính thói quen của cha mẹ.

Nhiều người nghĩ trẻ chỉ có thể bị cảm lạnh trong mùa lạnh, khó bị trong mùa nắng nóng. Song thực tế trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao hơn so với bình thường từ 10-15%, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trên báo Gia đình và Xã hội.

Nguyên nhân sâu xa chính là do bé bị nhiễm lạnh lâu, dẫn tới cảm lạnh nhưng bố mẹ không để ý. Đôi khi, chỉ vì những thói quen hết sức đơn giản, cha mẹ cũng có thể gây ra bệnh cảm lạnh của trẻ trong mùa hè.

Xem video:

[mecloud]bMTTXJfrwp[/mecloud]

Các cha mẹ có thể phòng cảm lạnh cho con chỉ bằng cách tránh xa các sai lầm khi chăm con dưới đây.

Cho trẻ uống nhiều nước đá

Không nên cho trẻ ăn nhiều kem trong mùa hè. Ảnh minh họa.

Mùa hè, các bậc cha mẹ thường thích dùng đồ uống có đá, nên cũng cho con uống đồ uống có đá như nước đá, sữa đá, nước hoa quả có đá! Tuy có tác dụng giải tỏa cơn khát nhưng chính những đồ uống này sẽ khiến trẻ bị cảm lạnh và lâu dần sẽ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.

Chưa nói đến đá đã được làm từ nguồn nước không sạch mang cho bạn bao nhiêu trực khuẩn tả, lỵ, bao nhiêu trứng giun sán,...

Máy lạnh để nhiệt độ quá thấp

Mùa hè, trẻ thường phải ở trong phòng điều hòa kín mít không thông gió, ấy là chưa kể chuyện mưa nắng thất thường mùa hè nữa chứ! Đang nóng, người toát mồ hôi, gặp mưa, trẻ có sức đề kháng không khỏe sẽ dễ bị cảm lạnh.

Để điều hóa nhiệt độ quá thấp dễ khiến trẻ bị cảm lạnh. Ảnh minh họa.

Trẻ mặc quần áo quá dày, chất vải không thấm mồ hôi

Nhiều bậc cha mẹ vô tình cho trẻ mặc quần áo quá dày, khi ra mồ hôi nhiều sẽ làm ướt hết áo quần hoặc tã lót khiến mồ hôi không kịp khô, từ đó khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi. Hoặc nếu như quần áo có chất vải không thấm mồ hôi, khiến mô hôi thấm ngược trở lại cũng gây ra những hậu quả tương tự. Nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp xử trí thích đáng thì bệnh tình của trẻ sẽ nặng thêm mà biểu hiện là thân nhiệt tăng cao, ho cũng tăng lên, li bì, khó thở nhiều, liên tục.

Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng và mát, chất vải nhẹ, thấm được mồ hôi để tránh cho trẻ bị cảm lạnh khi thời tiết quá nóng.

Cho trẻ ngủ ở nơi lộng gió

Báo Sức khỏe và đời sống cho hay, ngoài việc để điều hòa nhiệt độ quá lạnh, việc cha mẹ thường sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt hoặc cho trẻ ngủ ở nơi lộng gió để tránh nóng cho con và tránh ra mồ hôi cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, vì quá lạnh, người lớn sợ trẻ lạnh quá lại trùm kín quá mức, nhất là với trẻ sơ sinh, gây đổ mồ hôi và ngấm ngược vào cơ thể, từ đó gây cảm lạnh.

Tắm mát ngay sau khi vừa chạy nhảy, mất nhiều mồ hôi

Khi cho trẻ tắm mát ngay khi vừa chạy nhảy, vận động, cơ thể sẽ bị nóng lạnh đột ngột, rất dễ gây cảm lạnh. Do vậy, khi cơ thể ra nhiều mồ hôi không tắm ngay mà phải ngồi một lúc ở nơi thoáng mát cho ráo mồ hôi mới tắm.

Đi biển, ngâm mình dưới nước lâu

Mùa hè cũng là thời điểm cha mẹ cho con đi biển, đi bơi nhiều. Trẻ thường thích nước nên cha mẹ cho tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước thời gian lâu cũng rất dễ bị cảm lạnh.

Thói quen sử dụng quạt hơi nước, phun sương cũng là nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ. Ảnh minh họa.

Sử dụng quạt hơi nước, phun sương cho trẻ

Một sai lầm lớn của nhiều cha mẹ là mùa hè thường sử dụng quạt hơi nước, phun sương cho trẻ. Hoặc nhiều nhà sử dụng điều hòa nhưng vẫn để thêm một chậu nước trong phòng. Điều này rất nguy hiểm vì đang nóng lại cho hơi nước vào, hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.

Sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời

Với những trẻ di chuyển bằng ôtô đường dài có điều hòa cũng cần phải lưu ý vì có thể cảm lạnh do thay đổi đột ngột nhiệt độ khi xuống xe. Khi lên xe cha mẹ không nên bật nút điều hòa ở chỗ ngồi lạnh luôn mà cần bật lạnh vừa phải, khi xe chạy một lúc thì tăng nhiệt độ. Trước khi xuống xe cần giảm nhiệt độ trước đó vài cây số để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong xe.

MẠC NHIÊN (Tổng hợp) Theo ĐSPL