Dòng sự kiện:

Tâm sự có thật của một bố đơn thân từ 20 tuổi

17:16 21/06/2016
Tôi nhớ rõ hôm đó là tối ngày 5/7/2011, trời nóng như đổ lửa. Thảo xin tôi 2 nghìn đồng nói ra đầu ngõ mua đá về uống nước, rồi cô đi mất luôn. Tôi bắt đầu làm bố đơn thân từ đó.

 

 

 

 

 

 

 

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Hải Đăng (25 tuổi, TPHCM) về quãng thời gian 5 năm một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi con trai lúc anh mới 20 tuổi. Phải lo một đứa trẻ khi tuổi đời còn quá trẻ, lại không được gia đình ủng hộ, anh Đăng đã phải bỏ học để đi làm. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, anh nói mình không thấy hối hận. 

“Năm tôi 20 tuổi thì Thảo, người yêu của tôi, 19 tuổi, sinh bé Tuấn. Chuyện của chúng tôi bị cả hai gia đình phản đối nên suốt thời gian mang thai, Thảo ăn uống rất thiếu thốn, cũng không được uống sữa bồi bổ như những bà bầu khác. Vậy mà trộm vía, con trai tôi sinh ra được 3,4 kg, cứng cáp, bụ bẫm, khỏe mạnh.

Đón hai mẹ con về căn phòng trọ tồi tàn, tôi thấy ngập tràn niềm vui. Nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh chóng, thay vào là sự chán nản, sợ hãi. Nuôi một đứa trẻ không hề đơn giản: tiền bỉm sữa, tiền quần áo, tiền khám bệnh.... Trong khi đó, tiền kiếm được mỗi tháng của tôi chỉ vỏn vẹn được 2 triệu.

Ảnh minh hoạ.

Để tiết kiệm khoản tiền thuê nhà hàng tháng, tôi xin được ở nhờ dưới gầm cầu thang của một chung cư cũ, dù gì cũng chỉ cần chỗ chui ra, chui vào. Hàng ngày tôi đi làm, Thảo ở nhà trông con.

Có những ngày tôi chỉ ăn 3 chiếc bánh mì, Thảo ăn 10 nghìn thịt kèm rau cùng chút cơm, con trai uống sữa pha cực loãng để tiết kiệm nên cháu còi cọc, mắc đủ thứ bệnh về đường ruột. Sau tôi xin đi phụ việc thêm ở quán ăn, cuối ngày xin được đồ thừa nên đỡ hơn. Dù vậy, cuộc sống khi ấy vẫn thực sự khổ, có lúc tôi chỉ muốn bỏ trốn. Nhưng Thảo đã làm chuyện đó trước.

Tôi nhớ rõ hôm đó là tối ngày 5/7/2011, trời nóng như đổ lửa. Thảo xin tôi 2 nghìn đồng nói ra đầu ngõ mua đá về uống nước, rồi cô đi mất luôn. Tôi bắt đầu làm bố đơn thân từ đó.

Không thể vừa đi làm, vừa trông con nên tôi đưa cháu về quê, tính gửi má chăm sóc giúp. Thế nhưng, nhà tôi kiên quyết không nhận cháu. Má muốn tôi cho con rồi đi học trở lại. Tôi không đồng ý nên ba má đuổi khỏi nhà. Bế con bắt chuyến xe đêm lên Sài Gòn, tôi thấy tương lai của hai cha con mờ mịt như quang cảnh phía bên ngoài.

Nhưng trời sinh voi, trời sinh cỏ, trời không tiệt đường sống của ai bao giờ. Sau một tuần ròng rã bế con đi xin việc, cuối cùng tôi được một ông chủ tiệm karaoke nhận vào làm. May mắn hơn, ông chủ cho bố con tôi ăn ngủ tại quán để trông coi luôn.

Hàng ngày, khi tôi làm việc thì con trai được vợ ông chủ bế trông hộ. Đây là hai người tôi mang ơn suốt cuộc đời này. Nhờ họ, hai ba con tôi đã đi qua giai đoạn khủng khiếp nhất, tôi còn được tạo điều kiện đi học nghề sửa chữa để có “cần câu cơm”.

Khi con trai bốn tuổi, tôi bắt đầu đi làm thuê ở các tiệm sửa tivi, máy tính, đồ điện để lấy thêm kinh nghiệm. Tiền kiếm được ít nên tôi không cho con đi học. Biết vậy là thiệt thòi cho thằng bé nhưng đâu còn cách nào khác. Hàng ngày, khi tôi làm việc thì con trai ngồi chơi một góc. Đồ chơi từ bé tới lúc đó của cháu chỉ là con ngựa gỗ mà bà chủ quán karaoke cho. Nó chơi hoài mà không chán. Có lẽ cháu cũng biết mình là con nhà nghèo nên không bao giờ đòi hỏi điều gì.

Đi làm đến 5h chiều thì được nghỉ, đưa con về ăn uống, tắm rửa, đến 8h tối, tôi lại bế cháu đến quán nhậu đêm. Tôi làm phục vụ tại đây, đến 2h sáng thì tan ca. Con trai ngủ ở góc quán, khi xong việc thì tôi bế về.

Trong suốt bốn năm đó, ba má không một lần liên lạc xem tôi sống ra sao. Lòng dạ hai người sắt đá đến kì lạ. Thi thoảng tôi có nhớ đến Thảo, không biết cô sống ra sao sau ngày bỏ con mà đi như vậy. Cho đến sinh nhật con lần thứ 5 thì Thảo đột ngột xuất hiện.

Sau ngày đó, Thảo đến liên tục, mang theo nhiều đồ chơi, quần áo. Tuấn rất quấn Thảo, nó gọi Thảo là má chỉ sau ba lần gặp. Hai tuần sau đó, Thảo đề nghị tôi cho cô nuôi con. “Điều kiện của em tốt hơn. Thằng bé sắp đi học lớp 1 rồi, ở với anh, không biết có đi học nổi không...”, cô bỏ lửng câu nói.

Tôi trả lời không ngay lập tức nhưng về nghĩ lại, tôi lại phân vân. Tôi không muốn xa con nhưng ở với tôi, chắc chắn cháu sẽ khổ còn ở với Thảo, cháu sẽ được lo cho đầy đủ, ăn học tử tế. Thảo là con nhà giàu nên chắc chắn cô làm được điều cô nói.

Mấy ngày nay tôi cứ nghĩ mãi, liệu có nên giao con cho Thảo? Sống cảnh không có tiền khốn khổ vô cùng, con trai tôi từ nhỏ tới giờ đã quá khổ rồi. Có lẽ đã đến lúc cho cháu một cuộc sống tốt hơn...

Nguyễn Hải Đăng (TPHCM)/ Theo Phụ nữ TP HCM