Dòng sự kiện:

Tâm sự của mẹ Việt “không bao giờ giám sát con học”

20:00 10/02/2016
Chị Vũ Thu Hương là tiến sĩ, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tự nhận mình có kiểu dạy con “đặc biệt”, đó là “không bao giờ giám sát con học”.

 

Chị thừa nhận rằng, con gái chị không may mắn vì chị “cực kì yếu ớt, bệnh tật đầy mình”. Chị cho rằng, điều đó là thiệt thòi cực lớn của con gái chị, nhưng đó lại là một lí do để chị dạy con đặc biệt, riêng chuyện học hành, chị lựa chọn cho con những thứ mà hầu như không ai lựa cả.

Chị chia sẻ cách dạy con học đặc biệt của mình:

Đang ở Đức, visa vẫn còn hạn, còn có khả năng kéo dài thoải mái, tớ cho con về Việt Nam năm 6 tuổi, cái tuổi chuẩn bị đi học tiểu học. Lý do đơn giản: Con là người Việt, con cần phải học tiếng Việt, văn hóa Việt vì theo tớ, đó là gốc của con người.

Mùng 1/9/2006 cả nhà về đến VN thì mùng 3/9 cháu đi khai giảng và mùng 5/9 cháu vào lớp học bài đầu tiên (Trường cháu là dân lập nên khai giảng chệch ngày). Vào lớp, tiếng Việt còn không sõi, cháu bắt đầu từ đầu khi các bạn khác đã học trước khá nhiều. Đã vậy, tớ ko cho cô giáo giao bài tập cho con. Tớ làm đủ cách và cuối cùng cô cũng phải chấp nhận là riêng cháu sẽ không có bài tập về nhà mà chỉ có bài tập cuối tuần”.

Không quan tâm đến điểm số, tớ chỉ tập trung dạy con tự giác dạy sớm, chuẩn bị mọi thứ để đi học. Tớ dạy con trách nhiệm đi học. Câu cửa miệng tớ nói với nó là “Việc học là việc của con, không phải của mẹ”. Là giảng viên đại học, tớ đủ sức dạy con rất nhiều kiến thức nhưng từ lớp 1 cho đến nay, tớ chưa bao giờ giảng cho con 1 câu nào. Điều tớ muốn là con phải tự tìm hiểu kiến thức qua trường lớp, sách vở và cô giáo nói là đúng, con phải nghe cô.

Tớ đã dạy để cháu tự giác mở sách ra làm bài tập cuối tuần không cần nhắc nhở. Nhiều hôm cháu quên, cháu còn tự thức dậy lúc 5h sáng để làm cho xong.

Điểm số của con, lời cô giáo chê bai con... tớ biết nhưng bỏ ngoài tai. Tớ không bao giờ chuẩn bị đồ dùng cho con, không mặc quần áo hay đút cơm cho con khi con đã quá tuổi lên 5. Thậm chí, tớ không chải đầu cho con từ lúc đó. Chuyện con tớ có mái tóc bê bết và rối bù lúc tiểu học không còn là việc xa lạ nữa. Nhưng dần dần, cô gái của tớ biết mọi thứ việc.

Lớp 3, tớ chuyển con từ trường dân lập sang công lập. Tớ muốn con va chạm nhiều hơn để sống tốt trong 1 tập thể lớn hơn. Khi lớp kia đang là học sinh giỏi nhất, chuyển sang lớp đông hơn, con sẽ phải tự chiến đấu khá nhiều. Tự dưng chui vào 1 lớp đông gấp 3, 4 lần lớp cũ, cô giáo xa cách và đầu gấu hơn, bạn bè ghê gớm, thích bắt nạt, con tớ khóc ròng rã. Thuê nhà gần trường, tớ để con tự đi bộ đến trường. Mấy ngày đầu con ko chịu đi học, tớ thuê 1 bạn sinh viên hàng ngày đến đưa con đi học và giao hẹn “bao giờ con tự đi được thì mẹ cho chị ấy nghỉ”. Hết 1 tháng, con tự xin mẹ cho chị sinh viên kia nghỉ vì con đã đi học 1 mình được rồi. Và con tớ bắt đầu sự học độc lập từ lúc đó.

Lên cấp 2, tớ chọn cho con trường gần nhà. Vẫn không bao giờ mắng mỏ vụ điểm cao thấp, tớ chỉ mắng khi con không hoàn thành bài tập cô giao, không chỉn chu sách vở... Con gái tớ được đánh giá là 1 bé có tố chất nhưng tớ cũng không hướng con theo chuyên chọn. Tớ đã thấy sự học lệch nghiêm trọng trong các lớp này. Vì thế, mặc dù con muốn theo lớp chuyên nhưng tớ vẫn hướng con về trường gần nhà.

Năm nay con thi lên 10, tớ vẫn yêu cầu con (từ nhỏ đến lớn và mãi sau này), đã thi cử là học nghiêm chỉnh, học đủ, không học tủ, không bỏ môn phụ và tuyệt đối không quay cóp. Đến giờ, cháu nhà tớ vẫn tự hào là đứa duy nhất trong lớp không quay cóp kể cả môn Giáo dục công dân.

Hôm qua, con bảo tớ: “Mẹ ơi, mẹ có buồn khi điểm thi của con không cao lắm không?”, tớ đã trả lời con thế này:

- Mẹ tự hào vì con học đều, không quay cóp, không học tủ. Mẹ tự hào vì lượng kiến thức con có trong đầu. Mẹ chưa bao giờ và mãi mãi ko coi trọng điểm số. Con không học ôn luyện, không học tủ, mà con được điểm thế này là đã xứng đáng được thưởng rồi.

Cháu nhà tớ sau khi thi xong là đi làm thêm ngay, học từ sự vất vả trong cuộc sống. Cháu trưởng thành và ngoan ngoãn là mục tiêu của tớ. Điều tớ hài lòng nhất là cháu học thực sự đều và kiến thức nằm trong đầu chứ không phải học để thi. Chính vì vậy, cháu hiện giờ đã có thể gia sư cho các em học lớp 9 (mặc dù vừa học xong lớp 9 cách đây vài tháng) mà học sinh có vẻ thích, phụ huynh cũng khá hài lòng.

Tuy nhiên, cũng không phải là tớ không chạnh lòng khi đọc những bài viết khoe điểm của con. (Tớ là con người mà, tớ cũng biết buồn và tự ái chứ). Cũng có nhiều lần, tớ bị mọi người xung quanh trách vì đã không cho cháu theo lớp luyện, không cho cháu học tủ, học thuộc đáp án, không cho cháu học lệch để dành thời gian cho môn thi. Nhưng tớ đã quyết và tớ sẽ theo đến cùng mục tiêu: “Dạy con học sống tốt, hi sinh hoàn toàn sự sĩ diện của bản thân”. Và tớ hi vọng con tớ sẽ cảm ơn mẹ nó sau này.

Anh Tuấn

Nguồn: Gia đình Việt Nam