Dòng sự kiện:

Tắt chuông báo thức ngủ tiếp rất nguy hại cho não

Theo Một Thế giới
13:06 21/09/2017
Thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh.

Giáo sư Matthew Walker – nhà thần kinh học, Giám đốc Trung tâm Khoa học về giấc ngủ tại Trường đại học Califonia (Mỹ) cho biết, thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh.

Là một nhà thần kinh học và cũng là chuyên gia về giấc ngủ, TS Matthew cho biết, hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ 8 giờ một đêm là điều kiện cần thiết để tái tạo và phát triển lượng tế bào khỏe mạnh ở một người lớn. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là khoảng 39% người lớn ở Anh tiết lộ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày.

Trong khi các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, ngủ ít hơn 6-7 tiếng mỗi ngày có liên quan đến các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh lo lắng, trầm cảm, đột quỵ và đau mãn tính. Bên cạnh đó, thiếu ngủ có thể phá hủy hệ sinh lý của cơ thể, dẫn đến ung thư, tiểu đường, vô sinh và béo phì.

Đồng quan điểm với điều này, bác sĩ Rafael Pelayo, một chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Giấc ngủ thuộc Đại học Stanford (Anh) đã từng nói: Cơ thể bạn có nhiều cơ chế để chuẩn bị cho bạn thức dậy và ngủ lại. Một trong những cơ chế đó hướng vào nhiệt độ cơ thể của bạn, làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo và ít buồn ngủ hơn. Điều này bắt đầu khoảng 2 giờ trước khi cơ thể cảm thấy sẵn sàng để thức dậy.

Nếu như bạn chưa ngủ đủ giấc, tiếng chuông báo thức reo khi bạn đang trong giấc ngủ sâu, bạn sẽ cảm thấy phòng lạnh hơn và hơi nhức đầu khi thức dậy.

Ngoài ra, khi chúng ta đang ngủ và bị đánh thức bằng tiếng chuông đồng hồ, tất cả các cơ quan trong cơ thể sẽ được đánh thức và hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng ta tắt đi và ngủ tiếp, hệ tuần hoàn và thần kinh lại đi vào chệ độ "nghỉ" và giảm hoạt động.

Khi tiếng chuông báo thức lặp lại sau 1 thời gian ngắn, điều đó đồng nghĩa với việc hệ tuần hoàn và hệ thần kinh bị tác động liên tục, chúng phải thay đổi liên tục từ trạng thái nghỉ sang làm việc rồi nghỉ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Việc thay đổi liên tục và lặp đi lặp lại này nhiều lần sẽ gây tác động xấu đến 2 cơ quan này.

Do vậy, TS Matthew cảnh báo, nếu bạn đang có thói quen đặt đồng hồ báo thức ở nhiều khung giờ liên tục, hay bỏ ngay thói quen này và chỉ đặt ở 1 thời điểm nhất định để rèn thói quen dậy sớm.

 Nguồn: Gia đình Việt Nam