Dòng sự kiện:

Tết đến, chị em đau đầu tính toán khoản tiền lì xì

19:22 27/01/2017
Cứ mỗi dịp Tết đến, ngoài nỗi lo chuẩn bị đồ trang hoàng nhà cửa, cúng lễ, biếu Tết nội ngoại, khoản chi cho những phong bao lì xì cũng khiến chị em "oải" không kém.

Đau đầu cân nhắc tiền lì xì năm mới

Lì xì năm mới cho trẻ nhỏ, người già vốn là một phong tục lâu đời của người dân Việt. Tết đến, hầu như gia chủ nào cũng chuẩn bị một khoản tiền nho nhỏ đựng trong phong bao màu đỏ, mang ý đem lại may mắn, an lành cho người nhận.

Ngày đầu tiên của năm mới, khỏi phải nói niềm hân hoan thể hiện rõ trên gương mặt trẻ nhỏ khi các em được người lớn mừng tuổi kèm theo những lời chúc chân thành. Người già cũng móm mém nụ cười hạnh phúc khi được cháu con quan tâm, chăm sóc.

Với ý nghĩa như vậy, khoản tiền bỏ trong phong bao lì xì chỉ mang tính tượng trưng, không phân biệt nhiều ít. Nhưng cùng với thời gian, khi cuộc sống có phần đủ đầy, thoải mái hơn thì một phong tục đẹp lại dần trở thành… gánh nặng. Đặc biệt, với những chị em phụ nữ, vốn chủ yếu là người đảm trách việc hậu phương, việc đối nội, tính toán khoản tiền chi khoản lì xì năm mới cũng nằm trong danh sách những việc khó và dễ gây nản nhất dịp Tết đến xuân về.

Chị Thu Minh, 27 tuổi (Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Nhà hai vợ chồng công chức nhà nước, lương thưởng cuối năm cũng không nhiều nhặn gì. Sắm Tết cũng đã tốn một khoản kha khá rồi. Vậy mà còn phải lo chuẩn bị tiền lì xì nữa. Trước thì 1.000, 2.000 đồng là đủ. Nhưng giờ làm gì còn những phong bao lì xì mệnh giá nhỏ như thế. Bèo cũng phải 20.000 trở lên. Chưa kể, con cháu trong nhà, trong họ. Con sếp thì khoản mừng còn phải lớn hơn nữa”.

Quả thực, đã qua lâu rồi thời mà những tờ tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Ngày nay, chị em còn phải tính toán sao cho khi mừng tuổi, không nhận được cái nhăn mặt của trẻ vì “chê tiền lì xì ít quá” hay khoản tiền phải có giá trị phù hợp với từng loại đối tượng quan hệ thân sơ.

Chị Nguyễn Hoa, nhân viên một công ty dược ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Trung bình mỗi Tết, nhà mình cũng tiêu tốn cả chục triệu cho khoản lì xì. Bố mẹ hai bên, vợ chồng mình mừng tuổi các cụ 500.000 đồng. Vậy là tổng cộng 2 triệu. Cháu ruột trong nhà, cũng phải tới chục đứa, mỗi cháu ít nhất 100.000 đồng. Như vậy cũng tốn gần 1 triệu. Rồi còn bao nhiêu cháu trong họ, cả hai bên nội ngoại. Chưa kể con của nhóm bạn chơi thân, cũng đâu thể úi xùi quá được. Trường hợp có ai mừng tuổi con mình nhiều hơn, mình lại cũng phải tính toán lại để mừng “đáp” sao cho đúng bằng như thế mới đỡ áy náy”.

Chị Hải Yến, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Định Công (Hoàng Mai) thì cho biết, cách Tết 1 tháng, chị đã phải đánh tiếng cho mấy mối quen biết làm bên ngân hàng, để nhờ họ đổi cho tiền lẻ dùng lì xì đầu năm.

“Đổi tiền đâu có dễ gì. Tiền mừng tuổi mà cũ, nhàu cũng ngại lắm. Thành ra, tôi phải liên hệ với mối quen, nhờ đổi tiền mới, nhất là tiền có mệnh giá 10.000 đồng. Lì xì giờ thấp nhất cũng phải 10.000 đồng rồi. Mà năm nay khan tiền mệnh giá 10.000 mới lắm. Có khi khoản chi cho lì xì năm nay của nhà tôi lại vượt kế hoạch mất thôi”, chị Hoa kêu ca.

Chị em đau đầu tính toán khoản tiền lì xì đầu năm mới

Tính toán tiền mừng tuổi thế nào cho hợp lý?

Dù biết là rất khó nhưng để tránh áp lực không đáng có khi dự trù khoản lì xì đầu năm, chị em nên quán triệt quan điểm: Mừng tuổi là để lấy may nên cố gắng đừng đặt nặng giá trị khoản tiền.

Chị Hoài ở Văn Quán (Hà Đông) chia sẻ: “Năm nay kinh tế khó khăn, vợ chồng mình đã thống nhất là mừng tuổi cháu trong nhà 50.000/cháu, còn cháu trong họ thì đồng loạt 10.000 thôi. Có bị chê “bèo” hay sao đó thì cũng đành chịu thôi. Đâu thể cứ vì sĩ diện, mừng tuổi mạnh tay rồi ra sau Tết, lại méo mặt vì không có tiền chi tiêu”.

Trên mạng, chị em cũng bày nhau mẹo để tránh tình huống ngại ngùng khi mừng tuổi khoản tiền được xem là… hơi ít. Một độc giả tên Hoài Thương chia sẻ: “Nhà mình mấy năm nay rồi đều dùng “chiêu” phát lì xì theo kiểu quay xổ số. Mình bỏ tới 90% trong số các phong bao 10.000 thôi, chỉ vài phong bao có mệnh giá 20.000, 50.000. Sau đó, kêu bọn trẻ bốc thăm xem trúng được phong bao nào thì trúng. Tất nhiên, sẽ kèm thêm lời chúc người nhận có được may mắn gấp cả nghìn lần như vậy”.

Còn một cách khác có thể áp dụng trong trường hợp chị em nào kinh tế năm qua quá chật vật, là thay tiền bằng bánh kẹo và cũng để trong bao lì xì. Đó cũng là một cách để tiết kiệm khoản chi không thể không có này.

Không chọn những cách trên, chị Hoàng ở Hà Đông đang nỗ lực đưa tục lì xì trở về với ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó: "Mình thường trò chuyện, giải thích ngay cho chính con mình, cháu mình về ý nghĩa thực sự của tục lì xì năm mới. Mình mong muốn, những chuyện đau đầu vì lì xì sẽ dần bớt đi, sẽ không còn làm mất đi giá trị thiêng liêng của những ngày Tết cổ truyền nữa".  

Theo Emdep

Nguồn: Gia đình Việt Nam