Dòng sự kiện:

Thêm cơ hội cho trẻ kém may mắn phải ra đời sớm khi cơ thể chưa sẵn sàng

Theo GDTĐ
10:17 26/01/2018
Rất nhiều bà mẹ trải qua bao khó khăn, vất vả trong 9 tháng 10 ngày để mong có đứa con khỏe mạnh. Nhưng trong cuộc sống, không phải người mẹ, em bé nào cũng thuận theo tự nhiên. Có những trẻ kém may mắn vì lý do nào đó phải ra đời sớm cho dù cơ thể chưa sẵn sàng...

Cú sốc đầu đời

Việc thay đổi môi trường sống từ trong bụng mẹ ra ngoài thực sự là cú sốc lớn với trẻ sinh thường hay mổ đẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây là cú sốc đầu đời trong hành trình lớn lên mà bất kỳ trẻ nào cũng phải trải qua. Nhưng trong hành trình ấy, nếu trẻ được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt, nhận được sự chăm sóc, âu yếm của mẹ thì chúng sẽ dễ dàng vượt qua hơn những trẻ khác.

Tương tự, với người mẹ, việc sinh con cũng là cú sốc. Dù sinh thường hay sinh mổ, người mẹ đều trải qua đau đớn. Lúc này, sự quan tâm của người thân, đặc biệt là được nhìn thấy bé, được ôm bé vào lòng, dường như mọi nỗi sợ, những đau đớn như tan biến.

Làm thế nào để mẹ và bé vượt qua cú sốc dễ dàng. Từ năm 1974, bác sĩ sản khoa người Pháp đã đề xuất nhiều biện pháp giúp quá trình sinh nở của người mẹ trở nên nhẹ nhàng. Trong số những đề xuất như tập làm quen trước đó, nhờ sự hỗ trợ của y bác sĩ, thuốc thì việc đặt bé sơ sinh da kề da trên bụng mẹ được khẳng định có ích trong việc giảm cơn đau.

Từ đó đến nay, phương pháp trên liên tục lan rộng ra các nước. Theo đó, phần lớn các cơ sở y tế cho bé tiếp xúc với mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh (sinh thường) và sau 2 giờ với trường hợp sinh mổ và không có biến chứng.

Trao cơ hội ngay từ lúc mới sinh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Bằng chứng khoa học đều khẳng định tiếp xúc da kề da là cách tuyệt vời, đơn giản nhất để mẹ sớm phục hồi sức khỏe sau sinh và con cũng dễ dàng làm quen với môi trường mới.

Phương pháp da kề da đặc biệt quan trọng với những trẻ sinh non, nhẹ cân khi sinh. Đây là lý do phương pháp trên lan rộng về cơ sở y tế tuyến tỉnh. Bác sĩ Đỗ Văn Thinh, khoa Sản đẻ (Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh), bệnh viện đã áp dụng phương pháp trên với tất cả trẻ sau sinh (trừ trẻ có yêu cầu cách ly). Theo đó, trẻ được tiếp xúc với mẹ sớm nhất có thể.

Qua theo dõi cho thấy, những trẻ được tiếp xúc với mẹ sớm ít khóc, nhịp tim ổn định hơn, hơi thở đều đặn, thân nhiệt ổn định và đặc biệt hệ tiêu hóa được kích hoạt sớm. Phần lớn trẻ được nằm trong lòng mẹ đều chủ động tìm nguồn thức ăn và có thể bú được một vài phút.

Ngoài ra, những trẻ này cũng thường ngủ ngon, ngủ sâu hơn và có sức đề kháng tốt hơn do được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi từ cơ thể mẹ. Những bà mẹ được ôm con sớm cũng thường có tâm lý thoải mái, giảm đau, nhanh tiết sữa và co tử cung tốt hơn.

Ngoài việc cho trẻ trở về nơi bình yên, ấm áp nhất sau khi chào đời. Hiện nhiều cơ sở y tế còn áp dụng việc cắt dây rốn chậm. Như vậy, thay vì trẻ được kẹp và cắt dây rốn ngay từ lúc được lấy ra hoặc chui ra khỏi bụng mẹ như trước kia sẽ được chờ từ 1 - 3 phút.

Việc làm này được chứng minh sẽ giúp trẻ nhận đầy đủ các tế bào gốc tự nhiên do mẹ truyền sang, giúp trẻ có đủ lượng máu trong giây phút đầu sau sinh qua dây rốn.

Với trẻ sinh thiếu tháng hay nhẹ cân, việc làm trên càng quan trọng bởi có thể giúp bé giảm nguy cơ chảy máu não, tổn thương ruột. Nói vậy để thấy rằng chỉ một việc làm đơn giản của nhân viên y tế đã có thể đem lại nhiều cơ hội cho trẻ về phát triển thể chất cũng như trí não ngay từ khi sinh ra.

Ở nước ta, việc cho mẹ ôm bé ngay sau sinh chủ yếu được thực hiện ở cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài. Từ năm 2014, Bộ Y tế chính thức có hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, trong đó có đề cập đến phương pháp tiếp xúc da kề da. Lúc đầu, chỉ một số bệnh viện sản - nhi thực hiện sau nhân rộng ra cả nước thông qua chiến dịch Cái ôm đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của nhiều bà mẹ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam