Dòng sự kiện:

Thói quen khi ăn chắc chắn gây ung thư nhưng người Việt vẫn vô tư dùng

Theo Khoevadep
09:02 20/06/2017
Thói quen khi ăn chắc chắn gây ung thư nhưng người Việt vẫn vô tư dùng - cần biết rõ để tránh ngay kẻo hối hận thì muộn.

Ăn thực phẩm mốc: rước bệnh cho gan

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Nhiều bệnh nhân thắc mắc mình không hút thuốc, không uống rượu, gia đình không có tiền sử về bệnh viêm gan do virus, vậy tại sao có thể gây ung thư gan. Chỉ đến khi bác sĩ hỏi về việc ăn uống, bệnh nhân mới kể lại rằng do thói quen khi ở nhà có gạo bị mốc hay đồ khô bị lên men vẫn đem rửa sạch và nấu ăn bình thường mà không hề hay biết điều đó có thể gây ung thư.

Không chỉ có gạo mà các loại thực phẩm: đậu, bắp, hạt hướng dương, tôm khô, mực khô, trái cây khô… nếu quá trình chế biến bảo quản và vận chuyển không đúng cách cũng rất dễ phát sinh nấm mốc.

Ngoài ra nhiều chị em có sở thích sử dụng đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn được đóng gói nhưng không để ý thời gian sử dụng. Khi có nhu cầu dùng đến thì thức ăn đã quá hạn, bỏ thì tiếc nên vẫn cố gắng chế biến lại.

Thực tế ngay cả khi thức ăn được đóng hộp và để trong tủ lạnh thì vi khuẩn vẫn có thể phát triển, vì vậy với những thức ăn quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu thì nên vứt bỏ do thức ăn khi bị nhiễm nấm sẽ tiết ra độc tố Aflatoxin – đây là loại độc tố rất mạnh.

Nếu chẳng may ăn phải các loại thực phẩm này, dù chỉ với một liều lượng rất nhỏ, Aflaxtoxin cũng đã có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.

Nếu người đang bị viêm gan B mà ăn phải nấm mốc có chứa Aflatoxin thì nguy cơ ung thư sẽ tăng cao 60 lần so với nguời chỉ nhiễm viêm gan B.

Độc tố trong thực phẩm bị nấm mốc có thể gây trụy tim

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng 50 loài nấm mốc và khoảng 100 loại độc tố do nấm mốc sinh ra, trong đó có khoảng 20 loài độc tố có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người và động vật khi sử dụng nông sản bị nấm mốc gây hại. Ví dụ như loài nấm mốc Aspergillus flavus gây hại trên lạc sinh ra độc tố Aflatoxin rất độc với gan và thận; loài nấm mốc Penicillium expansum gây hại trên hạt đậu tương sinh ra độc tố Citrinin độc với thận; loài nấm mốc Aspergillus candidus phát triển trên lúa gạo và ngô sinh ra độc tố Dicatocypenol độc niêm mạc dạ dày và có thể gây trụy tim....

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do nấm mốc

Với phương pháp bảo quản thủ công của người dân như bao bì, chum vại, hòm…thì biện pháp phơi, sấy khô nông sản trước khi bảo quản đạt tới độ ẩm an toàn từ 13 -15% (tuỳ loại nông sản) có tác dụng quyết định trong công tác phòng chống nấm mốc. Cần tách riêng các hạt bị dập nát, sâu bệnh và bị tổn thương cơ giới khác ra khỏi lô nông sản trước khi bảo quản.

Với những kho kín và hiện đại có thể điều chỉnh nồng độ khí C02 (khí các bon níc), khí ô zôn và NH3 (khí amoniac), điều chỉnh ẩm độ không khí trong kho ở mức thấp…tuỳ theo loại nông sản để ức chế quá trình phát triển của nấm mốc và độc tố do nấm mốc sinh ra.

Nguồn: Gia đình Việt Nam