Dòng sự kiện:

Thóp của trẻ sơ sinh lõm sâu hay đầy đặn đều đáng lo!

Theo MarryBaby
20:36 17/05/2018
Tuy chỉ là một phần nhỏ bé trên cơ thể, phần thóp của trẻ sơ sinh lại khiến các mẹ hết sức lưu tâm, thậm chí lo lắng. Thực tế, thóp cần được bảo vệ tới mức nào? Có thể nhận biết sức khỏe của bé bằng cách quan sát thóp không?

Ngay sau khi sinh, mẹ sẽ nhận thấy thóp trẻ sơ sinh có 2 thóp trước và sau. Thóp trước nằm giữa xương trán và xương đỉnh đầu. Thóp sau nằm giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm.

Khi chạm vào thóp, mẹ có thể thấy những vùng này mềm mại, không cứng như các xương sọ xung quanh. Khi bé thở hay khóc to, mẹ cũng có thể thấy thóp phập phồng theo các mức độ khác nhau.

Thóp của trẻ sơ sinh 2

Thóp trước của bé có hình bình hành, kích thước khoảng 2,5cm x 2,5cm

Tác dụng của thóp

Hẳn mẹ sẽ thắc mắc tại sao trên đầu bé lại có những phần thóp này, thay vì một hộp sọ khép kín như người trưởng thành. Sở dĩ hộp sọ của bé được cấu tạo với các mô và  thóp kết nối giữa các xương là để bảo vệ bộ não trước áp suất bên ngoài. Điều này đặc biệt hữu ích khi bé được sinh qua ngả âm đạo.

Điểm đáng lưu tâm ở đây là nếu thóp trước của bé chưa tới thời gian khép mà đày đầy hoặc phồng lên. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm cho thấy áp suất trong não bé tăng lên cao. Có thể bé bị huyết áp nhưng phần lớn đều nặng và mắc bệnh hiểm nghèo như viêm màng não, não úng thủy …

Thời điểm thóp đóng lại

Thông thường, bạn khó có thể xác định được thóp sau của bé vì nó nhỏ hơn thóp trước và sẽ đóng lại trong khoảng 6 tuần sau khi sinh. Thời gian thóp sau khép kín hoàn toàn là 4 tháng.

Thóp trước trong điều kiện bình thường, kích thước thóp trước trẻ sơ sinh là 2,5×2,5cm. Sau khi sinh khoảng 3 tháng, thóp sẽ to dần lên theo sự hoàn thiện não bộ và chu vi đầu của trẻ. Sau đó nó lại thu dần lại và đến khoảng 12-18 tháng thì thóp sẽ chính thức khép lại.

Thóp và sức khỏe

Khi quan sát thóp, mẹ có thể nhận biết một số vấn đề sức khỏe mà bé gặp phải. Chẳng hạn, khi thóp lõm sâu, mẹ có thể hiểu là bé bị mất nước và cần cho con bú đủ sữa để bù đắp lượng nước đã mất.

  • Thóp phồng lớn lên có thể cảnh báo chấn thương đầu, nhiễm trùng não, đặc biệt là khi bé bị sốt hay buồn ngủ. Tuy nhiên, với trường hợp bé bị nôn trớ hay quấy khóc, thóp cũng có thể phồng lên một chút nhưng không nguy hiểm đến sức khỏe.
  • Nếu thóp đóng sớm trước 2 tháng có thể não hoặc xương đầu của bé bị cốt hóa sớm. Hậu quả là làm cho phần đại não không thể phát triển và làm ảnh hưởng lớn đến trí tuệ của bé.
  • Thóp không đóng mà mở rộng thêm theo tuổi của trẻ có thể do xương chậm cốt hóa và nguyên nhân là từ tuyến giáp của bé. Tuyến giáp có vấn đề sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện các khung xương, nhất là khung xương sọ.
  • Những mối băn khoăn phổ biến nhất về phần thóp của bé

    Thóp có gặp nguy hiểm không?

    Dù vùng thóp mềm là thế, bộ não của bé vẫn được bảo vệ rất chắc chắn trong một màng cứng. Do đó, mẹ không cần phải hốt hoảng khi chạm tay vào thóp của con. Điều này cũng có nghĩa là, bạn nên thoải mái khi gội đầu cho bé vì những cử động nhẹ nhàng này không thể làm hại vùng não bên trong.

    Thóp phập phồng có đáng lo?

    Đó là do sự di chuyển của máu qua vùng thóp. Điều này hết sức bình thường và bé yêu của bạn vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

    Thóp quá to

    Kích thước của thóp rất khác biệt, to hay nhỏ tùy vào cấu tạo đầu của từng bé. Đối với những bé có thóp lớn bất thường, có thể do bé bị suy giáp, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn xương.

    Thóp đóng sớm

    Khi thóp đóng do tình trạng cốt hóa quá sớm, hộp sọ của bé có thể không tiếp tục phát triển và ảnh hưởng đến sự phát triển của đại não. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ dùng một loại nón đặc biệt giúp mở lại thóp cho bé, hoặc bé cần trải qua can thiệp bằng phẫu thuật.

    Bảo vệ thóp trẻ sơ sinh

    Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ nhàng như cách mà các điều dưỡng hướng dẫn tại bệnh viện đã là bảo vệ thóp bé an toàn. Một số lưu ý cần nhớ khác để kịp thời “thăm khám” sức khỏe thóp bé tại nhà:

    • Thỉnh thoảng sờ vào thóp trẻ lđể kiểm tra tình trạng sức khỏe nhưng cần nhẹ nhàng, không nên quá mạnh tay khiến trẻ sợ và đau. Số lần sờ cũng tùy thuộc vào thái độ và sức khỏe của trẻ lúc đó.
    • Có thể dùng mũ che thóp để bảo vệ đầu cũng như giữ ấm cho bé. Đặc biết là những lúc sau khi tắm da đầu cần phải được lau khô ngay và giữ ấm bằng mũ để trẻ không bị mất nhiệt dẫn đến cảm lạnh hoặc mắc các bệnh nguy hiểm khác.
    • Không phải lúc nào cũng luôn đội mũ cho bé, điều này có thể gây nồm, nóng bức cho trẻ vào mùa hè. Bố mẹ chỉ nên đội mũ cho trẻ vào những lúc sau khi tắm, khi trời lạnh hoặc đang ở những nơi có gió.

    Trong hầu hết trường hợp, mẹ không có lý do gì để lo lắng về tình trạng thóp của trẻ sơ sinh. Nếu bạn lo lắng về những rối loạn hiếm gặp, đừng ngại nhờ bác sĩ giúp mình kiểm tra tình trạng của bé để có câu trả lời chính xác nhất.

  • Nguồn: Gia đình Việt Nam