Dòng sự kiện:

Thu hết đồ chơi của con, cách làm tưởng tàn nhẫn lại có hiệu quả bất ngờ

Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng trẻ con là phải có đồ chơi để con có một tuổi thơ đúng nghĩa. Có thể bạn sẽ vô tình làm hại con mình với ý nghĩ đó.

Trẻ em thời nay "ngập ngụa" trong đồ chơi

Ai trong chúng ta cũng đều có tuổi thơ của riêng mình, với ông bà cha mẹ thời xưa, tuổi thơ của họ là những ngày tháng rong chơi khắp cánh đồng, làm bạn với con trâu con bò, những món đồ hàng... Nhà nào khá giả lắm thì có thêm những món đồ chơi làm bằng vải như búp bê, thú bông.

Ngày nay, khi cuộc sống, kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều, những đứa trẻ được tha hồ chơi đùa với những món đồ chơi đủ loại, từ gấu bông, búp bê đến những người máy, bộ xếp hình hoặc thậm chí là cả những đồ chơi được thiết kế nhằm tăng sức sáng tạo, phát triển trí tuệ cho con trẻ.

Nhiều đứa trẻ ngày nay "ngập ngụa" trong cả đống đồ chơi, điện thoại thông minh và không còn biết thế giới bên ngoài như thế nào.

Chính vì vậy mà dẫn tới quan niệm, trẻ không có đồ chơi thì sẽ thiếu sức sáng tạo, thiếu năng lực tư duy. Và nhiều bố mẹ sẵn sàng bỏ ra khoản lớn để mua cả "núi"đồ chơi về cho con, trước là để chiều lòng các con, sau là hy vọng con phát triển tốt.

Dự án “Tuổi thơ không đồ chơi” (Toy-free kindergarten project) do tổ chức thanh thiếu niên phi lợi nhuận Aktion Jugendschutz (Đức) khởi xướng, đã ra đời dựa trên quan điểm cho rằng: những hành vi bắt nguồn từ thói quen của con người hình thành khi chúng ta còn là một đứa trẻ. Dự án này được thực hiện nhằm minh chứng cho việc tách trẻ khỏi những đồ chơi hàng ngày sẽ ngăn chặn được những chứng nghiện khi trưởng thành.

Nguyên lý hoạt động của dự án này khá đơn giản: Trong ba tháng, trẻ em sẽ không được tiếp xúc với đồ chơi, chúng chỉ được tiếp xúc với những vật dụng cần thiết hàng ngày (Tất nhiên để bắt đầu, giữa phụ huynh và giáo viên sẽ có một cuộc trao đổi và thống nhất liệu có thực hiện dự án này hay không). Trong quá trình giảng dạy sẽ không gợi ý hay hướng dẫn bất cứ trò chơi nào cho trẻ mà sẽ để trẻ tự tìm cách đối phó với sự nhàm chán trong hoạt động thường ngày của mình.

Một giờ học tại một trung tâm chăm sóc trẻ tại Berlin, Đức, không giống như mọi ngày, tất cả những đồ chơi của lũ trẻ từ những chiếc ô tô điều khiển, những con thú nhỏ bằng nhựa, những con thú nhồi bông, những khối lego, cho đến những bảng đồ chơi điện tử,… tất cả đều biến mất. Các em nhỏ đến lớp với căn phòng trống hoác, thứ duy nhất các em nhìn thấy là giáo viên. Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy là vì bắt đầu từ ngày hôm nay, lớp sẽ được thí điểm áp dụng dự án “Tuổi thơ không đồ chơi”.

Theo đó, trong vòng vài tuần liên tục, những đứa trẻ trong lớp học sẽ không được tiếp xúc hay nhìn thấy đồ chơi nữa, và chúng cũng sẽ không nhận được bất cứ chỉ dẫn chơi trò chơi nào từ phía giáo viên. Điều này nghe có vẻ rất nghiêm khắc với một đứa trẻ, tuy nhiên, dự án này sẽ tiếp tục được thực hiện với một mục tiêu sư phạm quan trọng đó là nâng cao các kỹ năng sống của trẻ nhằm chống lại các chứng nghiện trong tương lai.

"Cai" đồ chơi để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ

Bà Elisabeth Seifert, Giám đốc điều hành của Aktion Jugendschutz cho rằng: “Không có đồ chơi, trẻ sẽ có cơ hội để phát triển những ý tưởng của riêng mình và đặc biệt chúng có nhiều thời gian hơn để chơi với những đứa trẻ khác, qua đó, trẻ có thể phát triển năng lực tâm lý xã hội tốt hơn”.

Theo bà Seifert, những năng lực này bao gồm sự hiểu biết rõ hơn về bản thân, yêu thích bản thân và đề cao hơn cái tôi cá nhân, đồng thời có được sự đồng cảm với người khác, có được những suy nghĩ mới, sáng tạo, có được kỹ năng phê bình, giải quyết vấn đề và sửa chữa lỗi lầm.

Để trẻ học được những kỹ năng sống này càng sớm càng tốt bởi những hành vi bắt nguồn từ thói quen hình thành khi chúng ta còn là một đứa trẻ.

Mặc dù không có nghiên cứu lâu dài về dự án nhưng một số nghiên cứu độc lập về ý tưởng "tuổi thơ không đồ chơi" được tiến hành, trong đó có nghiên cứu của nhà tâm lý học Anna Winner được in trong tạp chí Prävention xuất bản năm 1997 và nghiên cứu của Viện Áo ÖIBF vào năm 1998. Những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng trẻ em tham gia dự dán "tuổi thơ không đồ chơi" đều có sự tương tác xã hội, sự sáng tạo, sự đồng cảm và kỹ năng truyền thông tăng lên.

Tuy vậy, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn tỏ ra hoài nghi về dự án này. Họ lo lắng rằng ý tưởng này có thể khiến con họ sợ không dám đến trường nữa. Thực tế đã có trường hợp trẻ không muốn đến trường nữa sau 3 tháng hè đi mẫu giáo mà không có đồ chơi. Sau đó, một số trường rút ngắn thời gian thực hiện "quy tắc" này hoặc xen kẽ, cho các bé ra ngoài chơi nhiều hơn để hòa nhập với thiên nhiên.

Để loại bỏ mối hoài nghi, lo lắng của các bố mẹ về sự án này, Aktion Jugendschutz đã dùng camera để giúp cha mẹ biết con mình làm gì nếu không có đồ chơi. Kết quả thực sự khiến nhiều người bất ngờ. Chúng tự làm đồ chơi của riêng mình bằng bất cứ thứ gì chúng thấy ở xung quanh. "Những đứa trẻ vẫn đang chơi, chỉ là chúng chơi theo cách khác mà thôi", Aktion nói.

Một phụ huynh có con tham gia dự án này cho biết: "Có lần tôi thấy chúng làm xe lửa bằng những cách xếp những chiếc ghế nối tiếp nhau, lần khác tôi lại thấy chúng "xây dựng một pháo đài lớn" và bò xung quanh giả vờ là những động vật hoang dã.

Thời gian tham gia dự án đó đã giúp con trai tôi thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây thằng bé luôn bắt người lớn và các bạn khác chơi cùng mình thì giờ đây con luôn hào hứng với những quả trứng hay viên đá mà nó tìm được sau chuyến dã ngoại. Thằng bé luôn miệng kể những câu chuyện thú vị về chuyến đi vào rừng. Nó có thể tự chơi một mình ngoài trời mà không ai chơi cùng".

Hiện nay, không khó để bắt gặp những trường, lớp mẫu giáo hay trung tâm chăm sóc trẻ em áp dụng dự án khả thi này. Thậm chí, dự án này còn xuất hiện rất phổ biển tại Thụy Sỹ hay Áo.

Nguồn: Gia đình Việt Nam