Dòng sự kiện:

Thử nghiệm nến cháy dưới nước

07:05 18/02/2017
Một cây nến có độ cao bằng tô nước, khi đốt cháy quá mực nước đó vẫn có thể cháy thêm một đoạn mà không bị tắt. Bạn sẽ dễ dàng thực hiện và đưa ra lời giải thích đơn giản cho trẻ ở nhà.

Bạn cần một cây nến, một bật lửa, một tô nước.

Thực hiện: Người làm thí nghiệm sử dụng cây nến có đường kính 22 mm và cắt bớt sao cho có độ dài bằng độ sâu của tô nước. Trước tiên, đốt nến và nhỏ giọt nến đang tan chảy xuống đáy tô, sau đó thổi tắt lửa và cắm thẳng cây nến vào trong tô. Để nến khô trong 5 phút, nến sẽ dính chặt hơn, khi nhấc nến có thể nhấc theo cả tô.

Tiếp theo, đổ nước vào tô cho đến khi mực nước thấp hơn đỉnh nến một chút. Đợi nước phẳng lặng, dùng bật lửa đốt nến.

Bạn sẽ quan sát thấy khi nến cháy đến ngang mực nước, nó bắt đầu chỉ tan chảy phần trong lõi, phần bên ngoài vẫn giữ nguyên độ cao giúp lửa không bị tắt.

Giải thích: Nếu bạn đốt nến trong một tô không có nước, nó sẽ cháy như bình thường, tiêu thụ toàn bộ cây nến. 

Tuy nhiên, mọi chuyện không xảy ra tương tự khi nến bị bao quanh bởi nước. Nước lạnh có đặc tính hấp thụ nhiệt năng rất tốt. Khi nhiệt năng của ngọn nến tiêu tan trong nước, nhiệt tác động vào mặt ngoài của nến (phần tiếp xúc trực tiếp với nước) kém hơn, do đó nó không bị tan chảy như bình thường. Ngọn lửa sẽ hạ dần xuống thấp hơn bề mặt nước, trong khi vỏ nến vẫn cao ngang mặt nước như một bức tường bảo vệ, giúp lửa không bị tắt. 

Cuối cùng, khi nến cháy thêm một đoạn nữa, nước tràn vào bên trong phần nến đang cháy và dập tắt lửa. Nếu muốn, bạn có thể đo phần nến đã cháy được khi đặt trong nước. Trong thí nghiệm này, với cây nến đường kính 22 cm, độ dài nến cháy là 18 mm.

Theo DaveHax/VnExpress

Nguồn: Gia đình Việt Nam