Dòng sự kiện:

Thực hư chuyện ‘cắt tóc máu’ ảnh hưởng đến việc đóng thóp của trẻ

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ về việc cắt tóc máu có ảnh hưởng đến việc đóng thóp của trẻ hay không.

Gần đây tôi nhận được một số quan tâm của bậc cha mẹ về việc cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh. Nhiều bạn quan niệm rằng cắt tóc đầu tiên (nhân gian gọi là cắt tóc máu) là không nên vì sẽ ảnh hưởng đến việc đóng thóp của bé. Một số bạn khác lại băn khoăn: Có nên cạo tóc đầu tiên của bé để lớp tóc mới mọc ra dày và đẹp hơn. Liệu đâu là quan niệm đúng? Ở độ tuổi nào chúng ta có thể cắt tóc cho trẻ. Một số ba mẹ khác quan tâm về "cức trâu" và hiện tượng rụng tóc ở trẻ nhỏ.

Cắt tóc máu có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé? (Ảnh: Telegraph)

Cắt tóc máu có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé?

Tóc máu ở đây là cắt tóc lần đầu tiên. Tôi không nghĩ có vấn đề sức khỏe nào liên quan đến việc cắt tóc máu cho trẻ. Sự quan tâm này cũng không phải chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nền văn hóa châu Á cũng cùng mối quan tâm và trong nền văn hóa châu Âu một số cha mẹ có suy nghĩ cắt tóc máu là làm bé chậm nói.

Trong câu trả lời của GS.BS Lyuba Konopasek, Viện Nhi khoa New York-Presbyterian Weill Cornell Medical Center, Mỹ, cắt tóc máu cho trẻ là không liên quan đến sức khỏe hoặc sự phát triển ngôn ngữ của bé, cái mà cha mẹ nên quan tâm là tính chất nguy hiểm của thao tác cắt của thợ cắt tóc vì lớp da đầu của bé khá mỏng rất dễ bị tổn thương nếu cắt không cẩn thận.

Cắt tóc/cạo đầu sớm cho trẻ sẽ làm tóc sau mọc đẹp và dày hơn

Thực tế, việc ít tóc hay tóc dày khi mới sinh là do gen di truyền. Việc cắt tóc hay cạo trọc đầu thì không làm tóc trẻ mọc dày hay đẹp hơn. Việc cạo đầu không liên quan gì đến tóc sau sẽ mọc đẹp, nhưng cha mẹ cần quan tâm cân nhắc là da đầu bé dễ bị tổn thương nếu bé không có tóc che chở.

Thời điểm cắt tóc cho bé

Không có 1 thời điểm nào là cố định được khuyên vì tùy vào mỗi gia đình. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia, nên đợi bé có thể điều khiển tốt việc nâng đầu khi bạn cho bé ngồi trên đùi. 3-4 tháng tuổi là thời điểm bé có thể phát triển kĩ năng giữ đầu thẳng và tốt hơn.

Nên cắt tóc máu cho bé khi nào? (Ảnh: Xinhua)

Các bé có cứt trâu

Đây là 1 dạng viêm da không nguy hiểm do sự rối loại nội tiết tố và tuyến bã, các bé dưới 3 tháng thường gặp. Không liên quan đến việc mẹ chăm sóc bé có vệ sinh hay không. Do đó, ai nói mẹ chăm sóc bé không kỹ mà để có cứt trâu là không đúng. Đa phần sẽ tự khỏi khi tuyến bã hoạt động ổn định trở lại. Cứt trâu chỉ gây mất thẩm mỹ và tăng nguy cơ nhiễm nấm ở bé. Nên giữ vệ sinh kĩ, cũng không nên quá chà sát hay tác động cơ học nhiều quá.

Nếu bé có cứt trâu thì nên dùng dung dịch gội đầu cho bé có pH thấp để gội cho bé, không quá 3 lần/tuần.

Dung dịch gội đầu cho trẻ

Dung dịch không nên chứa sodium lauryl sulphate. Dung dịch chỉ nên chứa nhóm hoạt động bề mặt là không ion hóa hoặc lưỡng tính. Độ pH tầm khoảng 5.5, hạn chế có chất tạo hương nhân tạo. Danh sách 1 số thành phần có thể dùng aqua, coco-glucoside, cocamidopropyl betaine, citric acid, Acrylates/C10–30 Alkyl Acrylate Crosspolymer, sodium chloride, glyceryl oleate, p-Anisic acid, sodium hydroxide, phenoxyethanol, sodium benzoate và parfum.

Nếu bé có cứt trâu thì nên dùng dung dịch gội đầu cho bé có pH thấp để gội cho bé, không quá 3 lần/tuần. (Ảnh: Báo mới)

Cách gội đầu

Nên bế bé trên tay, bạn chỉ nên thấm ướt phần đầu và tóc. Tuy nhiên bạn giữ thân thể bé khô ráo (có thể quấn quanh người bé cái khăn sạch và khô).

Rụng tóc ở trẻ nhỏ

Nhiều cha mẹ có quan niệm rằng việc tóc thưa, rụng, ít mọc là liên quan đến thiếu canxi. Đối với các bé nhỏ, việc vận động bị hạn chế, tóc khó phát triển hoặc rụng là một điều kiện sinh lý bình thường. Khi trẻ vận động tốt hơn, lăn lộn hơn khi ngủ thì tự nhiên tóc mọc lại. Cha mẹ không nên tự ý bổ sung canxi cho bé vì đôi lúc gặp nhiều tác hại hơn nếu dư thừa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam