Dòng sự kiện:

Thực hư thông tin trẻ mẩn ngứa khắp người sau khi uống trà sữa ở Hà Nội

Lãnh đạo Khoa Nhi, BV Bạch Mai xác nhận, khoa đang điều trị cho bệnh nhi N.L.H (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện ngày 11/4/2018 trong tình trạng mẩn ngứa ngoài da toàn thân, trên da nổi nhiều ban mề đay, tập trung thành các đám lớn.

Thông tin một trẻ nhỏ ở Hà Nội phải nhập BV Bạch Mai nghi do ngộ độc trà sữa khiến nhiều người lo lắng. ThS.BS Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhi N.L.H (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện ngày 11/4/2018 trong tình trạng mẩn ngứa ngoài da toàn thân, trên da nổi nhiều ban mề đay, tập trung thành các đám lớn.

Qua khám lâm sàng cùng các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mày (mề) đay cấp và đã được điều trị theo đúng phác đồ (của Bộ Y tế). Sau 1 tuần điều trị, hôm nay (17/4), sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và sẽ được xuất viện.

Mày (mề) đay là một bệnh ngoài da phổ biến do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Ảnh minh họa. 

Trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bệnh nhân, BS. Tô Thị Hảo là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nói: Hiện chúng tôi không thể khẳng định vì không có bằng chứng khoa học chứng minh bệnh nhi bị phản ứng (ngộ độc) do uống trà sữa và thông tin trước đó bệnh nhi có uống trà sữa cũng chỉ là do người nhà kể lại.

Mày (mề) đay là một bệnh ngoài da phổ biến do rất nhiều nguyên nhân gây ra như yếu tố gia đình, do cơ địa, do tác động của thời tiết, khí hậu, do dị ứng với một số thuốc hay thức ăn…

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cẩn thận khi cho con tiếp xúc với các vật dụng, thực phẩm mới, lạ, có nguy cơ gây dị ứng. Nhẹ thì trẻ bị nổi mẩn, mày đay cấp, đôi khi nặng trẻ có thể có các triệu chứng: khó thở, suy hô hấp và có thể tử vong. Đặc biệt những trẻ có tiền sử hen, dị ứng thời tiết hoặc gia đình có tiền sử dị ứng.

Theo các bác sĩ, có các dạng mề đay gồm:

Mề đay thông thường: bệnh bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù có màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn rõ lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.

Phù mạch (còn gọi là phù Quincke): nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc...), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.

Da vẽ nổi: còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù xát nhẹ lên da, vài phút sau, trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mề đay.

Ngoài ra mề đay còn có những dạng khác như: sẩn nhỏ, sẩn - mụn nước hay xuất huyết.
Mề đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như: sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.

Nguồn: Gia đình Việt Nam