Dòng sự kiện:

Tỉ lệ sẩy thai đến 42% nếu lúc trẻ bạn bị stress

Theo NLĐ
08:09 24/08/2017
Những phụ nữ có tiền sử căng thẳng kéo dài vào những năm 20 tuổi có nguy cơ sẩy thai lên đến 42%, cho dù rất nhiều năm sau đó họ mới quyết định làm mẹ.

Trước đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh các thai phụ có nguy cơ sẩy thai và gặp những biến chứng xấu khác trong thai kỳ nếu bị căng thẳng tâm lý ngay trước khi mang thai và trong khi mang thai. Thế nhưng mới đây, nhóm nghiên cứu phối hợp giữa Trường Đại học London (UCL, Anh) và Đại học Zhejang (Trung Quốc) vừa cung cấp những bằng chứng cho thấy những căng thẳng trong giai đoạn mới trưởng thành - cụ thể là những năm của tuổi 20- cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với nữ giới.

Cụ thể, stress kéo dài có thể khiến phụ nữ có nguy cơ sẩy thai lên đến 42%, bao gồm cả những người làm mẹ nhiều năm sau đó, khi họ đã hoàn toàn bỏ xa những năm căng thẳng tâm lý. Những loại stress được nghiên cứu đến bao gồm chấn thương tâm lý, các rắc rối về mặc xã hội, lo âu về tài chính, sự bất hòa hôn nhân, công việc nhiều áp lực, những mất mát và thay đổi không mong muốn trong đời sống cá nhân.

Các chuyên gia phân tích rằng giai đoạn căng thẳng trong quá khứ có thể kích hoạt và giải phóng một số "hormone căng thẳng", từ đó làm thay đổi các quá trình sinh hóa cần thiết cho việc duy trì tình trạng mang thai.

Tiến sĩ Brenda Todd, giảng viên tại Khoa Tâm lý học, UCL cho rằng: cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là những người phụ nữ mang thai phải được đánh giá tâm lý ngay từ khi mới mang thai cũng như đánh giá định kỳ trong suốt thai kỳ. Bà kỳ vọng rằng, việc can thiệp tâm lý sớm sẽ giúp cải thiện ít nhiều mối nguy cơ này. Ngoài ra, can thiệp sớm ngay khi gặp chấn thương tâm lý hoặc khi mới rơi vào căng thẳng cũng là điều được các chuyên gia khuyến cáo để hạn chế những hậu quả lâu dài.

Theo các nghiên cứu, sẩy thai là một trong những biến chứng khi mang thai phổi biến nhất, xảy ra ở 20% các trường hợp mang thai ở tuần thai dưới 24.

Nguồn: Gia đình Việt Nam