Dòng sự kiện:

Tiền và quấy rối tình dục ở Thung lũng Silicon

Theo Vnexpress
19:00 19/07/2017
Nạn quấy rối tình dục ở thiên đường công nghệ Thung lũng Silicon, vấn đề nhức nhối từ lâu, giờ bắt đầu được phơi bày ra ánh sáng.

Năm 2001, thời điểm xảy ra bong bóng ngành công nghệ, Cecilia Pagkalinawan đang tìm nhà đầu tư rót vốn cho công ty của mình. Một nhà đầu tư đồng ý gặp cô tại một nhà hàng sang trọng ở New York. Khi Pagkalinawan đến nơi, người đàn ông có tiếng trong giới đầu tư mạo hiểm này đã gọi sẵn một chai rượu 5.000 USD.

Dù không thể nhớ chính xác lúc đó bị ép uống bao nhiêu ly rượu, Pagkalinawan đến giờ vẫn không thể nào quên bàn tay của người đàn ông đó sờ soạng cơ thể cô, hơi thở nồng mùi rượu khi ông ta áp sát vào hôn cô và thì thầm bên tai cô rằng ông ta muốn chăm sóc cho cô. Quá hoảng sơ, Pagkalinawan chạy vội vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo, rồi gọi điện cầu cứu một người bạn.

Hơn 10 năm đã trôi qua, Pagkalinawan chôn chặt "tai nạn" đó ở trong lòng. Nhưng trong những tuần gần đây, sau khi một loạt các vụ quấy rối tình dục tại các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon bị phanh phui, vết thương cũ trong lòng Pagkalinawan lại đau nhói. Cô quyết định lên tiếng, CNN đưa tin.

Từ trái qua phải, Lisa Wang, Cecilia Pagkalinawan, Bea Arthur, Leiti Hsu, Gesche Haas và Susan Ho, những phụ nữ từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục ở Thung lũng Silicon. Ảnh: CNN.

"Sau từng đấy năm, tôi không nghĩ là cảm giác vẫn đau đớn đến thế", Pagkalinawan nói.

Luật 'im lặng'

Nạn quấy rối tình dục xảy ra trong các công ty công nghệ khởi nghiệp diễn ra khá phổ biến. Pagkalinawan không phải là trường hợp duy nhất. Các công ty công nghệ mới thành lập hay còn gọi là start-up phải dựa vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Theo Guardian, có tới 90% start-up thất bại ngay trong giai đoạn đầu nếu không được đầu tư vốn kịp thời.

Do cần tiền để khởi nghiệp, nhiều phụ nữ chập chững bước vào ngành công nghệ đã lâm vào cảnh bị các nhà đầu tư "gạ tình".

Giới công nghệ của tại Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ không còn xa lạ với Dave McClure của 500 Startups và Justin Caldbeck của Binary Capital. Họ là những người đồng sáng lập của hai quỹ đầu tư nổi tiếng ở Mỹ.

Nhưng chỉ trong vài tuần qua, cả hai đều phải từ chức và công khai xin lỗi vì "những hành vi không phù hợp với phụ nữ trong cộng đồng công nghệ", một cách nói giảm nói tránh cho hành vi quấy rối tình dục.

Từ trái qua phải, nhà đầu tư Dave McClure của Quỹ 500 Startups, Justin Caldbeck đến từ Binary Capital và Chris Sacca của Quỹ đầu tư Lowercase Capital, đều từng bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh: Medium.

Những nhà đầu tư mạo hiểm như Dave McClure và Justin Caldbeck cho rằng họ không chỉ rót tiền vào những ý tưởng mà họ còn đổ tiền vào con người. Do vậy, họ cần tìm hiểu rõ về các cá nhân sáng lập công ty, theo Susan Ho, một trong 6 phụ nữ lên tiếng tố cáo Caldbeck.

"Nếu một nhà đầu tư là đàn ông nhìn vào một người đàn ông khác đang đi kêu gọi vốn, ông ta thấy đó là cơ hội làm ăn, một người bạn, người đồng nghiệp, chiến hữu", Bea Arthur, người sáng lập một công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần, nói rằng nếu đặt trường hợp là phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trẻ, cần mời gọi vốn đầu tư, "ông ta trước hết chỉ nhìn thấy (bạn) là một người đàn bà!"

Theo một thống kê của trang Information chuyên theo dõi ngành công nghệ, 89% các quyết định đầu tư tại 72 công ty tham gia khảo sát đều có lãnh đạo nam giới. Số liệu của PitchBook chỉ ra năm 2016, các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ 64,9 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp có các cá nhân sáng lập là nam giới trong khi đó các công ty do doanh nhân nữ lãnh đạo chỉ nhận được tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Giới công nghệ và đầu tư có luật bất thành văn buộc nạn nhân bị quấy rối tình dục không lên tiếng hoặc chỉ dám tố cáo nặc danh.

"Khi bạn nói về nạn quấy rối tình dục trong ngành công nghệ hay bất cứ ngành nào khác, nó giống như thả một quả bom nguyên tử dội lên sự nghiệp của bạn vậy", Susan Ho, một người sáng lập start-up về du lịch, nói tới nỗi sợ hãi bị trả thù, lo lắng công việc kinh doanh bị ảnh hưởng, "Là người đứng đầu, chúng tôi chịu trách nhiệm tài chính và cần làm điều tốt nhất cho công ty. Nếu nói ra sự thật sẽ gây tổn hại cho việc kinh doanh, liệu có nên làm hay không?".

Khi gây dựng doanh nghiệp, không ai muốn bị mang tiếng trong giới đầu tư là kẻ khó làm việc. Một nhà đầu tư có thể từ chối đổ vốn vào một dự án vì không có "niềm tin" vào người sáng lập, mà thực chất "ông ta lo ngại một ngày nào đó bạn sẽ nói ra những thông tin về thái độ không đúng mực của mình", Arthur nói về hậu quả của việc lên tiếng khi bị quấy rối.

"Những người ở đỉnh tháp vẫn sẽ đứng ở đỉnh tháp, họ hiểu nhau, họ bảo đảm và quan trọng hơn, bao che cho nhau", Arthur nói.

'Tức nước vỡ bờ'

Ba người phụ nữ sáng lập công ty công nghệ về du lịch Journy bao gồm Susan Ho (giữa), Leiti Hsu (trái) và Amy Guo. Ảnh: Techstar.

Khảo sát của "Elephant in the Valley" năm 2016 cho thấy, khoảng 60% phụ nữ làm việc tại Thung lũng Silicon bị phân biệt đối xử. Có tới 60% trong số đó cảm thấy cách giải quyết vấn đề của lãnh đạo không hợp lý, 39% giữ im lặng vì sợ ảnh hưởng đến công việc và 30% không muốn nhắc tới vì xấu hổ.

Tại các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, nam giới áp đảo nữ giới. Theo tiết lộ của cựu CEO Uber Travis Kalanick, nhân viên nữ của hãng chiếm khoảng 15%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Facebook là 17%, Google 18%, Apple 20% và Twitter 10%.

Khi Susan Ho cùng Leiti Hsu, người bạn đồng sáng lập công ty khởi nghiệp du lịch Journy, quyết định công khai danh tính kẻ quấy rối, họ đã lo lắng vụ việc sẽ "chìm xuống".

"Cuối cùng, khi lên tiếng, chúng tôi hy vọng ít nhất sẽ có một bài báo viết về vụ việc (đủ thu sức thu hút công chúng) để hiện lên trên công cụ tìm kiếm Google. Và lần tới, khi Caldbeck hẹn gặp một doanh nhân nữ khác, cô ấy sẽ tìm hiểu về ông ta trên Google, cô ấy sẽ đọc được bài báo đó và sẽ cẩn thận hơn hoặc nghĩ kỹ trước khi quyết định đến buổi hẹn", Ho nói.

Nhưng khi câu chuyện được đăng tải trên The Information, nó đã vượt quá hy vọng của cả hai. Nhiều nạn nhân đã mạnh dạn bước ra ánh sáng.

Năm 2014, Gesche Haas, sáng lập công ty Dreamers//Doers, tố cáo nhà đầu tư Pavel Curda, người đã thẳng thừng gửi e-mail cho cô và nói rằng "Tôi sẽ không rời khỏi Berlin nếu chưa ngủ với em. Đồng ý chứ?", khi đó cô và Curda đang dự một hội nghị công nghệ tại thủ đô Berlin, Đức.

Sau khi lên tiếng, Haas không những không nhận sự thông cảm mà còn bị nhiều người chỉ trích là cô muốn "gây sự chú ý". Còn kẻ quấy rối cuối cùng cũng xin lỗi công khai nhưng viện lý do là ông ta viết bức thư khi đang say mèm.

"Rủi ro của việc im lặng là bạn sẽ phải chung sống với (cảm giác đó) suốt đời. Tôi có bằng chứng rõ ràng. Tôi phải có trách nhiệm lên tiếng", Haas kết luận.

Nguồn: Gia đình Việt Nam