Dòng sự kiện:

Tìm hiểu các ứng dụng công nghệ trong phẫu thuật thẩm mỹ

Cụm từ phẫu thuật thẩm mỹ đã không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, để có kết quả thẩm mỹ như mong muốn, thì các kỹ thuật công nghệ cao ngày càng được ứng dụng trong chuyên ngành này.

Ứng dụng của laser

Laser là ánh sáng có nhiều tính chất đặc biệt hơn hẳn ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo khác và có những công dụng rất hữu ích có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống, tạo nên một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sau khi nó ra đời.

Các thử nghiệm laser trên người bắt đầu từ những năm 1960. Từ năm 1964, đã bắt đầu ứng dụng laser trong các điều trị về da. Khoảng gần 20 năm nay, laser được ứng dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong thẩm mỹ sử dụng laser theo hai hướng: Giải phẫu thẩm mỹ và chăm sóc thẩm mỹ.

Trong giải phẫu thẩm mỹ, thường sử dụng laser nhiệt như một con dao mổ, phổ biến nhất là laser CO2, laser Argon và laser YAG ứng dụng thẩm mỹ trong da liễu như: Điều trị sẹo mụn trứng cá, điều trị các u máu, điều trị các u sắc tố, đốt/tẩy các nốt ruồi xấu, đốt mụn thịt, tẩy tàn nhang, tẩy vết nám, bớt bẩm sinh, lột da mặt ở các mức độ khác nhau, tẩy lông, điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại và các vết thâm sắc tố sau phẫu thuật.

Trong chăm sóc thẩm mỹ, những ứng dụng của laser cũng dựa trên những hiệu ứng sinh học mà chủ yếu là hiệu ứng kích thích sinh học của laser khi chiếu vào tổ chức mô cơ thể người. Laser sử dụng trong chăm sóc thẩm mỹ chủ yếu là laser lạnh, công suất thấp. Đặc biệt, laser được sử dụng ngày càng phổ biến trong các kỹ thuật chăm sóc da trong quá trình trẻ hóa da. Laser hay còn gọi là phương pháp chăm sóc thẩm mỹ da bằng ánh sáng đang rất được tin dùng và ngày càng phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng laser đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và thành thạo để có chỉ định chính xác về liều chiếu, nơi chiếu và phương pháp chiếu, nhằm đạt hiệu quả cao nhất với sự an toàn tuyệt đối.

Ứng dụng laser trong điều trị các bệnh về da.

Có nhiều loại laser được sử dụng và chúng có những đặc tính khác nhau (bước sóng, công suất, mật độ công suất...). Vì vậy, mỗi loại laser sử dụng cho những phần da khác nhau với liều chiếu khác nhau. Ngoài các công dụng như đã nói ở phần ứng dụng trong giải phẫu thẩm mỹ, laser còn dùng để chăm sóc da thuần túy với các kỹ thuật: Tẩy tế bào chết trên da; chiếu để kích thích các tế bào da phát triển và thay mới; Kích thích tăng cường tuần hoàn dưới da để tăng nuôi dưỡng da và làm hồng hào da; kích thích tăng sinh, tái tạo collagene và mô đệm để da căng đầy và mềm mại; làm tăng độ đàn hồi của da để xóa các vết nhăn; chống lão hóa da; giữ gìn sắc diện tươi trẻ cho da; làm tan mỡ ở những vùng ứ đọng mỡ không mong muốn; làm săn chắc những bộ phận bị nhão, xệ; hồi phục và duy trì vóc dáng trẻ trung của cơ thể...

Nhiều loại máy laser thẩm mỹ tiên tiến đã có mặt tại Việt Nam để phục vụ kịp thời nhu cầu làm đẹp. Tuy nhiên, laser là công nghệ tiên tiến nên giá thành các thiết bị laser còn cao và đó cũng là một rào cản cho việc ứng dụng laser phục vụ con người.

Kỹ thuật 3D – giúp nâng cao hiệu quả phẫu thuật thẩm mỹ

Hình ảnh ba chiều (3D) là một công cụ giúp phân tích và lập kế hoạch phẫu thuật thẩm mỹ. Nó giúp các bác sĩ tăng cường khả năng chẩn đoán, giúp cho khách hàng hiểu rõ những điều mà bác sĩ sẽ thực hiện, từ đây sẽ cho ra một kết quả tối ưu có sự đồng thuận giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Phân tích 3D có thể tăng hiệu quả và độ chính xác cho nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ. Ứng dụng này đặc biệt hữu ích cho các trường hợp gọt bớt xương hoặc định vị lại khung xương, hoặc đặt mô cấy cho các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ như bấm mí, độn cằm, nâng mũi...

Hạn chế của công nghệ này là không được hữu dụng lắm trong trường hợp căng da thẩm mỹ và hút mỡ vùng bụng. Tuy nhiên, chúng có thể tạo ra hình ảnh so sánh để khách hàng có thể dễ dàng đánh giá được diện mạo của bản thân sau khi phẫu thuật vùng bụng.

Hiện nay, biện pháp chẩn đoán này đang dần được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do yếu tố chi phí và đây là một công nghệ mới trên thế giới nên phân tích hình ảnh 3D vẫn chưa phổ biến.

Nội soi – thẩm mỹ không để lại sẹo

Khi phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng luôn đặt ra câu hỏi: làm sao vết mổ dài mà không để lại sẹo xấu? Phẫu thuật nội soi có thể giúp thực hiện được điều này. Phẫu thuật thẫm mỹ nội soi ra đời nhằm tránh những thương tổn gây ra do việc tạo đường vào.

Tuy nhiên, ứng dụng nội soi trong thẩm mỹ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên nghiệp, nghiệp vụ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm đã trải qua hàng nghìn ca nội soi thành công. Ngoài ra, quy trình nội soi được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các thiết bị nội soi hiện đại, hạn chế tối đa xâm lấn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Các camera siêu nhỏ sẽ phóng đại gấp nhiều lần lên màn hình giúp các bác sĩ quan sát trực tiếp chính xác vị trí đặt túi, các mạch máu dây thần kinh, không rủi ro biến chứng.

Trong phẫu thuật nội soi nâng ngực giúp bảo đảm ổn định lâu dài, không mất cảm giác da, túi ngực đặt trước cơ không chèn ép các dây thần kinh, tuyến sữa sau khi nâng ngực nên khách hàng yên tâm sinh con, cho con bú. Khả năng đàn hồi mềm mại tuyệt đối, không mất thời gian về chăm sóc vết nội soi, không để lại sẹo.

PGS.TS. Vũ Ngọc

Nguồn: Gia đình Việt Nam