Dòng sự kiện:

Tọa đàm 'Đàn ông là số 1 hay số 0?': Thế nào là đàn ông “chất”?

Mai Nguyên
08:34 20/11/2017
Nhân Ngày Quốc tế Nam giới 19-11, Báo Thể thao & Văn hóa đã tổ chức buổi tọa đàm “Đàn ông là số 1 hay số 0”.

Nhiều kiểu đàn ông “chất”

Trước câu hỏi đàn ông chất là gì?, hot blogger Hoàng Minh Trí hài hước bày tỏ: “Đàn ông chất cũng chỉ nên chất với một số người, chứ chất với nhiều quá thì tỉ lệ “tai nạn” sẽ rất cao. Anh thể hiện cái “chất” của mình là một ông chồng, người bố mẫu mưc và… nhẫn nại: “Ở nhà tôi vẫn luôn thể hiện là một người bố yêu con, biết chăm chút con cái. Nếu bị vợ hoặc bố mẹ nhờ vả thì luôn vui vẻ làm dù không muốn. Bởi tôi thấy nếu việc đó chắc chắn phải làm thì tốt nhất nên vui vẻ - dù sự vui vẻ ấy không được ghi nhận. Dần dần, sau 1 2 lần vui vẻ như thế, tôi thấy mình cũng có chất hơn.

Các khách mời tham gia tọa đàm.

Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh, cho rằng mỗi phụ nữ sẽ có những gu khác nhau về đàn ông chất. Có người thích đàn ông thành đạt, trông bệ vệ, chín chắn, nhiều tuổi, không bao giờ nhúng tay vào việc phụ nữ để khỏi mất chất đàn ông của họ”. Còn người đàn ông chất với Dương Thùy Linh là người “theo xu hướng hơi metrosexual (biết chăm chút ngoại hình) một chút, không quá cứng theo kiểu cứ phải gồng lên rằng tôi là một siêu nhân, mà họ vẫn có thể khiến ta cảm nhận sự yếu mềm của họ”.

“Chất, trong thời đại mới, khi người phụ nữ khong yếu mềm như ngày xưa, thì họ cũng phải như nước, tức là biết cách mềm xuống để hòa hợp với nhau” – cô triết lý.

Còn Chí Trung cho rằng: là đàn ông phải biết hài hòa về lợi ích giữa 2 “phe”, có những điểm mà mình không thích nhưng vẫn phải biết và biến nó thành niềm vui. Nói cách khác là biết hợp pháp hóa những mong muốn của người vợ, dù mình không thích. Chất trong suy nghĩ của chúng ta phải là manly, phải là có chút gì đó khệnh khạng, ăn mặc bụi bụi.. “.

Anh thú nhận: “Có rất nhiều việc trong nhà cho người đàn ông, không nhất thiết phải lao vào phụ giúp vợ. Tôi không phải mẫu đàn ông lao vào nhặt rau, rửa bát, hít m ùi thức ăn để ra vẻ chăm lo. Nhưng tôi có thể ngồi trên tầng 4, nghe tiếng xe máy của vợ thì chạy xuống dắt xe cho vợ vào nhà vì bậc thềm hơi cao, có thể lau nhà lau cửa, phơi quần áo, tưới cây để cho ra hoa đẹp cho vợ ngắm. Hoặc đêm ngủ, nghe tiếng kẹt trên tầng thượng thì tất nhiên tôi phải lao ra, chứ không thể bảo em ơi ra xem có ai ở trên đó.

Ông Tim Voegel-Downing.

Chia sẻ về “chất” của đàn ông phương Tây, ông Tim nói rằng: “Đàn ông phương Tây cũng có nỗi khổ như đàn ông VN thôi. Và bây giờ khi mọi thứ đang thay đổi, người phụ nữ cũng phải đi làm, người đàn ông cũn phải chăm sóc gia đình. Những việc ấy khiến chúng ta phải nhìn nhận lại, phải đưa ra những định kiến khác về vai trò của đàn ông và phụ nữ. Để là một người đàn ông chất, theo tôi điều đầu tiên họ phải tự tin. Khi mà mình cứ liên tục phải đặt câu hỏi làm như thế nào là đúng, là sai, thì họ đã mất đi cái chất của mình rồi.

Những định kiến về đàn ông “chất”

GS Xoay đặt câu hỏi: Đàn ông chúng ta thường phải đối mặt với nhiều câu hỏi, gặp rất nhiều điều kì thị trong gia đình. Ví dụ nếu ở rể thì bị thiên hạ gọi là chó chui gầm chạn, nếu đẻ toàn con gái thì bị gọi là không biết đẻ, nghe vợ một chút thì bị gọi là sợ vợ, không biết uống rượu thì gọi là mặc váy. Tóm lại là định kiến của xã hội cũng nhiều.

“Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chương trình.

Blogger Cu Trí cho rằng, những cái kỳ thị GS Xoay vừa nói, tôi chưa phải đối diện nên khó trả lời. Nhưng, khi ngồi với bạn bè, với những người đẻ con một bề, tôi cũng tránh chưa bao giờ nói tới việc ấy. Hoặc với những người nói xỏ theo kiểu nhà này nâng cấp từ 3G lên 4G, nghĩa là từ 3 gái lên 4 gái, tôi vẫn hay bảo thôi mình nói sang chuyện khác.

Từng có những lần tham gia những chuyến đi dài với những người đàn ông khác, tôi cũng có dịp nghe họ tâm sự. Chẳng hạn, có anh sướng vì 50 tuổi mới cố mãi mới đẻ được thằng con trai, nhưng họ cũng hiểu rằng trong câu chuyện ấy người thật sự khổ sẽ là người phụ nữ.

Hot blogger Hoàng Minh Trí.

Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cho rằng, những định kiến đó là tự các ông đưa ra với nhau chứ phụ nữ có bao giờ định kiến chuyện ấy đâu. Phụ nữ thấy anh nào không uống rượu thì quá là đáng tôn vinh. Những gì đàn ông định kiến thì phụ nữ rất thích. Vì thế đàn ông cứ tự làm khổ nhau rồi lại đòi quyền bình đẳng thì không ổn.

Sẽ có những người đàn ông như thế, nghĩa là sự kiêu hãnh tự hào của họ chỉ nằm ở một số thứ. Ví dụ họ không tự hào về gì khác, chỉ có thể tự hào về đẻ con trai thì phải dìm các đàn ông khác để tôn vinh mình lên thôi. Nếu gặp những ca như thế, các anh hãy tìm những người đàn ông tự tin về những thứ khác để nói chuyện.

Tất nhiên, ở chuyện này, phụ nữ cũng có những người dìm nhau ở một số điểm nào đó, để họ có thể cảm thấy có giá trị hơn. Tất cả đều là vì sự thiếu tự tin trong những lĩnh vực nào đó.

Còn câu anh hỏi phụ nữ có thể giúp đàn ông văn minh hơn không, chắc chắn là có. Một phần của việc có những đàn ông không văn minh lắm cũng là trách nhiệm của phụ nữ, nhất là việc họ được sinh ra và nuôi dưỡng như thế nào. Nếu chúng ta muốn thay đổi chồng mình hoặc những người đi trước thì khó, nhưng với con cái thì phụ nữ có sức ảnh hưởng cực kì mạnh mẽ. Nếu là người mẹ thể hiện sự văn minh, năng động, để con mình thấy mẹ cũng làm được rất nhiều việc và luôn có sự tôn trọng lẫn nhau thì đứa con của chúng ta sẽ văn minh.

Nghệ sĩ Chí Trung.

Bàn về những áp lực mà người đàn ông phải đối mặt, “Táo giao thông” Chí Trung cho rằng, “ cái đáng sợ với người đàn ông là người phụ nữ đặt ra những áp lực về kinh tế, về địa vị, về thứ hạng. Trong khi trời sinh ra, có những người như thế này và những người như thế kia. Cuộc sống may mắn thất bại hay thành công nhiều khi không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của đàn ông.

Chẳng hạn, chúng tôi ở một căn hộ tập thể nhỏ ở Tràng Tiên, ở 45 năm rồi. Nhiều người hỏi sao anh ở lâu thế, tôi chỉ bảo mình thích. Thật ra mình không có điều kiện để thay đổi. Nếu Ngọc Huyền đòi hỏi tôi phải có một chuntg cư, một biệt thự, một cái gì đó hoành tráng thì mệt lắm.
Nếu đàn ông mà bị người vợ đặt áp lực lên, rồi nhìn bằng ánh mắt thương hại khi chồng không thành công, thì đó là điều đáng mẹt mỏi vô cùng. Tất nhiên, tôi cũng phải cố gắng hàng ngày, để không bao giờ rơi vào cảnh bị vợ nhìn bằng ánh mắt như thế...

Đàn ông “chất” phải kiếm tiền… hơn vợ?

Đại diện cho phái nữ, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh chia sẻ về nỗi vất vả kiếm tiên của đàn ông: “Em là người phải ra ngoài kiếm tiền, và hiểu rằng kiếm được đồng tiền trong xã hội là khó. Vì thế, em thấy nếu phải là trụ cột kiếm tiền trong gia đình thì đó là một gánh nặng rất lớn với đàn ông. Em cũng mong sau này con mình lớn, cũng lấy được một cô nào đó biết kiếm tiền...”.

Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh.

Đụng đến chuyện kiếm tiền, GS Xoay phản biện bằng một nghịch lý: Nếu vợ của con em biết kiếm tiền thì có khi con em lại… khổ. Bởi đàn ông bọn anh thân lừa ưa nặng. Vợ không kiếm được tiền, mình phải căng ra kiếm tiền thì khổ, mà vợ kiếm được thì mình cũng sẽ khổ theo cách khác.
Dương Thùy Linh cho rằng, đàn ông đừng ép mình phải thế này phải thế kia, đừng tự làm khổ mình. Em nghĩ khi còn nhỏ, nếu họ biết trân trọng những gì mẹ họ làm trong gia đình thì sau này, họ cũng sẽ không có mặc cảm nếu là người kiếm ít tiền hơn vợ. Thật ra không ai có thể đi ra ngoài kinh doanh, làm ăn tốt được nếu không có một người lo lắng ở nhà. Em nghĩ đàn ông cũng không nên tự hành hạ bản thân mình quá.
Mà như em thấy, phụ nữ Việt Nam giờ cũng khá chủ động. Như em gái em lấy chồng Nhật Bản, ở đó, phụ nữ vẫn được trông chờ để ở nhà chăm con, còn người đàn ông có thể đi làm ở thành phố khác cả tuần và chỉ về nhà mấy ngày. Nghĩa là chúng ta cũng không đến nỗi quá tệ đâu. Và em nghĩ đàn ông Việt Nam mình cũng mở, cũng sẵn sàng lắng nghe, như cuộc tọa đàm này là ví dụ.

Các đề tài được đặt ra trong buổi tọa đàm Đàn ông là số 1 hay số 0? được khách mời và những người tham dự thảo luận rất sôi nổi.

Nhưng, thay mặt chị em, em muốn chia sẻ thế này: mọi người vẫn nói là có 2 ngày của phụ nữ. Nhưng thật ra ngày 8/3 không phải ngày để tặng hoa, tặng socola, mà là ngày để họ đòi quyền bình đẳng. Trong ngày đàn ông, các anh cũng có thể đòi quyền bình đẳng: tôi được phép mềm yếu hơn, tôi không phải quá mạnh mẽ nữa. Chúng ta đừng cứ ép phái mạnh phải là "mạnh". Cái đó cũng làm các anh khổ lắm đấy. Chẳng hạn, có những người đàn ông không chia sẻ gì với vợ về khó khăn, bởi họ sợ vợ lo lắng, sợ vợ coi thường mình. Nhưng chính những cái đó làm phụ nữ khong hiểu đàn ông của m ình. Với vợ, các anh hãy cho phép mình yếu mềm hơn một chút

Nguồn: Gia đình Việt Nam