Dòng sự kiện:

Tôi đã dạy con sống trách nhiệm thế nào?

03:00 09/02/2016
Dạy con sống có trách nhiệm với bản thân và với mọi người chưa bao giờ là điều dễ dàng với những người làm cha mẹ. Tình yêu, sự bao bọc con quá mức đôi khi lại chính là rào cản khiến mục tiêu dạy con trách nhiệm của bạn không thành.

  

Tin liên quan

  • Rơi nước mắt trước câu chuyện bố dạy con về lòng biết ơn
  • Bí quyết dạy con trai 6 tuổi thành thạo việc bếp núc
  • Ngôi sao truyền hình Mỹ dạy con trai cư xử lịch thiệp với phụ nữ
  • 5 điều thú vị trong cách nuôi dạy con của cha mẹ Hà Lan
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ khoảng thời gian 15 năm “đầu gấu” như thế nào mới có thể luyện được một em bé cao 1m68 sống trách nhiệm với bản thân và mọi người.

“Con Péo không phải là đứa học giỏi mặc dù nó khá thông minh. Nó cũng chẳng hấp dẫn mặc dù chân dài và nét mặt cân đối. Nhưng điều tớ tự hào là Péo sống rất có trách nhiệm. Nhiều thứ Péo chả thích đâu, nhưng đã nhận là Péo trăn trở, tìm cách làm cho tốt. Vậy thì tại sao tớ lại dạy được Péo điều khó khăn đó” - Tiến sĩ Vũ Thu Hương viết về con gái.

Chị chia sẻ điều quan trọng nhất để dạy con sống trách nhiệm là cha mẹ phải luôn làm gương, sống trách nhiệm trước khi dạy con mình: “Theo tớ nghĩ, 2 ngôi sao nhà Péo để nàng học hỏi là bố và mẹ cũng thuộc loại sống có trách nhiệm. Nhiều lần con chứng kiến việc bố mẹ làm mặc dù không thích nhưng không kêu ca và luôn cố gắng. Hì, nếu không thế, bố Péo cũng chẳng thể nào lên sếp to thế được. Điều này giúp Péo nhà tớ có một con đường đi được vạch ra khá rõ: phải sống có trách nhiệm. Và đây là lợi thế của tớ khi dạy con”.

Vậy còn những bước tiếp theo thì sao? Dưới đây là bài viết của chị Vũ Thu Hương về việc kiên trì dạy con sống trách nhiệm:

Các cha mẹ chú ý, nếu trong nhà các bạn có các tấm gương không trách nhiệm lắm thì cũng đừng nản, vẫn có thể dạy con được. Tớ thường dạy con theo từng năm tháng với mục tiêu rất rõ: trách nhiệm của con, để con gánh vác.

1. Về việc thức dậy đi học

Khi con còn quá bé, tớ giúp con dậy bằng việc tăng ánh sáng và âm thanh từ từ cho con tự thức dậy. Tớ không gọi bao giờ cả, con tự dạy và đi học thôi.

Sau này, khi con đi học tiểu học, tớ bảo con tự đặt đồng hồ mà thức lấy, việc đến trường là việc của con, đâu phải của tớ. Con bị nhà trường, đội sao đỏ, các thày cô giáo và cả cô hiệu trưởng nhắc nhở rồi. Tớ không cần nhắc gì nữa.

Vài lần con bị cô mắng, phạt, về mách mẹ, mẹ thản nhiên bảo: Ồ, thì con dậy muộn phải tự chịu thôi. Thế là con không dám ỉ lại vào mẹ, tự đặt đồng hồ dậy đi học từ lớp 2.

2. Về việc đến trường của con

Ngày con còn học mầm non, tớ và con đi bộ đưa nhau đến trường. Có hôm là bố đưa, nhưng gì thì cũng đi bộ hết. Con tự mặc áo, đi giày, đeo balo. (Trước khi đeo còn phải bỏ cặp lồng quà chiều vào túi, hôm nào quên thì nhịn thôi, ko có quà để ăn trong khi các bạn khác có. Thế là vài lần sau rút kinh nghiệm, chẳng dám quên).

Balo của con cũng khá nặng, nhưng tớ không bao giờ cầm giúp, kể cả lúc mới 2, 3 tuổi. Con có cái ảnh chụp ngày đi học đầu tiên trong đời đã đeo balo rồi. Con đi bộ, nếu đòi bế lập tức bố/mẹ sẽ ngồi xuống hè để nghỉ, kêu con cùng nghỉ cho đến khi tự đi được thì sẽ đi tiếp. Con đòi vài lần không được là thôi.

3. Khi con học lớp 3 ở tiểu học

Tớ chuyển nhà đến sát trường và yêu cầu con tự đi học và tự về. Sau 1, 2 năm được bố mẹ đưa đi, con mè nheo lắm. Tớ kệ, tớ cho ngồi khóc ở nhà, có hôm còn bỏ học vì muốn khủng bố tinh thần mẹ. Tớ cũng kệ thôi. Vài lần con thấy mè nheo không được, tự mình cắp sách đến trường.

Điều quan trong là tớ đã dạy con tất cả các cách ứng phó với các tình huống bắt cóc xâm hại rồi. Vì thế, chẳng có gì phải hạn chế tính tự lập của con nữa.


4. Về việc học

Tớ chưa bao giờ quan tâm hỏi han giúp con việc học hành. Nếu con kêu không hiểu bài, khi con còn nhỏ, cấp 1, 2, tớ thường nói con tự xử, tự hỏi cô giáo. Con không làm bài tập, tớ lập tức nhắn tin mách cô và nhờ cô phạt thật nặng. Vài lần trốn bài tập không thoát, con khắc tự làm.

Giờ lớn hơn, nhiều bài con nghe giảng mà chưa hiểu thì tớ cũng giảng nếu tớ biết. Nhưng nếu tớ phát hiện ra chuyện học hành không tử tế, tớ cho ở nhà luôn. Đi học là quyền lợi, không biết trân trọng quyền lợi của mình thì đừng đi học nữa.

Bài học của trẻ Việt theo hình xoáy trôn ốc, bài học sẽ được nhắc lại vào lúc nào đó sau này. Vì thế, nghỉ 1, 2 hôm chẳng dốt đi được, còn vô trách nhiệm thì sẽ hỏng cả đời. Thế nên, tớ cho nghỉ khá vô tư.

Sau vài lần ăn phạt nghỉ học, con tớ bảo vệ cái quyền đi học đó nhiệt tình. Cảnh con ngồi toalet để học cũng bình thường. Tớ chẳng can thiệp vào việc học của nó. Nhưng nó bảo: Con đang ghi câu này hay thì lại buồn... vệ sinh. Thế nên tranh thủ.

Việc con thức đêm để học cũng chẳng xa lạ gì. Con đuổi mẹ đi ngủ sớm rồi đóng cửa vào học cho đến khi xong bài rồi mới đi ngủ cũng là bình thường.

5. Tớ ko mắng con khi con có điểm kém

Học giỏi hay dốt còn tùy nhiều nguyên nhân. Tớ chỉ cấm con tuyệt đối không được gian lận. Nếu con gian lận, tớ sẽ xử cực nặng, thậm chí bắt nghỉ học ở nhà vài hôm cho nhớ. Con tớ ko dám quay cóp nhưng có vài lần hỏi bạn trong kì thi nên cũng đã bị phạt vài lần.

6. Việc nhà tớ dạy con và giao việc cho con khi con còn nhỏ xíu

Lớn lên, con không làm tốt cũng vẫn phải làm. Nấu ăn ko ngon thì đổ đi nấu lại. Cả nhà sẽ ngồi đợi. Con học lớp 3 là tớ bắt trưa về nấu cơm cho mẹ ăn (mẹ ở nhà đợi). Ăn xong ngủ nghê xong lại đi bộ đến trường học chiều. Bữa nào con ko nấu thì mẹ nhịn luôn và kêu khóc tí ti. Thế là con có trách nhiệm ko chỉ với bản thân mà với cả người khác nữa.

7. Về việc học các môn năng khiếu

Nếu con lười, tớ cho nghỉ học ngay với 1 lời khẳng định: đây là cơ hội chỉ có 1 lần, nếu con nghỉ, vĩnh viễn ko bao giờ mẹ cho con đi học lại lần 2. Tớ đã thực hiện câu nói đó với vụ học hát trên cung thiếu nhi. Vì thế, khi học đàn Piano, con tập rất chăm chỉ, con sợ mẹ cấm không cho học nữa.

Thế đấy. Sau 15 năm đầu gấu, tớ đã luyện được một em bé cao 1m68 sống trách nhiệm với bản thân và mọi người.

Đây là điều tớ viết về nó hôm 1.1.2016:

“Nó. Nhận dạy gia sư và luôn trách nhiệm với công việc, hào hứng hết mức khi học sinh tiến bộ vượt bậc.

Nó. Nhận làm dự án và thức đêm để làm. Say mê và nhiệt tình.

Nó. Đêm giao thừa, vào viện chăm ông ốm hết sức vui vẻ và chịu khó. Vác cả sách vào viện học, tranh thủ thời gian.

Ừ thì nó không học giỏi hàng đầu, ừ thì nó không xinh như hoa hậu. Nhưng với mềnh thì nó No1.

Sau khi đọc bài viết của tiến sĩ Thu Hương, nhiều bà mẹ đã tự thừa nhận mình "nhu nhược". Rất nhiều mẹ đồng tình rằng "nếu yêu không đúng cách hóa hại con trong tương lai". Và rất nhiều ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ cách dạy con của chị Vũ Thu Hương.

Anh Tuấn

Nguồn: Gia đình Việt Nam