Dòng sự kiện:

Tối qua vừa dọn mâm cơm lên bàn, chồng tôi đã hất đổ hết

14:00 08/11/2015
Vừa đặt mâm cơm lên bàn ăn, chồng tôi đã lấy tay hất đổ hết rồi chửi: “Mày đi chăm anh mày làm cái gì mà giờ này mới về cho tao ăn”.

 

 

 

 [mecloud]fhu58uUMvO[/mecloud]

Chào những người thường vào đọc mục tâm sự,

Tôi là Hoa, hiện đang sống và làm việc tại Tuyên Quang. Tôi rất ngại kể chuyện mình cho mọi người nghe, nhưng lần này vừa căm phẫn vừa thất vọng tột cùng, tôi đành viết ra đôi lời mong nhận được sự chia sẻ của mọi người để nguôi ngoai bớt nỗi lòng.

Tôi lấy chồng gần 1 năm, đang mang bầu 3 tháng. Chồng tôi ở cùng quê, lúc mới yêu rất chiều và chăm sóc tôi chu đáo. Thế nhưng khi cưới nhau về, anh quay ngoắt 180 độ. Mẹ chồng tôi cũng vào dạng khó tính. Từ lúc tôi về làm dâu, chưa ngày nào được yên ổn với bà. Tôi làm việc gì cũng bị soi mói, dù là chuyện tắm táp, rửa bát. Bà luôn miệng chê bai tôi chậm rồi chẳng xem tôi ra gì.

Vậy nhưng, chồng tôi lại nghe theo lời mẹ, cứ hễ thấy mẹ chồng quát con dâu là chồng tôi lại hùa vào chửi mắng. Nếu như một người yêu thương vợ thì sẽ tìm cách hòa giải mẹ chồng – con dâu, còn chồng tôi thậm chí còn tìm lỗi của vợ nói xấu với mẹ để bà “dạy nó cho tử tế”.

Tôi mang bầu mà việc gì cũng đến tay. Ngày đi làm kế toán cho một công ty tư nhân, tối về bà vẫn dành việc tưới rau, cho lợn ăn, quét dọn, nấu nướng mặc dù bà ở nhà chẳng làm gì. Mẹ chồng tôi bảo, mang bầu vận động cho dễ đẻ. Còn chồng tôi thấy vợ mang bầu vất vả thế mà vẫn còn nói: “Lấy được tao là sướng rồi đó, mỗi mấy việc cỏn con đó kêu ca gì. Cả làng này chửa đẻ cả chứ có phải mỗi mình mày đâu mà kêu”.

Tôi ốm nghén không ăn được gì, cứ hễ ngửi thấy mùi thuốc đánh răng và mùi dầu rửa bát là buồn nôn. Thế mà nhìn tôi như thế, mẹ chồng rồi chồng tôi hùa vào chửi tôi lười, tôi giả vờ làm kiểu để không phải làm.

[mecloud]VJV7mWHPLh[/mecloud]

Mang bầu 3 tháng đầu, người ta kiêng cữ đủ thứ để tránh động thai, vậy mà mẹ chồng tôi đi xát bì gạo về gọi tôi chạy ra sân bê vào bếp. Tôi nhìn ái ngại bảo bà gọi chồng tôi bê vào cho. Mẹ chồng tôi lại chửi: “Có cái thứ dâu nào lười như mày không? Có mỗi bì gạo vài yến mà kêu nặng. Ngày xưa mang bầu tao gánh cả ruộng lúa có chết ai đâu?”. Chồng tôi nghe thế chạy ra khoanh tay nói: “Mẹ nói đúng đấy, cô thử bê lên xem nào. Làm cho dễ sinh nở, đừng có làm lười”. Tôi ngước mắt nhìn anh cãi lại: “Tôi không làm được” rồi bỏ đi, mặc đằng sau những tiếng chửi, nhiếc móc của hai mẹ con nhà họ.

Có lẽ về làm dâu nhà chồng, chỉ có mỗi bố chồng tôi có chút lòng thương. Cảm động nhất là lúc tôi ra sông rửa sau, ông thấy nắng chói sau gáy nên lấy luôn cho cái mũ để đội che đầu. Bố chồng còn nhắc nhở tôi cẩn thận cho cả con. Nhiều lúc tôi nghĩ, chồng tôi chỉ được một chút của bố chồng thôi là đã may mắn lắm rồi.

Đôi khi chồng chửi vô cớ, tủi thân, tôi chỉ muốn bỏ về nhà mẹ đẻ sống cho yên ổn. Đỉnh điểm, tuần trước anh trai tôi làm công nhân xây dựng bị tai nạn, rơi từ tầng hai xuống gãy tay và chấn thương sọ não. Bố mẹ tôi ở quê chưa kịp lên, chị dâu lại chuẩn bị đến ngày dự sinh. Chẳng ai khác ngoài tôi ở gần vào viện chăm sóc anh.

Vậy mà, tối qua, tôi đi chăm anh từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới có người vào thay. Về vội làm việc nhà và vào bếp nấu ăn. 8 giờ tối, vừa bưng mâm cơm lên bàn, chồng tôi không được một lời hỏi thăm anh vợ như thế nào rồi mà lấy tay hất đổ hết xuống nhà rồi chửi: “Mày đi chăm anh mày làm những gì mà giờ này mới về? Mày làm cái gì mà giờ này mới cho tao ăn?”

Tôi ngỡ ngàng nước mắt lưng tròng nhìn chồng chán nản rồi thu dọn bát đũa vỡ tan, đồ ăn rơi vãi khắp nhà đi đổ.

Cảm giác lúc đó của tôi không còn là đau đớn, tủi thân nữa mà căm hận người chồng vô lương tâm đó. Tôi vào phòng nằm khóc một mình rồi thu dọn đồ vào túi xách để sáng mai lên viện và rời khỏi căn nhà ghê sợ đó luôn.

Đến hôm nay, khi tôi ra đi rồi, nhà chồng tôi vẫn không một lời hỏi thăm anh trai tôi thế nào. Tôi vẫn chưa dám cho bố mẹ tôi biết chuyện vì sợ ông bà lại lo lắng thêm. Nhưng tôi làm sao có thể sống tiếp với những con người lạnh lùng, ghê sợ đó được nữa. Con tôi sinh ra có thể không có cha, không ông bà nội nhưng ít nhất nó không phải chứng kiến những cảnh đau lòng đó hằng ngày.

Liệu tôi làm như thế này có đúng không? Về kinh tế tôi không sợ vì tôi có công việc ổn định, thu nhập khá vì khả năng của tôi có, công ty không thể thiếu tôi được. Xin mọi người hãy cho tôi vài lời khuyên.

Thu Hoa (Tuyên Quang)

Nguồn: Gia đình Việt Nam