Dòng sự kiện:

Tranh cãi quanh vở thực cảnh triệu đô “Ngày xưa”

Yến Anh
09:23 09/03/2018
Công ty Tuần Châu đã nộp đơn khởi kiện công ty DS ra TAND TP. Hà Nội yêu cầu phải giao quyền chủ sở hữu tác giả đối với vở diễn "Ngày xưa".

 

 

Cảnh trong vở thực cảnh "Thủa ấy xứ Đoài"

TAND TP. Hà Nội đang xem xét thụ lý đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội đối với công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS.

Trước đó, Công ty Tuần Châu đã triển khai dự án đầu tư Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái, trong đó có hạng mục biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh với diện tích hơn 2.000 m2 tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Công ty Tuần Châu và Công ty DS đã ký hợp đồng nguyên tắc với giá trị nhiều tỷ đồng. Nội dung: "Công ty DS thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh "Tuần Châu Hà Nội".

Để thực hiện hợp đồng nêu trên, công ty DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm đại diện đã xây dựng kịch bản "Ngày xưa"(tên gọi khác là: Thuở ấy Xứ Đoài) để trình diễn. Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu của tác phẩm sân khấu và cho rằng, đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Công ty DS tiến hành công bố sản phẩm mà chưa xin ý kiến của Công ty Tuần Châu. Công ty DS tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Ngày xưa".

Công ty Tuần Châu còn cho rằng công ty DS đã cố ý không hoàn thành hoặc cố ý trì hoãn hoàn thành nghĩa vụ công việc, không nghiệm thu bàn giao sản phẩm theo hợp đồng cho Công ty Tuần Châu. Việc làm trên được cho là đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của Công ty Tuần Châu. Sau đó Công ty Tuần Châu đã phải ký kết hợp đồng với người khác để xây dựng chương trình biểu diễn khác mang tên "Tinh Hoa Bắc Bộ" để thay thế cho vở diễn "Ngày xưa".

Do những tranh chấp không thể giải quyết, Công ty Tuần Châu đã nộp đơn khởi kiện công ty DS ra TAND TP. Hà Nội yêu cầu tòa tuyên buộc bị đơn phải giao quyền chủ sở hữu tác giả đối với vở diễn "Ngày xưa" cho công ty Tuần Châu theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết, bồi thường thiệt hại cho công ty Tuần Châu số tiền hơn 6 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng.

Sáng 9-3, đại diện công ty DS cũng đã có những phản hồi xung quanh những thông tin trên. Thông cáo nên rõ, xuất phát từ một số bất đồng quan điểm giữa hai bên, ngay từ khi hợp đồng liên quan tới vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (hay còn gọi là “Thuở ấy. Xứ Đoài”) còn hiệu lực, Công ty TCHN đã thuê Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Sen Vàng dàn dựng một vở diễn phái sinh dưới tên “Tinh hoa Bắc Bộ”. Vở diễn này lặp lại hoàn ý tưởng và cách thể hiện, đồng thời kế thừa và sử dụng lại toàn bộ hạ tầng kiến trúc và mỹ thuật đã được thiết kế, xây dựng và sử dụng cho vở diễn thực cảnh “Ngày Xưa”.

Công ty DS cũng khẳng định Công ty Tuần Châu Hà Nội còn nợ tiền của công ty DS và các một số nhà cung cấp tham gia vào dự án, đồng thời chưa hoàn tất các nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Vụ việc tranh chấp, xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn “Ngày xưa” giữa Công ty DS và tác giả/ đạo diễn Nguyễn Việt Tú với Công ty TCHN vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chúng tôi, Công ty DS và tác giả/ đạo diễn Nguyễn Việt Tú đã nộp đơn kiện liên quan đến vụ việc này tại toà án có thẩm quyền.

Trước cáo buộc “công bố tác phẩm khi chưa xin phép”, của công ty TCHN, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, công ty VISION & ASSOCIATES, đại diện pháp lý cho công ty DS và đạo diễn Việt Tú cho rằng điều 22.2, Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính Phủ, sửa đổi năm 2011, quy định: “Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.”

Với quy định này, “công bố tác phẩm” được hiểu là “việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm”. Trong khi đó, ở vụ việc giữa Công ty DS và Công ty TCHN, đạo diễn Nguyễn Việt Tú chỉ thuần túy trả lời một số câu hỏi và cung cấp một số thông tin tới báo chí. Rõ ràng việc trả lời và cung cấp thông tin tới báo chí này hoàn toàn không liên quan gì tới việc “phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm” và do đó, không thể coi là hành vi “công bố tác phẩm”. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc trả lời và cung cấp thông tin tới báo chí này là theo yêu cầu của chính bà Đào Thị Đoan Trang. Chúng tôi hiện đang lưu giữ toàn bộ các thư từ trao đổi liên quan tới việc này và sẽ cung cấp tới quý vị nếu có yêu cầu” – luật sư Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Bà Hà cũng khẳng định, Công ty DS cũng không vi phạm nghĩa vụ liên quan tới việc hoàn thành công việc hay bàn giao sản phẩm theo hợp đồng cho Công ty Tuần Châu, hay bất kỳ nghĩa vụ nào khác theo hợp đồng. Công ty này có đầy đủ giấy tờ, báo cáo công việc, thư từ giao dịch với Công ty Tuần Châu để minh chứng điều này.

Ngoài ra, Công ty DS cũng không tự ý đi đăng ký bản quyền hay có ý định chiếm đoạt hay tranh chấp bất kỳ quyền nào không thuộc về mình có trong kịch bản vở diễn “Ngày xưa”. “Nếu Công ty TCHN tiếp tục đưa ra những thông tin mang tính sai sự thật này, chúng tôi sẽ uỷ quyền cho luật sư của mình khởi kiện Công ty Tuần Châu và các cá nhân liên quan về hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự và gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đạo diễn Nguyễn Việt Tú” – thông cáo nêu rõ.

 

 

 


TAG