Dòng sự kiện:

Trẻ được ôm ấp, bế ẵm sẽ không hư như chúng ta thường nghĩ

08:29 09/01/2017
Khoa học đã chứng minh bế ẵm trẻ thường xuyên, bế trẻ lên ngay khi trẻ khóc không thể làm trẻ hư được như những gì chúng ta thường nghĩ.

“Có phải bạn lúc nào cũng bế ẵm con, con khóc là bế lên ngay?”

“Không sợ như thế làm con hư à?”

“Để con tự biết cách dỗ mình nín khóc đi, trước khi quá muộn”.

Trên đây là những câu nói quá quen tai, mà bất cứ ai cũng sẽ nói với một người mới làm mẹ. Mà có khi chẳng cần đợi đến lúc em bé chào đời, ngay khi còn mang thai 9 tháng 10 ngày, người thân, hàng xóm, bác sĩ, thậm chí cả người lạ cũng bảo bế trẻ nhiều trẻ sẽ hư.

Ôm con là đặc quyền đặc lợi của người làm mẹ.

Những người lần đầu làm mẹ, vốn đã ít kiến thức, lúng túng và bỡ ngỡ trong mọi vấn đề nuôi con nhỏ, thì lại vô tình bị nghe những lời khuyên chưa đúng. Bản năng của người làm mẹ, tất nhiên sẽ không cho phép mình làm ngơ khi con khóc, khi con đòi mẹ. Thế nhưng giữa vô vàn lời khuyên “đanh thép” như thế, người mẹ ít nhiều cũng bị lung lay. Cũng có những người mẹ, “bất chấp” tất cả, chịu bị mang tiếng là “cả ngày bế ẵm con không làm được việc gì” để ôm ấp con, gần gũi con bất cứ khi nào con muốn.

Mới đây, một nghiên cứu trên trang Pediatrics đã kết luận rằng: “Bế ẵm trẻ cả ngày không bao giờ có thể khiến trẻ hư”. Trái lại, việc bế ẵm trẻ lại là yếu tố “sống còn”, ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe thể chất, trí tuệ cũng như sự phát triển chung của trẻ.

Nghiên cứu còn tập trung vào những lợi ích của việc da tiếp da với trẻ sinh non. Nói chung những lợi ích này không chỉ có ý nghĩa tại thời điểm đó, trong những năm tháng đầu đời của trẻ mà còn tác động tích cực đến trẻ trong 20 năm tiếp theo.

Nghiên cứu cho biết thêm những em bé sinh non được da tiếp da, được ôm ấp có chỉ số IQ cao hơn, sau này kiếm được công việc ổn định và tốt hơn so với những trẻ khác. Những em bé này cũng dễ đương đầu với khó khăn, tâm lý ổn định và không dễ bị kích động.

Trẻ phát triển tốt nhờ được yêu thương.

Với những trẻ sinh đủ tháng và được da tiếp da thường xuyên, nghiên cứu cho thấy những bé này có nhịp tim, hệ hô hấp ổn định, bản thân người mẹ suôn sẻ hơn khi nuôi con bằng sữa mẹ và bé bớt quấy khóc hơn.

Ôm ấp trẻ, thậm chí còn được ví như một liệu pháp tinh thần khá hiệu quả. Khi trẻ khó chịu, trẻ đau đớn, trẻ đi tiêm phòng, nhưng được bố mẹ, người thân ôm, sẽ giảm cảm giác đau. Ngoài ra khi được thỏa mãn nhu cầu chính đáng – là được ôm ấp, trẻ sẽ có kỹ năng bú mẹ tốt hơn.

Về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, trước đây người ta chỉ tập trung vào vấn đề kích sữa, ăn uống, làm thế nào để nhiều sữa cho con bú mà quên mất rằng việc ôm ấp sẽ tạo ra hormone oxytocin – hormone hạnh phúc giúp mẹ dồi dào sữa mà chẳng cần áp dụng phương pháp kích sữa hay thực phẩm lợi sữa nào.

Vì thế hãy cứ ôm ấp trẻ, như một đặc quyền đặc lợi mà chỉ riêng người làm mẹ mới được hưởng. Tận dụng những năm đầu đời của con để ôm hôn, gần gũi con. Chỉ vài năm nữa thôi, khi con lớn phổng phao và bắt đầu có thế giới riêng của mình, con sẽ chẳng còn nhiều nhu cầu đó nữa đâu.

Theo PLXH

Nguồn: Gia đình VIệt Nam


TAG