Dòng sự kiện:

Trẻ em Việt trước nỗi lo bị bạo hành: Cha mẹ làm sao biết con đang gặp nguy?

Theo Thanh niên
13:00 23/12/2017
Trẻ hay la hét trong giấc ngủ, hoảng loạn ở nơi đông người, sợ đến trường, tâm trạng bất ổn định,… là những dấu hiệu cho biết con trẻ đang gặp vấn đề, có thể là bị bạo hành mà phụ huynh cần lưu ý.

Mới đây, dư luận phẫn nộ vì những vụ bạo hành liên tiếp đổ lên đầu những đứa trẻ vô tội, không có sức phản kháng. Cháu K. (10 tuổi, Hà Nội) bị cha ruột và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm, cháu N. (9 tuổi, Hà Nội) cũng bị chính cha ruột nghi dùng dây điện đánh thâm tím người và hàng chục trẻ khác tại trường mầm non Mầm Xanh (TP.HCM) bị các cô bảo “tra tấn” bằng những hành vi bạo lực không thể chấp nhận được.Tại sao trẻ bị như vậy mà những người thân không hề hay biết? Dựa vào những dấu hiệu nào mới có thể biết được trẻ đang gặp phải các vấn đề “bất thường”?

 

Những vết thương bất thường

Vợ chồng anh Hoàng Anh đều làm công nhân ở quận 12. Vì công việc phải thường xuyên tăng ca trong khi các trường công lập đều yêu cầu đón con từ 4 giờ chiều nên anh chị phải gửi bé T.M (5 tuổi) tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh.

Anh Hoàng Anh kể: Lần đầu thấy trên tay bé M. có 4 vết bầm nên anh gặng hỏi thì bé nói là bị cô đánh rồi dẫn anh vào chỉ thẳng cô giáo đã đánh bé. Tuy nhiên, cô thì một mực chối, sau đó anh làm căng lên đòi ra công an thì cô mới nói do bé không nghe lời nên cô đánh. Sau đó, cô hiệu trưởng cùng cô giáo đến nhà xin lỗi vợ chồng anh và hứa sẽ không bao giờ để tình trạng này xảy ra.

LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM trong lần đưa em K. đi khám tâm lý

Tương tự, chị Thủy, mẹ của bé K. (5 tuổi) cũng gửi con tại cơ sở tư thục này và không ít lần thấy những vết thương trên cơ thể của con trai. “Mỗi lần tắm cho bé, bé nói rát da thịt, hỏi sao thì kêu bị cô lấy dao chặt chân với cô đánh, mình hỏi lại cô, cô nói không có nên cũng đâu có tin con. Cứ nghĩ con chơi với bạn xong bị vậy thôi”, chị Thủy kể lại.

Chưa hết, theo lời chị Thủy, nhiều lần đón K. về nhà mà bầm tím khắp vành tai, lần thì kêu đau tay, lần lại kêu đau chân, có lần đau cả bộ phận sinh dục. Vì quá nhiều lần nên chị Thủy lên tìm cô giáo nói chuyện để chuyển trường cho con. Vừa chuyển sang trường mới, cô giáo mới đã nhắc chị đưa K. đi khám vì bé có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường.

Kết quả khám tâm lý mới đây, bác sĩ kết luận K. bị rối loạn ám ảnh sợ. “Giờ nghĩ lại thấy mình ngu quá, gửi con ở đó, bắt con chịu đựng suốt 3 năm, nghĩ mà xót xa. Giờ tôi phải nghỉ làm để ở nhà lo cho con, mong con mau trở lại bình thường”, chị Thủy tâm sự.

Chị Tuyến, mẹ bé Đ. (3,5 tuổi) cũng cho biết từ ngày gửi con ở trường Mầm Xanh cho tới khi trường đóng cửa thì ngày nào đón con về, trên người bé cũng có vết bầm, không chỗ này thì chỗ khác.

Chị Tuyến, mẹ bé Đ. ôm con ngồi thất thần sau khi biết con bị cô đánh suốt thời gian dài

Mỗi lần bé Đ. than đau, nói bị cô đánh, chị Tuyến không tin, gọi điện thoại hỏi cô, cô lại nói do bé chơi đùa cùng bạn nên mới bị như vậy thì chị Tuyến cũng chỉ biết vậy. “Có lần đón con học về mà ngón tay út con như muốn rớt ra ngoài, tôi nóng ruột hỏi cô, cô nói là bị kẹp vô ghế do đẩy nhau với bạn. Lần khác bé lại bị bầm mắt nằm viện 10 ngày, cô giáo nói là do cô đang lau nhà mà bé hiếu động chạy ra nên bị té. Do con hiếu động nên nghe cô giáo giải thích vậy, tôi cũng tin chứ ai ngờ đâu…”.

La hét khi ngủ

Không chỉ về nhà với các vết thương lạ thường mà cả 3 bé ở trên còn có chung một biểu hiện là la hét hoặc khóc thét lên khi ngủ.

Cha của bé M. cho biết rất nhiều đêm liên tiếp M. đang ngủ lại bật dậy la hét rồi đi vòng vòng trong nhà, sau đó cha mẹ dỗ mãi bé mới chịu ngủ tiếp. Hay như bé Đ. thì mỗi lần la hét đêm là bé thức luôn tới sáng và nhất quyết không chịu đi học.

Anh Hoàng Anh (cha bé M.) cho biết thấy con như vậy, anh lo có gì không ổn nên đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng mà không ra bệnh. Còn sau lần bé bị cô đánh và cô nhận lỗi, anh nói vợ chuyển trường cho con nhưng vợ bảo thôi, giờ chuyển qua trường khác thì vợ chồng anh lại không tăng ca được và sẽ bị cho nghỉ việc.

Nhắc tên cô là bé khóc om sòm

Chị Tuyến, mẹ bé Đ. kể lại, bé thường xuyên không chịu đi học mà đòi đi làm cùng mẹ. Mỗi lần chở con tới trước cổng trường là con lại khóc thét lên đòi đi về. Thấy vậy cô giáo ra ẵm bé đặt vào ghế đá, bé bỗng im phăng phắc. “Mấy lần vậy tôi cũng thấy lạ nhưng nghĩ là bé sợ cô nên mới vậy thôi”, chị Tuyến nói.

Anh Hoàng Anh cũng cho biết nhiều khi ở nhà cả anh và vợ đều nhắc bé không nghe lời, thậm chí còn cãi lại nhưng chỉ cần nhắc tên cô là bé khóc om sòm. Vợ anh thì lấy làm mừng: “Cho con đi học mà con sợ cô, cô nói gì con cũng nghe lời thì tốt quá…”. Không chỉ vậy, bé M. nhà anh còn thường xuyên nhịn đi vệ sinh ở trường, mỗi lần anh đón bé vừa ra tới cổng là đã đòi đi vệ sinh, anh kêu con vô trong lớp đi thì con nhất định không chịu. Bé một mực đòi phải lên xe để anh chở đi một đoạn cách xa trường rồi mới đi vệ sinh. “Con còn nhỏ mà nhịn thế này thì không tốt cho sức khỏe, tôi không biết vì sao con lại sợ đi vệ sinh ở trường như thế…”, anh thắc mắc.

Riêng với chị Thủy, mẹ của bé K. thì chia sẻ mỗi lần bé K. đòi ở nhà, chị chỉ nghĩ là do con lười đi học chứ không nghĩ rằng ở trường con đang gặp phải những vấn đề gì, sợ cô hay bị cô la. “Gửi con bao lâu ở đây rồi, tin tưởng cô mới gửi, có gì cũng nói với cô, hàng tháng còn bồi dưỡng thêm để cô chú ý tới con mình, nào ai biết con bị ám ảnh tới mức như thế này. Giờ gặp người lạ là bé la hét, cào cấu, không chơi cùng các bạn mà hay ngồi chơi một mình”, chị Thủy thở dài.

Có thể thấy, mẹ bé Đ, mẹ bé K. hay cha của bé M. đều thấy những biểu hiện bất thường của con nhưng vì một mực tin tưởng cô giáo nên không hề đặt ra nghi vấn gì. Tới khi mọi chuyện rõ ràng thì mới hay rằng tất cả những biểu hiện bất thường của con đều chung một nguyên nhân - bạo hành.

Nguồn: Gia đình Việt Nam