Dòng sự kiện:

Trẻ sẽ gặp hậu quả gì nếu không được cha mẹ chăm bẵm ngày Tết?

08:31 11/01/2017
Trước và trong tết, gia đình nào cũng bận rộn, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thường bị buông lỏng. Hậu quả nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy và tăng - giảm cân bất thường…

Tăng - giảm cân bất thường

Chị Lan Phương (nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM) cho biết, chị có hai con trai 5 và 7 tuổi; đứa nhỏ thì ốm nhom, đứa lớn lại tròn trịa. “Dù chế độ dinh dưỡng của hai con giống nhau nhưng đứa nhỏ biếng ăn thì lại càng lười ăn, còn đứa lớn háu ăn đến mức cản không nổi".

Cứ sau mỗi cái tết, chị lại đau đầu vì hai anh em đứa thì tăng cân vù vù, đứa thì lại sụt cân thấy thảm. Rút kinh nghiệm, chị xác định: “Tết này phải giữ đúng nguyên tắc dinh dưỡng hàng ngày cho bọn trẻ, tuyệt đối không cho ăn nhiều thức ăn béo, ngọt”.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sở dĩ có sự tăng - giảm cân trái ngược như vậy là vì trẻ thừa cân rất háu ăn, mà các món ăn giàu năng lượng vốn được trữ sẵn rất nhiều trong nhà ngày tết, từ bánh kẹo, nước ngọt đến thịt heo, bánh chưng…

Thêm vào đó là các bữa ăn “chồng chất” khi trẻ sang nhà hàng xóm, đi chúc tết cùng cha mẹ. Thời gian này, phần lớn phụ huynh không để ý nhiều đến con, cũng không giữ vững nguyên tắc ăn uống như ngày thường vì tâm lý: “Tết mà, để con ăn uống thoải mái một chút!”.

Do vậy, dù bụng không đói, trẻ háu ăn được ăn liên tục, tăng cân nhanh chóng là chuyện đương nhiên. Ngược lại, với những trẻ biếng ăn thì khi người lớn bận rộn, ít để ý, chế độ ăn lại thay đổi thất thường, sẽ khiến trẻ càng lười ăn hơn. Nếu có ăn, trẻ cũng sẽ ăn rất ít, không nạp đủ dinh dưỡng. Cứ vậy, sau tết trẻ vốn gầy càng gầy hơn.

Để tránh trình trạng trẻ tăng - giảm cân bất thường mùa tết, TS-BS Trần Thị Minh Hạnh - PGĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khuyên phụ huynh dù bận rộn chuẩn bị tết thì cũng đừng quên chăm chút các bữa ăn chính cho con, cần đảm bảo đủ bốn nhóm dinh dưỡng: đạm, tinh bột, chất béo và rau củ - trái cây…

Trẻ béo phì phải hạn chế ăn bánh mứt kẹo, nước ngọt, bánh chưng, thịt mỡ. Bữa phụ nên là trái cây ít ngọt, có thể thay thế bánh kẹo bằng các loại hạt bí, dẻ, hướng dương, đậu sấy để giảm cảm giác đói và trẻ sẽ không ăn quá nhiều trong bữa chính.

Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chạy nhảy, hoạt động ngoài trời nhiều hơn là xem ti vi, chơi các thiết bị điện tử. Với trẻ gầy ốm, phụ huynh phải giữ đều đặn các bữa ăn chính cho trẻ và kèm bữa phụ giàu năng lượng.

Có thể bổ sung sữa chua, phô mai, trái cây, các loại hạt nhiều chất béo cho trẻ. Tránh để trẻ ăn bánh kẹo trước bữa ăn; khuyến khích trẻ vận động vừa phải để mau đói, đi chơi cũng nên vừa phải để giữ sức cho trẻ.

Trẻ bị tiêu chảy, táo bón

Tình trạng ăn uống thất thường, ăn vặt nhiều, vui chơi nhiều, ngủ kém trong những ngày tết còn dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy…

Nhiều gia đình cũng tăng cường cho trẻ uống nước cam, chanh để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng và dễ tiêu hóa, tránh táo bón; nhưng thực tế, nhiều trẻ càng uống càng tiêu chảy.

Đã vậy, phần lớn trẻ nhỏ lại “sợ” ăn rau củ, trái cây nên rất dễ táo bón. Chị Thu Hà (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), lo lắng kể: “Ngày thường con gái bốn tuổi của tôi vốn đã lười ăn rau quả, thường xuyên táo bón. Tết bận bịu, tôi sợ con ham chơi, lại lười ăn, tình trạng táo bón sẽ càng nặng hơn, nhưng không biết cách nào để con chịu ăn rau, dù băm nhuyễn, nấu nhừ”.

Ở khía cạnh Đông y, lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM, khuyên: “Để tránh tình trạng trẻ bị tiêu chảy, trào ngược dạ dày, khi pha nước cam, chanh cần pha loãng với nước sôi để nguội và thêm hai hạt muối rang giã nhuyễn, bụng trẻ sẽ ổn hơn. Không nên cho trẻ uống nước cam, chanh để lạnh, để lâu, rất dễ đau bụng. Với trẻ bị táo bón thường xuyên, nên pha loãng một-hai muỗng mật ong với nước đun sôi để nguội, cho trẻ uống liên tục trong ba ngày”.

Ngoài ra, Đông y còn có nhiều bài thuốc chữa trào ngược dạ dày, đổ mồ hôi trộm, trị biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy cho trẻ hiệu quả, cụ thể là bài quy tì hoàng có tác dụng bổ tỳ vị cho trẻ.

Với trẻ táo bón thì thêm các vị như: bạch môn, thiên môn có tác dụng hoạt trường, nhuận trường. Trẻ biếng ăn thì cần bổ tỳ vị bằng bạch truật xắt mỏng, tán bột, hòa mật ong, cho trẻ uống từ 2-6g/lần, hai lần/ngày, lúc bụng đói.

Sau một tuần, cơ thể trẻ sẽ hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời, cần cho trẻ tăng cường vận động, chơi thể thao để vừa tăng thể lực vừa tăng sức đề kháng, mau đói.

Cha mẹ cũng có thể nấu nước cà rốt, nước gạo hoặc nước đậu rang vàng cho trẻ uống thay nước, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Lúc đầu, có thể trẻ thấy vị lạ không chịu uống, phụ huynh cần kiên trì đút từng muỗng. Mặt khác, cha mẹ cũng đừng quên bổ sung đủ nước cho trẻ.

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh khuyến cáo: Cần cho trẻ ngủ đủ giấc vì thức quá khuya, thiếu ngủ khiến trẻ mau mệt và có thể bỏ ăn. Ngủ không đủ giấc cũng làm giảm sức đề kháng khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Khi đi chơi xa, cần chuẩn bị thức ăn phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, kèm các món ăn bữa phụ như: sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, phô mai, bánh qui, bánh gạo, trái cây có vỏ (cam, quít, chuối…) và luôn mang đủ nước chín cho trẻ uống sẽ an toàn hơn.

Theo PNO

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG