Dòng sự kiện:

Trẻ sơ sinh hay giật mình - Khi nào mẹ cần lo?

Theo MarryBaby
14:05 17/09/2017
Trẻ sơ sinh hay giật mình có thể do nhiều nguyên nhân: Trẻ thiếu canxi , trẻ chưa quen với giấc ngủ bên ngoài khi mới chào đời... Nghiêm trọng hơn, giật mình khi ngủ còn có thể là nguyên nhân bệnh lý

Giật mình là một phản xạ tự nhiên của nhiều trẻ sơ sinh khi cảm thấy lo lắng. Tuy chỉ xảy ra trong vài giây ngắn ngủi, nhưng phản xạ này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Một số bé không thể ngủ lại ngay sau đó, quấy khóc và làm ba mẹ cũng phải thức theo.

Khi cảm thấy lo lắng, trẻ sơ sinh thường có phản xạ giật mình

Trẻ sơ sinh hay giật mình do nhiều vấn đề khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là những lý do sau đây:

 Tâm lý không yên: Mới chào đời, bé chưa kịp làm quen với môi trường xung quanh nên tâm lý dễ bị xáo trộn, không yên.

– Trẻ gặp ác mộng: Bé có thể giật mình khi ngủ vì vừa gặp ác mộng, hoặc do hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

 Hội chứng sợ hãi: Không nhiều, nhưng một số trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng sợ hãi trong những năm đầu đời. Hội chứng này thường không liên quan liên quan đến yếu tố cảm xúc hay các vấn đề về thần kinh mà liên quan đến trí tưởng tượng trong trí não của trẻ. Vì vậy, hội chứng này thường vô hại.

– Tiếng ồn: Tiếng đóng mở cửa, tiếng chuông điện thoại hay tiếng chó sủa, tiếng xe… cũng là những âm thanh có thể làm “đảo lộn” cuộc sống vốn yên tĩnh, nhẹ nhàng của bé. Bé sẽ cảm thấy bất an và phản xạ giật mình xảy ra như một bản năng cơ bản để bảo vệ.

Trẻ sơ sinh hay giật mình: Dấu hiệu báo động đỏ?

Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ sơ sinh hay giật mình cũng có thể do vấn đề sức khỏe.

– Trẻ thiếu canxi: Thiếu canxi là một trong những nguyên hàng đầu làm bé ngủ không ngon giấc, hay giật mình. Ngoài giật mình, trẻ thiếu canxi còn thường đổ mồ hôi trộm về đêm, chậm mọc răng và rụng tóc hình vành khăn.

– Biểu hiện bất thường về chức năng não: Trong một vài trường hợp, trẻ sơ sinh hay giật mình có thể do bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của não bộ, nếu hiện tượng này lặp lại liên tục. Tuy nhiên để chắc chắn, mẹ nên cho bé thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết.

– Trẻ bị viêm não hoặc mắc một số bệnh khác: Bé bị viêm não,viêm họng, côn trùng cắn, thời tiết nóng bức thiếu kẽm hoặc mắc phải một số chứng bệnh nào khác như viêm tai giữa, bị nhiễm giun kim…cũng là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh hay giật mình.

– Trẻ bị trào ngược thực quản: Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình, vặn mình, khóc về đêm còn cũng có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược thực quản, viêm thực quản. Trẻ thường khóc lóc, khó chịu khi dịch dạ dày trào lên. Trẻ bị trào ngược dạ dày có biểu hiện của viêm đường hô hấp đi kèm.

Trẻ sơ sinh giật mình: Xử sao mới đúng?

Trẻ sơ sinh hay giật mình sẽ ảnh hưởng giấc ngủ của bé. Bé ngủ chập chờn, không đủ giấc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên xảy ra tình trạng này, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ cần lưu ý đặc biệt, nhất là những trường hợp giật mình do bệnh lý.

Với trẻ sơ sinh hay giật mình do thiếu canxi, mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi cần cho bé uống bổ sung canxi. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé tắm nắng thường xuyên, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin D, dưỡng chất giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

Thay vì dỗ trẻ ngủ lại hay cho bé bú, khi trẻ sơ sinh giật mình, mẹ nên chờ thêm một thời gian xem bé có ngủ lại hay không. Nếu bé thực sự tỉnh giấc, mẹ mới nên dỗ bé ngủ lại. Hơn nữa, mẹ cũng nên lưu ý những điều sau đây để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

– Không để đèn hoặc ánh sáng lờ mờ khi bé ngủ.

– Không quấn trẻ sơ sinh quá chặt, vì sẽ làm bé đổ mồ hôi, dễ gây cảm lạnh.

– Ngay khi bé ngủ, mẹ nên đặt ngay bé xuống giường để tránh khi đặt bé xuống lúc ngủ say sẽ làm bé giật mình. 

– Sau khi cho bé bú, mẹ nên cho bé chơi, trò chuyện hay cho bé nghe nhạc, bé sẽ thoải mái hơn khi đi vào giấc ngủ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam